Khả năng xâm nhập đậu mùa khỉ vào Việt Nam là rất cao

Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, tuy nhiên khả năng dịch xâm nhập rất cao.

Việt Nam được WHO xếp vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn nên việc ứng phó rất cấp thiết.

Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, tuy nhiên khả năng dịch xâm nhập rất cao.

Nhìn ra một số quốc gia bên cạnh Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Australia, Đài Loan đã ghi nhận ca bệnh. 2 ca mắc tại Hàn Quốc đều là người từ vùng dịch về, chưa ghi nhận ca bệnh trong nước.

Trước tình trạng WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, vừa qua Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, US CDC tại Việt Nam và các các cơ quan đã họp khẩn cấp để bàn phương án ứng phó dịch.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã phân tích nguy cơ dịch xâm nhập và tìm các biện pháp ứng phó.

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ, Tổ chức WHO tại Việt Nam hiện chưa có báo cáo ca bệnh nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng.

Vì vậy, cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế, đây là những người có nguy cơ cao.

Theo ông Đặng Quang Tấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế, ngày 23/7 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp. Thế giới đã ghi nhận gần 16.000 trường hợp mắc tại 74 quốc gia, tử vong 5 trường hợp (tỷ lệ tử vong trên số mắc khoảng 1/3.000).

Tuy nhiên, thời gian gần đây ghi nhận số ca bệnh tăng lên, đặc biệt tại một số quốc gia châu Âu. Theo WHO và CDC Hoa Kỳ tác nhân gây bệnh là virus, đường lây qua tiếp xúc, giọt bắn.

Vài tháng trước, virus này vẫn được đánh giá khó lây từ người sang người, nhưng gần đây có vẻ lây truyền dễ hơn. Vì vậy, ông Tấn cho rằng Việt Nam không được mất cảnh giác, cần cập nhật thường xuyên diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, nguy cơ do bệnh đậu khỉ gây ra hiện nay trên toàn cầu là vừa phải nhưng mối đe dọa cho châu Âu ở mức cao.

Nguy cơ virus sẽ tiếp tục lây lan khắp thế giới, mặc dù nó không thể làm gián đoạn thương mại hoặc du lịch của toàn cầu ngay lập tức.

WHO đánh giá, mối đe dọa của bệnh đậu mùa khỉ hiện ở mức độ vừa phải trên toàn cầu, ngoại trừ ở châu Âu là mức cao.

Về dịch tễ, theo WHO cơ bản người mắc bệnh là nam giới chiếm 98%, trong đó đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới tương đối cao.

Sau khuyến cáo từ WHO và Bộ Y tế về bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế TP.HCM đẩy mạnh truyền thông đến người dân, đồng thời xây dựng kế hoạch ứng phó trình lên UBND TP.HCM.

Trong cuộc họp giao ban của Sở Y tế TP.HCM sáng 25/7, lãnh đạo sở và các bộ phận chuyên môn họp bàn phương án giám sát, chẩn đoán, sàng lọc, cách ly, điều trị khi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ.

Sở Y tế TP.HCM cho biết trước mắt cần đẩy mạnh truyền thông giúp người dân nắm các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ để thăm khám kịp thời, đồng thời xây dựng kế hoạch ứng phó trình lên UBND TP.HCM.

Tại cửa khẩu, những người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải được giám sát thân nhiệt (qua máy đo) và triệu chứng nghi ngờ để kịp thời phát hiện sớm trường hợp có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Những người nhập cảnh sẽ được bộ phận kiểm dịch y tế, nhân viên y tế khai thác tiền sử di chuyển, tiếp xúc động vật hoang dã, kể cả thịt, mẫu và các bộ phận của chúng; tiếp xúc gần với người nghi ngờ hoặc xác định bệnh... trong vòng 21 ngày.

Những người có nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm để xác định bệnh.

Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh sẽ được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) sẽ điều tra trường hợp có tiếp xúc gần với người bệnh để lập danh sách, theo dõi giám sát theo quy định.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh mùa đậu khỉ chủ yếu lây lan qua tiếp xúc da kề da khi quan hệ tình dục. Thống kê cho thấy nam giới quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ cao nhất trong đợt bùng phát hiện nay, bởi phần lớn sự lây truyền xảy ra trong cộng đồng đồng tính nam.

Tuy nhiên, WHO và CDC đã nhấn mạnh bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ, không riêng một khuynh hướng tình dục nào.

Bệnh đậu mùa khỉ thường có triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần; tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Hiện chưa xác định tình trạng người nhiễm virus đậu mùa khỉ không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh 5-21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết.

Các biến chứng có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11%.

Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kha-nang-xam-nhap-dau-mua-khi-vao-viet-nam-la-rat-cao-d170290.html