Khác biệt căn bản giữa Hamas – Fatah và lập trường với Israel

Hamas và Fatah là hai phong trào có vai trò chủ đạo ở Palestine. Năm 2017, hai phong trào này thông báo họ đã đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng chia rẽ kéo dài một thập kỷ, từng là nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột vũ trang năm 2007.

Hamas là lực lượng kiểm soát khu vực dải Gaza từ năm 2007 sau khi đánh bại đảng Fatah của cựu Tổng thống Mahmoud Abbas trong cuộc bầu cử quốc hội.

Lực lượng Hamas đi theo hệ tư tưởng Hồi giáo trong khi Fatah theo thế tục (Thế tục là trạng thái trung lập, trong đó chủ thể tách biệt khỏi tôn giáo. Không liên kết ủng hộ và cũng không liên kết chống đối bất kỳ giáo phái nào - ND). Chiến lược của Hamas với Israel là kháng cự vũ trang trong khi Fatah chủ trương đàm phán. Hamas không công nhận Israel nhưng chấp nhận một nhà nước Palestine theo biên giới năm 1967. Trong khi đó, Fatah công nhận Israel và cũng muốn xây dựng một nhà nước theo biên giới năm 1967.

Trưởng phái đoàn của lực lượng Hamas Saleh Arouri (trái) và trưởng đoàn đàm phán của Fatah Azzam Ahmad ký thỏa thuận. Ảnh: Reuters

Lực lượng Hamas đã đẩy Fatah khỏi Gaza khi đảng này từ chối công nhận kết quả bầu cử.

Hamas và Fatah lần lượt cai quản các vùng lãnh thổ của Palestine bị chiếm đóng ở dải Gaza và Bờ Tây. Trong khi hai nhóm này hướng đến mục tiêu chung là xây dựng một nhà nước Palestine trên các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng năm 1967, bao gồm Đông Jerusalem, dải Gaza và Bờ Tây thì có một vài khác biệt lớn giữa hai bên.

Hệ tư tưởng

Fatah là viết tắt của Harakat al-Tahrir al-Filistiniya hay Phong trào Giải phóng Dân tộc Palestine. Từ Fatah có nghĩa là chinh phục. Fatah được thành lập vào cuối những năm 1950 bởi ông Yasser Arafat - Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), đồng thời là Chủ tịch Nhà nước Palestine (PA) cùng với các cố vấn Khalil al-Wazir, Salah Khalaf và Mahmoud Abbas - người sau này cũng trở thành Tổng thống Palestine. Họ muốn vận động người Palestine tiến hành các cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Israel để giành lại lãnh thổ.

Cánh quân chính của lực lượng này là al-Asifah. Các chiến binh al-Asifah có căn cứ tại một số nước Arab cũng như khu vực Bờ Tây và dải Gaza.

Cố lãnh đạo Yasser Arafat thành lập ra phong trào Fatah với chủ trương đàm phán với Israel (Ảnh: AP)

Cuộc đấu tranh vũ trang của nhóm này nhằm vào các vùng mà họ cho là Israel chiếm đóng bắt đầu vào năm 1965. Hầu hết các chiến dịch vũ trang đều được tiến hành từ Jordan và Lebanon.

Dưới thời ông Yasser Arafat và sau cuộc chiến tranh Arab - Israel năm 1967, Fatah trở thành đảng chiếm ưu thế trong Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) - bao gồm nhiều đảng phái chính trị khác nhau của Palestine. PLO được thành lập năm 1964 với mục tiêu giải phóng Palestine và ngày nay có vai trò là đại diện cho người dân Palestine tại Liên Hợp Quốc.

Sau khi bị đẩy khỏi Jordan và Lebanon vào những năm 1970 và 1980, phong trào này đã trải qua sự thay đổi căn bản, đó là lựa chọn đàm phán với Israel.

