Kêu gọi mọi người hiến tạng để 'Chung tay vì sự sống'

'Đến nay cả nước đã có gần 100 ca người chết não hiến tạng, góp phần cứu sống được nhiều người suy gan cùng gần 30 trường hợp suy tim đã được sống khỏe mạnh. Với số lượng người chết não hàng năm ở nước ta còn cao, nếu hiến tạng, sẽ có rất nhiều người được cứu sống'.

Đó là thông tin được GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đưa ra tại chương trình “Chung tay vì sự sống 2018” do Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cùng với Hội chữ thập đỏ tỉnh Việt Nam tổ chức chiều 18-10 tại Ninh Bình.

Hoạt động này nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng chung tay làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn khi có nhiều người được cứu sống bằng cách đăng ký hiến tặng mô/tạng. Hiện, Ninh Bình là tỉnh đứng đầu toàn quốc về hiến mô tạng, hiến bộ phận cơ thể người trên cả nước

Giao lưu và tôn vinh các gia đình có người hiến tạng

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, lĩnh vực ghép tạng đã có nhiều thành tựu với gần 4.000 ca ghép thành công, trong đó ghép gan hơn 128 ca. Vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã thành lập Ngân hàng mô để lưu trữ những bộ phận khác để ghép cho người bệnh. Vì thế, GS Trịnh Hồng Sơn muốn chuyển tải thông điệp “Cho đi là còn mãi”, kêu gọi mọi người cùng tham gia hiến tặng mô, tạng sau khi chết hoặc chết não. “Một ngày nào đó nếu không may chết não, qua đời, ước mong khi trở về cát bụi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác.”- GS. Sơn nhấn mạnh.

“Mới đây, có ca chờ ghép vì hoại tử hết ruột, cần phải ghép ruột nhưng không tìm được người nào cho. Ngân hàng mô đã ra đời ở BV Việt Đức, để khi có người chết não hiến tạng thì ngoài những tạng cần ghép ngay, ngân hàng này sẽ lưu trữ những bộ phận khác như gân, van tim, xương, ruột… Mô hình này sẽ góp phần cứu sống nhiều người bệnh” – GS. Sơn chia sẻ.

Phát biểu tại chương trình đặc biệt này, GS. Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam cho biết, ghép tạng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối. Năm 2017 là năm có số lượng ghép nhiều nhất, cả nước đã ghép được 673 ca. Như vậy, có hàng chục nghìn người không được thừa hưởng thành tựu này.

Chúng ta đã có Luật hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người từ năm 2006, nhưng đến nay mới có 82 người chết hiến tạng. Trung bình mỗi năm chỉ có 10 người hiến. Bệnh tật hành hạ người bệnh giai đoạn cuối một cách tàn nhẫn vì sự mệt mỏi và đau đớn. Nhưng có lẽ đau đớn hơn là nỗi đau về tinh thần vì họ sống một cách tuyệt vọng chờ đến ngày chết. Thiếu tạng ghép cũng là một cản trở lớn cho sự phát triển của ghép tạng ở Việt Nam.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn trao Kỷ niêm chương cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Khiêm

Thiếu tạng ghép còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp của xã hội như nạn mua bán tạng, bán người... Chính vì vậy, mục đích của Hội vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người là giải quyết vấn đề này. Riêng trong năm 2017, số người đăng ký hiến tạng tăng vọt trên 20.000 người.

Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết, Hội chữ thập đỏ tỉnh luôn hỗ trợ, đồng hành cùng công tác vận động tình nguyện hiến tặng mô, tạng với mong muốn lan tỏa thông điệp “Hãy đăng ký hiến tặng mô tạng để sự sống được nối dài” tới những người dân tỉnh Ninh Bình. Tỉnh Ninh Bình đã có 15.000 đăng ký hiến tặng, riêng việc hiến giác mạc, đã đem lại ánh sáng cho 562 người, trở thành tỉnh đứng đầu toàn quốc về hiến mô tạng và bộ phận cơ thể người trên cả nước.

Hòa thượng Thích Thanh Quang khẳng định tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, con người được kết hợp bởi 4 yếu tố: đất, nước, gió, lửa. Con người ta là vô ngã, không phải là chủ thể, cho nên khi mất đi 4 yếu tố kia sẽ trở về với không gian. Đời con người lại trở về với cát bụi, nên không có gì nặng nề về quan niệm đang trở thành rào cản trong việc đăng ký hiến tạng. Nếu trước khi ra đi lại cứu được sự sống cho người khác thì “ra đi là còn mãi”, tiếp tục sự sống đó phát triển, làm cho ý nghĩa cuộc sống của người cho và người nhận tốt đẹp lên.

Linh mục Nguyễn Hồng Phúc, Chính xứ Cách Tâm, Giáo xứ Ninh Bình cũng khẳng định việc hiến tạng là nghĩa cử cao đẹp của mỗi người mà tôn giáo nào cũng ủng hộ. Tại Chương trình này, Linh mục Nguyễn Hồng Phúc cũng đã đăng ký hiến tạng.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc –Phó Giám đốc Trung tâm điều phối tạng Quốc gia cũng công bố Quyết định của Bộ Y tế về việc tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân” cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Khiêm, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, Thái Bình; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo” cho thiếu tá Lê Hải Ninh vì đã hiến tạng cứu sống nhiều bệnh nhân.

Tại chương trình còn có cuộc giao lưu với những gia đình có người hiến tặng mô tạng, đại diện là gia đình bé Vân Nhi, gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình ông Nguyễn Ngọc Khiêm.

Bố của Thiếu tá Lê Hải Ninh cho biết, quan niệm về chết toàn thây vẫn còn nặng nề, nhưng gia đình vẫn quyết định hiến tạng để cứu sống nhiều bệnh nhân dù cho đến nay gia đình ông vẫn không biết những người được nhận tạng của anh Hải Ninh sống ở đâu, mà chỉ mong mọi người khỏe mạnh. Mẹ ông Nguyễn Ngọc Khiêm cũng chia sẻ gia đình bà rất hạnh phúc khi đã góp phần cứu được 6 người và được thấy những người bệnh đã khỏe mạnh.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/chua-co-anh-keu-goi-moi-nguoi-hien-tang-de-chung-tay-vi-su-song-515688/