Kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Ngày 26-6, tại TP Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP Đà Nẵng, Báo Nông thôn ngày nay tổ chức Hội thảo 'Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và sản phẩm an toàn miền Trung-Tây Nguyên'.

Ngày 26-6, tại TP Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP Đà Nẵng, Báo Nông thôn ngày nay tổ chức Hội thảo “Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và sản phẩm an toàn miền Trung-Tây Nguyên”. Hội thảo quy tụ gần 200 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh thành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... có kinh nghiệm thực hiện, tiên phong trong lĩnh vực NNCNC tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

 Toàn cảnh cuộc hội thảo.

Toàn cảnh cuộc hội thảo.

NNCNC đang là xu hướng của ngành nông nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) của Phú Yên có diện tích giai đoạn 1 là 460ha và đang triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết, đầu tư cơ sở hạ tầng, có 5 dự án đang triển khai đầu tư, với tổng số vốn là 252 tỷ đồng. Không riêng gì Phú Yên, nhiều tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên cũng đang thúc đẩy phát triển NNCNC, trong đó tỉnh Lâm Đồng là địa phương có nhiều mô hình tiêu biểu. Trong số 40 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT công nhận là doanh nghiệp NNCNC, Lâm Đồng đã có 8 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này trở thành đơn vị đầu tàu trong sản xuất và kinh doanh nông sản, nhờ ứng dụng đầu tư công nghệ hiện đại. Năm 2017, toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 51.000 ha đất sản xuất ứng dụng CNC. TP Đà Nẵng cũng đã phê duyệt 7 vùng thu hút đầu tư NNCNC, diện tích quy hoạch hơn 500ha, bước đầu đã có 7 nhà đầu tư đang tiếp cận xúc tiến triển khai các dự án đầu tư.

Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của một hộ dân ở thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, H Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ảnh: Trangtraiviet.vn

Theo ông Nguyễn Quang Tin - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT): Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Do đó, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, góp phần thực hiện thành công mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát huy vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,37 tỷ USD, năm 2018 nông nghiệp Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD. Hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 quốc gia trên thế giới với 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

“Việc ứng dụng CNC và khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp là một hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các Hiệp định CPTPP, FTA...”, ông Tin khẳng định.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_191489_keu-goi-dau-tu-vao-nong-nghiep-cong-nghe-cao.aspx