Khả năng Mỹ tham chiến vì Đài Loan

Nếu chiến tranh bùng nổ vì vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), ông Joe Biden có thể bị buộc phải ra một quyết định mà không tổng thống Mỹ nào kể từ năm 1979 muốn ra, báo điện tử Mỹ Vox đưa tin ngày 5/5.

Binh sĩ Đài Loan (Trung Quốc) tập trận hồi tháng 1/2021. Nguồn: SOPA Images

Đô đốc hải quân Philip Davidson, Tư lệnh thứ 25 của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ (từ 30/5/2018 đến 30/4/2021), hồi tháng 3 nói với các nghị sĩ Mỹ rằng, ông tin Bắc Kinh sẽ tìm cách thu hồi đảo Đài Loan (Trung Quốc) trong vòng 6 năm tới. Người kế nhiệm ông Davidson, Đô đốc Hải quân John Aquilino, sau đó cũng có nhận định tương tự. “Vấn đề này gần chúng ta hơn rất nhiều so với hầu hết mọi người nghĩ. Chúng ta phải chuẩn bị từ hôm nay”, ông Aquilino nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trên đài NBC: “Sẽ là sai lầm nghiêm trọng cho bất kỳ ai cố gắng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Joe Biden nói với Vox: “Tôi không lo ngại rằng, chúng ta sẽ sớm phải thấy leo thang đáng kể (về vấn đề Đài Loan – Trung Quốc). Tuy nhiên, bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng hoặc bất cứ hành động nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đều là không thể chấp nhận”.

Nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng, nhận định của hai tướng Davidson và Aquilino có vẻ mang tính cảnh báo cao quá mức cần thiết, và dường như nhằm để tăng chi tiêu quốc phòng cho các chiến dịch ở châu Á. Tuy nhiên, tất cả đều nhất trí rằng, Bắc Kinh là một nguy cơ càng lúc càng rõ đối với Đài Loan (Trung Quốc).

Mấy tuần gần đây, Bắc Kinh điều 25 máy bay chiến đấu, con số kỷ lục từ trước tới nay, vào không phận đảo Đài Loan (Trung Quốc) và một tàu sân bay dẫn đầu cuộc tập trận hải quân quy mô lớn gần hòn đảo này. Những hành động này cùng một số động thái khác khiến một số người lo ngại rằng, Bắc Kinh có thể phát động cuộc chiến để thu hồi Đài Loan (Trung Quốc). Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố: “Chúng tôi không cam kết từ bỏ quyền sử dụng vũ lực và bảo lưu tùy chọn sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết”.

Tháng 1/1979, Mỹ dưới thời Tổng thống Jimmy Carter công nhận Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là Chính phủ Trung Quốc hợp pháp duy nhất và hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Đồng thời, Tổng thống Carter chấm dứt quan hệ chính thức của Mỹ với Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng chỉ ba tháng sau, các nghị sĩ Mỹ, trong đó có ông Joe Biden (lúc đó là thượng nghị sĩ), thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan, theo đó Mỹ tiếp tục có quan hệ kinh tế và an ninh với hòn đảo này. Theo đạo luật này, Mỹ cung cấp khí tài, dịch vụ quốc phòng để Đài Loan (Trung Quốc) duy trì năng lực tự vệ đầy đủ; bất kỳ nỗ lực nào làm ảnh hưởng tương lai của Đài Loan (Trung Quốc) bằng cách biện pháp phi hòa bình đều khiến Mỹ đặc biệt quan ngại.

Tuy nhiên, Mỹ chưa bao giờ quy định rõ rằng, Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc) trong xung đột quân sự mà chỉ quy định Mỹ sẽ giúp hòn đảo này tự vệ và sẽ quan ngại nếu xung đột vũ trang xảy ra. Điểm mờ này cho phép Washington duy trì quan hệ chính thức với Trung Quốc đại lục mà không bỏ rơi Đài Loan (Trung Quốc). Nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan (Trung Quốc) bằng tên lửa và cho hàng trăm nghìn quân đổ bộ lên hòn đảo này như hai tướng Mỹ nhận định thì Tổng thống Biden sẽ phải lựa chọn: hoặc tham chiến chống lại Trung Quốc lục địa hoặc đứng nhìn đối tác Đài Loan (Trung Quốc) sụp đổ.

“Bạn có thể nói chuyện chính sách nếu bạn muốn, nhưng chiến tranh ở ngoài khơi Trung Quốc ư? Cậu bé, bạn nên nghĩ thật kỹ”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói. Ông Greg Treverton - Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia của Mỹ giai đoạn 2014-2017, nói rằng, việc Trung Quốc đại lục đánh chiếm Đài Loan “mang tính khả năng nhiều hơn là lựa chọn thực tế”.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kha-nang-my-tham-chien-vi-dai-loan-post1334170.tpo