Khá Bảnh đốt xe máy đổi xe điện có phải chiến dịch truyền thông 'bẩn' ?

Khá 'Bảnh' nổi lên sau một loạt sự kiện gần đây như một hiện tượng tiêu cực vì sự nổi tiếng của Khá gắn liền với tai tiếng và những hành vi lệch chuẩn. Việc Khá đốt xe cũng nằm trong chuỗi hành vi lệch chuẩn đó nhưng lại liên quan đến việc quảng cáo của một thương hiệu xe điện. Liệu đây có phải là hành vi truyền thông bẩn của thương hiệu này?

Quay trở lại sự việc Ngô Bá Khá đốt xe Honda PCX gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Nhiều người cho rằng, việc khá bảnh đốt xe Honda PCX như vậy cũng có ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu này.

Trong clip, Khá Bảnh cùng một vài thanh niên khác dùng gậy sắt đập nát chiếc xe máy. Nguyên nhân do chiếc xe này tốn xăng. Sau đó, Khá Bảnh cùng nhóm bạn tẩm xăng vào xe rồi châm lửa đốt. Vừa đốt, Khá Bảnh vừa nói: “Đốt luôn không mọi người lại bảo đập xong lại sửa cho mới”.

Để chứng minh chiếc xe này là của mình, Khả Bảnh liên tục đưa ra bằng giấy tờ mua xe với giá 70 triệu đồng và giấy đăng ký mang tên Ngô Bá Khá.

Hình ảnh Khá "bảnh" đập xe máy cùng thời điểm Pega ra chiến dịch đập xe máy đổi xe điện. (Ảnh cắt từ clip)

Hình ảnh Khá "bảnh" đập xe máy cùng thời điểm Pega ra chiến dịch đập xe máy đổi xe điện. (Ảnh cắt từ clip)

Trong clip đốt xe, Khá Bảnh có nói “đốt vì xe hay hỏng, xe tốn xăng”, về điều này, nhiều chuyên gia pháp lý cho biết: “Nếu hãng Honda cảm thấy lời nói này ảnh hưởng đến thương hiệu của họ thì hãng xe có quyền khởi kiện tội vu khống.

Hành vi đốt xe là quyền của chủ sở hữu, nhưng xét thấy lời nói ảnh hưởng đến ai thì họ có quyền phản ứng lại. Lời nói của Khá Bảnh có khả năng là vu khống hoặc nói xấu ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, thương hiệu thì hãng xe Honda có quyền kiện cáo. Hình phạt đối với Khá Bảnh chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính hoặc công khai xin lỗi hãng xe Honda mà không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Theo quy định tại khoản 1 điều 45 Luật cạnh tranh 2004 thì Doanh nghiệp bị cấm thực hiện hoạt động quảng cáo so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác. Căn cứ điểm a khoản 1 điều 33 Nghị định 71/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì hành vi này có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đến 80.000.000 đồng.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng, nếu thực sự việc Khá Bảnh đốt xe máy với mục đích phục vụ cho một chiến dịch truyền thông của hãng xe điện đang có những quảng cáo về việc "Đập xe máy đổi xe điện" với mục đích hiện trạng xe máy đang được bán với giá quá đắt đỏ, gấp mấy lần thị trường nước ngoài, chí phí xăng dầu cao, xả khói ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe và đây sẽ là cơ hội để người tiêu dùng đổi xe máy cũ lấy xe điện mới. Thì đây là một trong những kế hoạch mang tính chất “truyền thông bẩn” ?

Pega tung chiến dịch gây sốc để khách hàng đổi lấy những chiếc xe điện của mình.

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, vai trò của truyền thông đặc biệt quan trọng, nhất là đối với nhiều doanh nghiệp bởi nó còn gắn liền với với việc phát triển thị phần, thị trường. Truyền thông giữ vai trò then chốt, quyết định tới sự tồn tại của doanh nghiệp nên các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những đơn vị sản xuất đã đầu tư rất lớn cho các hoạt động này.

Một đơn vị, doanh nghiệp sử dụng truyền thông để cạnh tranh không lành mạnh với đối thủ thì có thể họ đạt được hiệu quả như mong muốn nhưng nếu nhìn ở một phương diện khác, doanh nghiệp lại chú trọng đến việc đập phá sản phẩm của thương hiệu khác, đưa đến cho khách hàng những cái nhìn phản cảm qua sản phẩm truyền thông của mình thì sẽ dễ dẫn tới một kết quả là đánh mất niềm tin của khách hàng.

Ngọc Bảo - Nguyên Vũ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thi-truong-360/kha-banh-dot-xe-may-doi-xe-dien-co-phai-chien-dich-truyen-thong-ban-447032.html