Kết quả xếp hạng cơ sở giáo dục đại học Việt Nam: Trường trẻ tuổi đứng top 10, trường hot nhất đứng thứ 30!

Lại có những trường điểm đầu vào đại học (ĐH) trong năm 2017 chỉ hơn sàn của Bộ GD&ĐT lọt vào top 20. Những trường thu hút rất đông thí sinh điểm cao thì xếp sau vị trí ĐH quốc gia và vùng.

Đây là kết quả Dự án xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam do Nhóm Xếp hạng giáo dục ĐH Việt Nam thực hiện năm 2016 – 2017, vừa công bố chiều 6/9.

Điểm trúng tuyển đầu vào của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có ngành Công nghệ thông tin lên tới 28,25 nhưng chỉ đứng ở vị trí số 7 trong bảng xếp hạng các trường ĐH Việt Nam 2016 – 2017.

49 cơ sở được xếp hạng gồm 5 ĐH quốc gia và cấp vùng, 5 học viện và 39 trường ĐH công lập và tư thục. TS Lưu Quang Hưng – Chủ biên của Nhóm xếp hạng cho biết, trong danh sách xếp hạng lần này không có khối trường an ninh, quân đội, chính trị vì Nhóm không đủ dữ liệu. Các cơ sở giáo dục mới thành lập, một số trường liên kết với nước ngoài, trường ĐH địa phương, trường cao đẳng hoặc tương đương cũng không nằm trong danh sách xếp hạng của Nhóm.

Để rào trước việc bị “ném đá”, ông Hưng đưa ra 4 khó khăn lớn khi thực hiện xếp hạng đó là mô hình cơ sở giáo dục chồng chéo; so sánh không cùng chung chuyên ngành; tìm số liệu rất khó khăn; số liệu có nhưng không thống nhất, cùng một trường nhưng thông tin về số liệu công bố mỗi nơi một khác.

Về phản ảnh Trường ĐH Ngoại thương có điểm trúng tuyển ĐH luôn đứng trong top đầu các trường, sinh viên ra trường có việc làm ngay, thu nhập khá nhưng lại xếp ở thứ 23 trong bảng xếp hạng; hay ĐH Kinh tế quốc dân luôn thu hút được thí sinh điểm cao lại đứng thứ 30, Học viện Tài chính xếp thứ 40, ông Hưng giải thích: các trường này ít công bố quốc tế, tập trung vào đào tạo nhiều. Vì thế những trường này nên đánh giá lại nguồn lực khi đầu tư vào trường.

Ông Hưng cũng khẳng định không có sự đồng nhất xếp hạng thứ tự và chất lượng đào tạo của nhà trường. “ĐH Ngoại thương đứng thứ 23 nhưng sinh viên của trường rất năng động, tham gia nhiều hoạt động, vừa đi học vừa đi làm thêm”.

Còn theo TS Nguyễn Ngọc Anh – Đồng chủ biên Dự án xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam 2016 – 2017, với bảng xếp hạng này, chất lượng vừa có vừa không. Các trường tốt, mọi người muốn lăn sả vào học thì lại không có trong top 10? Trả lời câu hỏi này, ông Ngọc Anh giải thích: Các em học sinh có việc làm hay không chỉ là một phần của nhiệm vụ giáo dục ĐH là đào tạo ra sản phẩm tốt.

Khi mọi người băn khoăn về kết quả xếp hạng, nhất là có những trường như Bách khoa Hà Nội luôn đứng thứ hạng 1, 2 của những trường Việt Nam tham gia ở các các tổ chức quốc tế, ông Ngọc Anh cho biết họ xếp hạng theo tiêu chí khác với của Nhóm Xếp hạng giáo dục ĐH Việt Nam.

Ông Ngọc Anh cũng cho rằng, có thể các tổ chức xếp hạng thế giới tính theo bài nghiên cứu, còn Nhóm tính theo quy mô và năng suất của trường. Đó cũng là lý do các ĐH quốc gia và vùng đứng ở vị trí đầu trong bảng xếp hạng.

Bảng xếp hạng tổng thể 49 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam năm 2017:

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ket-qua-xep-hang-co-so-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-truong-tre-tuoi-dung-top-10-truong-hot-nhat-dung-thu-30-297403.html