Khả năng chiến lược của tên lửa hành trình Kh-555

Kh-555 là tên lửa hành trình tầm xa của Nga gắn đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân. Quá trình phát triển KH-555 bắt đầu vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, do Cục Thiết kế Raduga (Liên Xô cũ) sản xuất. Kh-555 được Nga thử nghiệm và đưa vào sản xuất vào năm 1999 và chính thức sử dụng vào năm 2004, từ đó trở thành một phần quan trọng thuộc lực lượng chiến lược trên không của Nga.

Tên lửa Kh-555 triển khai đến thực địa. Ảnh: MILITARY TODAY

Kh-555 là phiên bản nâng cấp của Kh-55 ban đầu, có nhiều cải tiến khác nhau như hệ thống dẫn đường tiên tiến hơn, tầm bắn mở rộng và tiết diện radar giảm. Kh-555 nhằm cung cấp cho quân đội Nga một loại tên lửa hành trình tinh vi có khả năng triển khai trong các tình huống chiến lược và chiến thuật. Tính linh hoạt và khả năng tấn công tầm xa của Kh-555 cho thấy đây là một vũ khí đáng gờm, có thể tấn công nhiều mục tiêu, bao gồm cơ sở hạ tầng, cơ sở quân sự và tài sản hải quân của đối phương.

Khung máy của tên lửa hành trình Kh-555 bao gồm thân hình trụ có mũi nhọn, cánh gập và vây đuôi. Thiết kế này nhằm giảm thiểu tiết diện của radar, giúp tên lửa khó bị phát hiện và theo dõi hơn. Cánh gấp và vây đuôi cho phép gắn lên máy bay ném bom chiến lược như máy bay Tupolev Tu-95MS và Tu-160. Tên lửa hành trình Kh-555 được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ và mục tiêu tấn công.

Trong trường hợp gắn đầu đạn thông thường, Kh-555 thường được trang bị đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao. Trọng lượng của đầu đạn thông thường nặng khoảng 400kg. Loại đầu đạn này được thiết kế để gây sát thương đáng kể khi va chạm do hiệu ứng phân mảnh trên một khu vực rộng lớn. Đối với đầu đạn hạt nhân, KH-555 được trang bị loại đầu đạn nhỏ hơn nhưng có sức hủy diệt cao. Đầu đạn hạt nhân của tên lửa thường có lượng nổ trong khoảng 200 kiloton, do đó, tên lửa có khả năng gây sát thương lớn trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân.

Tên lửa có tầm bắn khoảng 3.000km, cho phép tên lửa tấn công các mục tiêu nằm sâu trong đất liền. Kh-555 được thiết kế để bay ở độ cao thấp trong phần lớn thời gian bay, thường là khoảng 30-50m (100-165 feet) so với mặt đất. Bay ở tầm thấp giúp tên lửa tránh được sự phát hiện của radar và hệ thống phòng không của đối phương bằng cách tận dụng địa hình làm nơi ẩn nấp.

Việc lựa chọn đầu đạn phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược của nhiệm vụ và tính chất của mục tiêu. Khả năng mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân làm tăng thêm tính linh hoạt của Kh-555 và tầm quan trọng của tên lửa trong lực lượng chiến lược trên không của Nga. Tên lửa hành trình Kh-555 sử dụng động cơ phản lực cánh quạt cho hệ thống đẩy. Loại động cơ này được biết đến với khả năng tiết kiệm nhiên liệu và khả năng duy trì tốc độ hành trình, thích hợp cho các tác chiến chiến lược tầm xa.

Động cơ phản lực cánh quạt của tên lửa hoạt động bằng cách sử dụng kết hợp động cơ tua bin khí và quạt ống dẫn. Động cơ hút không khí qua cửa hút gió và một phần không khí được nén và trộn với nhiên liệu, sau đó đốt cháy trong buồng đốt. Các khí nóng sinh ra được thải ra ngoài qua phần tua bin, tạo ra lực đẩy. Không khí bỏ qua còn lại được tăng tốc thông qua quạt ống dẫn, điều này cũng góp phần tạo ra lực đẩy do động cơ tạo ra. Quá trình này mang lại sự cân bằng giữa lực đẩy và mức tiêu thụ nhiên liệu, cho phép Kh-555 di chuyển quãng đường dài mà vẫn duy trì tốc độ. Tiếng ồn và nhiệt độ thấp hơn của động cơ tên lửa Kh-555 so với các hệ thống đẩy khác cũng góp phần tăng khả năng tàng hình của tên lửa, khiến đối thủ khó phát hiện và đánh chặn hơn.

Hệ thống dẫn đường của tên lửa Kh-555 có sự kết hợp tiên tiến của nhiều công nghệ khác nhau cho phép tên lửa dẫn đường chính xác trên khoảng cách xa và tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Tên lửa chủ yếu dựa vào Hệ thống dẫn đường quán tính (INS) - là một hệ thống độc lập tính toán vị trí, vận tốc và hướng của tên lửa bằng cách sử dụng gia tốc kế và con quay hồi chuyển. INS cho phép Kh-555 tự điều hướng mà không cần các điểm tham chiếu bên ngoài. Ngoài INS, Kh-555 còn sử dụng các hệ thống định vị dựa trên vệ tinh, cung cấp thông tin cập nhật liên tục về vị trí của tên lửa và giúp điều chỉnh hướng đi của tên lửa.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kha-nang-chien-luoc-cua-ten-lua-hanh-trinh-kh-555-post461627.html