Kết quả xử lý nợ xấu là rất tích cực

'Những đánh giá định tính về chất lượng cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là không có cơ sở'; Việc triển khai xử lý nợ xấu trong thời gian vừa qua là rất quyết liệt và đã đạt được những kết quả khá tích cực... là một số phát ngôn ấn tượng của các chính khách được BizLIVE ghi nhận tuần qua.

“Những đánh giá định tính về chất lượng cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là không có cơ sở”

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 2/11.

Theo đó, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo, liên quan đến việc một cán bộ của Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đánh giá tỷ lệ chất lượng dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chỉ đạt 6/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc xác định chất lượng công trình có bộ tiêu chuẩn riêng để xác định, còn những đánh giá định tính thì không có cơ sở.

Theo ông Đông, trong quá trình thi công đều tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật, từ nguyên liệu đầu vào, rồi xác suất, sau đó so sánh với yêu cầu thiết kế. Đây là kết quả trong quá trình giám sát thi công, không do cá nhân nào phát biểu. (Xem tiếp)

Thống đốc Lê Minh Hưng: Kết quả xử lý nợ xấu rất tích cực

Hôm 1/11, trả lời chất vấn của đại biểu về việc xử lý ngân hàng yếu kém chưa đạt yêu cầu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/01/2018. Trên cơ sở quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo và Chính phủ phê duyệt chủ trương và phương án định hướng để xử lý các ngân hàng yếu kém.

Đề cập đến tình hình triển khai Nghị quyết 42, về xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc triển khai trong thời gian vừa qua là rất quyết liệt và đã đạt được những kết quả khá tích cực.

“Chúng tôi cho rằng kết quả là rất tích cực. Nhưng quá trình vừa rồi sơ kết việc triển khai Nghị quyết 42 cũng cho thấy một số tồn tại khó khăn, hạn chế liên quan đến các bộ, ngành và một số địa phương. Chúng tôi đã có báo cáo chi tiết để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tới đây sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các địa phương và đặc biệt là Tòa án Nhân dân các cấp để triển khai quyết liệt hơn nữa và xử lý những vấn đề tồn tại trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan”, ông Hưng cho biết. (Xem tiếp)

Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu làm “nóng” nghị trường Quốc hội

Vụ việc anh thợ điện tại Cần Thơ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng nhiều lần làm nóng nghị trường Quốc hội. Thủ tướng đã yêu cầu sửa đổi quy định và không để tái diễn.

Phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) cho rằng vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng là điển hình về thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý Nhà nước làm dư luận không đồng tình. Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng nhấn mạnh phải xem xét lại mức phạt vì đổi 10 USD, 100 USD hay 1.000 USD, 100.000 USD đều phạt 80 triệu đến 100 triệu đồng là không phù hợp.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Ông cũng đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. (Xem tiếp)

Bị chất vấn dự án BT hầu hết thiếu minh bạch, Bộ trưởng Tài chính nói gì?

Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng nay (31/10), đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đặt câu hỏi qua kết quả kiểm toán nhà nước năm 2017, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định, thiếu minh bạch, giảm sự cạnh tranh.

Ví dụ, dự án BT rơi vào một doanh nghiệp sử dụng 100ha đất đối ứng để tạo vốn thanh toán không qua đấu giá về đất cho một dự án đường có chiều dài 1,39 km. Như vậy, sẽ không bảo đảm tính ngang giá và là kẽ hở thất thoát ngân sách nhà nước. Xin Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết giải pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, ý kiến của đại biểu Phạm Hồng Phong là đúng. Ông cho biết, trước 1/1/ 2018 các địa phương, các bộ, ngành thanh toán BT bằng đất theo Quyết định 23/2015 của Thủ tướng. (Xem tiếp)

“Công trình sai phép kiểu như 8B Lê Trực đang thách thức kiên nhẫn cử tri”

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây Dựng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đã đề cập đến tình trạng công trình xây dựng không giấy phép ,sai giấy phép mọc lên như kiểu tòa nhà ở phố Lê Trực, Hà Nội như đang thách thức sự kiên nhẫn của cử tri.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, cùng với quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật về thể chế cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước của các ngành, nhất là các địa phương về hoạt động xây dựng và xử lý vi phạm các hoạt động xây dựng. Trong những năm qua, hoạt động xây dựng đã dần dần đi vào nề nếp, trật tự và số vụ vi phạm giảm dần, tính bình quân 3 năm từ năm 2016 tới 9 tháng của 2018 thì số vụ vi phạm hoạt động xây dựng đã giảm, bình quân là 13,2% tương đương với 1.100 vụ/năm. (Xem tiếp)

TUẤN VIỆT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/ket-qua-xu-ly-no-xau-la-rat-tich-cuc-3478266.html