Kẹt xe nội đô góp phần làm tăng chi phí vận chuyển tại Việt Nam

Kẹt xe trong nội đô là một trong các nguyên nhân khiến thời gian vận chuyển kéo dài, làm đội chi phí logistic trong thương mại tại Việt Nam.

Chi phí cho chuỗi cung ứng (logistic) tại Việt Nam thường cao hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Ước tính tổng chi phí cho chuỗi cung ứng logistics tại Việt Nam chiếm hơn 20% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm đa số, vào khoảng 59%.

Ông Nguyễn Văn Tú, CEO Công ty cổ phần đầu tư thương mại phát triển Nhất Tín (Nhất Tín Logistics) cho biết, chi phí vận chuyển đường bộ trong nước khá cao chủ yếu do thời gian toàn trình bị kéo dài so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chi phí vận chuyển bị ảnh hưởng một phần do tình trạng kẹt xe ở nội đô.

Điều này do hệ thống giao thông chung của cả nước, đặc biệt là việc tham gia giao thông vận chuyển nội đô các thành phố lớn. Theo đó, tình trạng kẹt xe và sự chậm trễ thường xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành. Nguyên nhân thứ hai là rất nhiều các loại phí, phụ phí mà vận tải đang phải gánh.

Để góp phần giảm chi phí vận chuyển, công ty đang xây dựng các nhóm giải pháp đồng bộ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Cụ thể, công ty này xây dựng hệ thống vận chuyển trên tuyến đường trục Bắc Nam từ Móng Cái đến Cà Mau, và ngược lại như là hình xương cá. Từ đó sẽ có các phương tiện nhỏ vệ tinh xung quanh kết nối về tuyến huyện và vùng sâu vùng xa, từng bước chuyển hình thức khai thác sản xuất từ ban ngày dần về ban đêm. Ngoài ra, công ty kết hợp với công nghệ cảnh báo sớm để lưu chuyển hàng hóa theo hình thức chủ động…

Nhất Tín Logistics thành lập năm 2014, cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế, trong đó lĩnh vực phục vụ chính của công ty là nhận và chuyển phát tận nơi: thư báo, bưu phẩm bưu kiện, hàng mẫu, tài liệu khoa học kỹ thuật, chứng từ thương mại, hồ sơ thầu… Công ty cũng cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ, vận chuyển đường sắt, vận tải đường biển, khai báo hải quan, cho thuê kho bãi và lưu kho… và vận chuyển thương mại điện tử (phát hàng thu tiền – COD).

Trong lĩnh vực vận chuyển thương mại điện tử và vận chuyển hàng hóa nói chung tại Việt Nam hiện nay, có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia, các công ty khởi nghiệp lẫn các ông lớn nước ngoài. Ông Tú cho biết càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực vận chuyển hàng thương mại điện tử, khách hàng sẽ là người đầu tiên được hưởng về giá cũng như chất lượng dịch vụ do các bên phải cạnh tranh giữ thị phần. Ông Tú cho biết đang kết nối hệ sinh thái thương mại điện tử theo các tiêu chuẩn quốc tế về kết nối, kiểm soát và cảnh báo. Ở mảng giao hàng thương mại điện tử, công ty tập trung nhiều vào công nghệ để hỗ trợ khách hàng, chuyển trả khách hàng tiền COD ngay sau khi giao hàng thành công. Công ty vẫn tiếp tục mở mạng lưới trả hàng tại các vùng sâu vùng xa 63 tỉnh thành trên cả nước.

Ông Nguyễn Văn Tú, CEO Nhất Tín Logistics.

Do tiềm năng của công ty, tháng 5/2017, Nhất Tín được quỹ MEF III của Mekong Capital rót vào hàng triệu USD nhằm mở rộng kinh doanh.

Từ khi nhận được khoản đầu tư này, ông Tú cho biết ngoài nguồn vốn hoạt động ổn định, điều mà công ty thu được nhiều nhất là những giá trị cộng thêm mà Mekong Capital mang lại, trong đó có cách quản trị doanh nghiệp.

“Chẳng hạn như kết quả của các cuộc hội thoại, hay mọi hành động phải được thể hiện bằng các con số cụ thể (KPI), thay vì chỉ ngồi nói những điều mong ước hay kể một câu chuyện như trước đây”, ông Tú nói.

Giải thích về lý do đầu tư vào một công ty trong lĩnh vực vận chuyển, đại diện Mekong Capital cho biết khi ngành bán lẻ thương mại hiện đại tăng quy mô một cách nhanh chóng, việc vận chuyển sản phẩm từ nhà sản xuất đến các trung tâm phân phối, và sau đó là lưu trữ nhanh chóng là điều quan trọng để đảm bảo sản phẩm luôn ở trên kệ trong cửa hàng, đồng thời giữ mức hàng tồn kho tối thiểu để quản lý vốn lưu động hiệu quả.

“Nhất Tín cung cấp giải pháp cho thách thức này mà tất cả những nhà bán lẻ phải đối mặt. Đó là lý do vì sao chúng tôi chọn đầu tư vào công ty này”, đại diện Mekong Capital giải thích.

Mekong Capital cho biết từng đầu tư vào các lĩnh vực khác như sản xuất, bất động sản và CNTT, nhưng trong những năm qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng đang hoạt động tốt hơn so với các khoản đầu tư khác trong danh mục, do đó quỹ này dần dần chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng.

“Các ngành công nghiệp bán lẻ, nhà hàng, FMCG, giáo dục và hậu cần sẽ tiếp tục phát triển tốt. Đặc biệt, rất nhiều ngành công nghiệp này vẫn còn bị phân mảnh, do đó, có chỗ cho các công ty phát triển”, đại diện Mekong Capital đánh giá.

H.Đ

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/ket-xe-noi-do-gop-phan-lam-tang-chi-phi-van-chuyen-tai-viet-nam-174714.ict