Kẹt vốn, 'Warren Buffett Trung Quốc' phải bán nhiều tài sản

'Đế chế' đa ngành nghề Fosun của tỷ phú Guo Guangchang đã phải bán phần lớn tài sản để trả nợ, sau đó dồn tiền vào hoạt động kinh doanh cốt lõi với kỳ vọng hồi sinh công ty.

Ông Guo Guangchang - nhà đồng sáng lập của Fosun - được mệnh danh là “Warren Buffett Trung Quốc” khi có chiến lược tương tự huyền thoại đầu tư người Mỹ: sử dụng dòng tiền ổn định từ các công ty bảo hiểm để mua lại doanh nghiệp khác.

Nhờ chiến lược này, ông Guo đã biến Fosun trở thành một “đế chế” khổng lồ với nhiều tài sản trải khắp thế giới, từ câu lạc bộ bóng đá Wolverhampton Wanderers, ngân hàng Bồ Đào Nha Millennium BCP, hãng thời trang Pháp Lanvin đến công ty quản lý chuỗi nghỉ dưỡng Club Med.

Nhưng giờ đây, “Warren Buffett Trung Quốc” đang chật vật với một vấn đề mà tỷ phú Buffett chưa từng gặp phải. Fosun đã vay số tiền khổng lồ để thực hiện các thương vụ mua lại, nhưng hiện không có khả năng thanh toán do các cuộc khủng hoảng tín dụng ở Trung Quốc đã khiến lợi nhuận tập đoàn giảm gần về 0.

 Ông Guo Guangchang. Ảnh: Bloomberg.

Ông Guo Guangchang. Ảnh: Bloomberg.

Dù đã bán một số tài sản trị giá 4,8 tỷ USD kể từ tháng 5/2022, ông Guo vẫn đang tiếp tục tìm cách rao bán những phần tài sản khác.

Trên thực tế, việc bán tháo quy mô lớn là dấu hiệu cho thấy tập đoàn đang ở trong "vòng xoáy tử thần". Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng của ông Guo trong việc bán lại các công ty con đang được đánh giá cao khi nó dần phát huy tác dụng. Cổ phiếu và trái phiếu của Fosun đã tăng trở lại kể từ đáy tháng 9, giúp giảm thiểu khả năng vỡ nợ của tập đoàn.

Theo ông Guo, bán tài sản không phải là điều đáng tiếc, "điều đáng tiếc là không ai muốn mua những gì bạn rao".

Chọn hướng đi khác biệt

Không giống như nhiều tỷ phú khác - những người chọn nghỉ hưu khi mọi thứ trở nên khó khăn - ông Guo thích thử thách bản thân và nắm quyền lãnh đạo trước mọi "cơn bão".

Kể cả khi các doanh nghiệp Trung Quốc những năm gần đây luôn phải đối mặt với thách thức do kế hoạch chống độc quyền của chính phủ, ông vẫn tham dự đầy đủ các sự kiện, đàm phán với đối tác và thường xuyên đăng bài cập nhật về Fosun trên mạng xã hội.

Thay vì "lui về ở ẩn" giống những CEO khác, ông Guo lựa chọn "xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và thân thiết" với chính phủ. Vào tháng 9/2022, ông và ban lãnh đạo Fosun đã đến thăm một vài doanh nghiệp nhà nước để thảo luận hỗ trợ và hợp tác.

Nhận xét về điều này, ông Brock Silvers - giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital tại Hong Kong - cho biết: "Ông Guo đã thành công vực dậy công ty nhờ hướng đi đúng đắn của mình, trong khi một vài đồng nghiệp của ông liên tục thất bại. Fosun đã có vị thế pháp lý tốt hơn, đồng thời tận dụng được các nguồn lực sẵn có để đẩy mạnh kinh doanh".

Theo Bloomberg, công ty này có vẻ là một trong những trường hợp "hạ cánh mềm" hiếm hoi trong cuộc khủng hoảng tín dụng tại Trung Quốc.

Hiện tại, Fosun vẫn đang rao bán phần tài sản trị giá 3,7 tỷ USD để tăng thanh khoản, đồng thời vay thêm 1,7 tỷ USD tại các ngân hàng Trung Quốc vào đầu năm nay để kinh doanh.

Đại diện tập đoàn cũng cho biết thêm rằng họ sẽ tiếp tục bán tài sản để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi trong lĩnh vực tiêu dùng gia đình.

Fosun sẽ tiếp tục bán tài sản để dồn vốn cho hoạt động kinh doanh cốt lõi. Ảnh: Bloomberg.

Nhiều thách thức phía trước

Dù cổ phiếu của Fosun đã phục hồi được khoảng 60% kể từ mức đáy và vượt xa các mã cùng ngành, nhiều chuyên gia cho rằng ông Guo vẫn còn cả chặng đường dài phía trước.

Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's, chính mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiêm tốn - chỉ khoảng 5% - trong năm nay của Bắc Kinh khả năng cao sẽ cản trở sự hồi sinh của Fosun. Ngoài ra, tổ chức này cũng đã rút lại xếp hạng tín dụng của tập đoàn trong tháng này với lý do không cung cấp đủ thông tin cần thiết, trong khi S&P Global Ratings đưa ra triển vọng tiêu cực đối với công ty.

Giám đốc S&P - bà Chloe Wang - cho biết: "Fosun có thể điều chỉnh lại tài chính của công ty thông qua việc đẩy mạnh kinh doanh và bán bớt tài sản, tuy nhiên, những khoản thoái vốn như vậy không hề chắc chắn trừ khi đã kí kết hợp đồng hoặc hoàn thành".

Theo bà, Fosun sẽ cần khá nhiều thời gian để cải thiện lại cấu trúc vốn và khó đạt mục tiêu hồi phục hoàn toàn trong năm nay.

Fosun - một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu Trung Quốc - được ông Guo thành lập vào năm 1992 cùng 3 người bạn học.

Vào thời kỳ đỉnh cao, tập đoàn này sở hữu gần 50 công ty con, trong đó đa phần là các đơn vị kinh doanh lớn như công ty bảo hiểm Fidelidade, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các công ty dược phẩm và một số nhà máy kim loại.

Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, tập đoàn đã thoái vốn ở hầu hết mảng và chỉ còn tập trung vào 3 lĩnh vực chính, bao gồm dược phẩm, bán lẻ và du lịch.

Theo tuyên bố tháng trước của ông Guo, tập đoàn này trong thời gian tới sẽ tiếp tục ưu tiên tăng trưởng bền vững bằng cách đẩy mạnh dòng vốn, giảm nợ chịu lãi và cải thiện xếp hạng tín dụng.

Hằng Nga

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ket-von-warren-buffett-trung-quoc-phai-ban-nhieu-tai-san-post1425215.html