"Thế giới Arab về cơ bản đã đóng vai trò trong việc buộc Fatah đi theo con đường ngoại giao sau khi họ bị đẩy khỏi Beirut", nhà phân tích chính trị Nashat al-Aqtash nhận định với Al Jazeera.

Vào những năm 1990, PLO do Fatah lãnh đạo chính thức từ bỏ các cuộc đấu tranh vũ trang và ủng hộ Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kêu gọi xây dựng một nhà nước Palestine theo biên giới năm 1967 (gồm Bờ Tây, Đông Jerusalem và Gaza), cùng với một nhà nước Israel. PLO sau đó đã ký Hiệp định Oslo, thành lập Chính quyền Dân tộc Palestine.

Hamas là viết tắt của Harakat al-Muqawamah al-Islamiyya hay Phong trào Kháng chiến Hồi giáo. Từ Hamas có nghĩa là nhiệt huyết.

Phong trào Hamas được thành lập ở Gaza vào năm 1987 bởi lãnh đạo Hồi giáo Sheikh Ahmed Yasin và cố vấn Abdul Aziz al-Rantissi không lâu sau cuộc nổi dậy Intifada đầu tiên của Palestine nhằm phản đối việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine.

Phong trào này bắt đầu như một nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và đã xây dựng một cánh quân sự gọi là các lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam nhằm theo đuổi đấu tranh vũ trang chống lại Israel với mục tiêu giải phóng Palestine lịch sử.

Hamas tự nhận mình là "phong trào kháng chiến và giải phóng dân tộc Palestine Hồi giáo", sử dụng đạo Hồi làm hệ quy chiếu.

Năm 2017, Hamas đưa ra một tuyên bố chính trị tuyên bố cắt đứt quan hệ với tổ chức Anh em Hồi giáo và cho biết sẽ chấp nhận một nhà nước Palestine theo biên giới năm 1967 với sự quay trở lại của người tị nạn Palestine.

Phong trào này tin rằng "việc thành lập nhà nước Israel là hoàn toàn bất hợp pháp". Đây là điểm khác biệt với PLO mà Hamas không phải là thành viên.

Hamas trở thành một đảng chính trị của Palestine vào năm 2005 khi tham gia các cuộc bầu cử địa phương và giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2006, đánh bại cả Fatah.

Mục tiêu

Sau tuyên bố chính trị năm 2017 của Hamas, các mục tiêu của hai phong trào này gặp nhau ở một điểm - đó là thành lập một nhà nước Palestine theo biên giới năm 1967.

"Điều khoản mà Hamas nói rằng họ sẽ không từ bỏ Palestine lịch sử là không có giá trị. Hamas đã chấp nhận nhượng bộ chính trị và họ không thể đảo ngược điều này", nhà phân tích chính trị al-Aqtash nói.

Theo chuyên gia này: "Tất cả người dân Palestine đều mơ ước về việc giải phóng Palestine lịch sử nhưng ngày nay, họ đang hướng đến một giải pháp thực tế, đồng thời tập trung vào "những gì họ có thể đạt được thay vì những gì họ hy vọng đạt được".

Chiến lược

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phong trào trên là thái độ của họ với Israel. Trong khi Hamas gắn với các cuộc đấu tranh vũ trang thì Fatah đặt niềm tin vào việc đàm phán với Israel và hoàn toàn từ bỏ các cuộc tấn công.

Hiệp định Oslo trao cho Israel quyền kiểm soát toàn bộ kinh tế Palestine cũng như các vấn đề an ninh và dân sự trong hơn 60% khu vực Bờ Tây.

Theo hiệp định này, chính quyền Palestine phải phối hợp với Israel về an ninh và các cuộc tấn công vũ trang được lên kế hoạch nhằm vào người Israel. Điều này được cho là gây tranh cãi mạnh mẽ và bị một số người cho là chính quyền Palestine đang hợp tác với hành vi chiếm đóng của Israel.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Al Jazeera

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/khac-biet-can-ban-giua-hamas-fatah-va-lap-truong-voi-israel-post1051357.vov