Khắc ghi lời Bác dặn, quyết đưa đồng bào dân tộc vùng khó đi lên

Trong mỗi lần gặp gỡ, tình cảm, sự ân cần và những lời căn dặn của Bác về chung tay đoàn kết xây dựng quê hương luôn khắc ghi trong tâm trí bà con.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt cho đồng bào các dân tộc ít người, sinh sống ở các vùng nhiều khó khăn. Trong mỗi lần gặp gỡ, tình cảm, sự ân cần và những lời căn dặn của Bác về chung tay đoàn kết xây dựng, bảo vệ quê hương, đưa miền núi tiến kịp cùng miền xuôi luôn khắc ghi trong tâm trí bà con.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, trong tâm trí người phụ nữ dân tộc Hà Nhì – Chu Chà Me năm nay tròn 80 tuổi thì ký ức về hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ luôn đẹp đẽ và không bao giờ quên. Bức ảnh “Hồ Chủ tịch với đoàn đại biểu nữ các dân tộc Tây Bắc” (1959) – là tấm ảnh kỷ niệm sâu sắc nhất tuổi thanh xuân của bà khi lần đầu được gặp Bác Hồ và luôn được đặt tại vị trí trang trọng nhất trong nhà.

Bà Chu Chà Me (dưới cùng bên trái) trong lần gặp Bác Hồ (1959).

Bà Chu Chà Me (dưới cùng bên trái) trong lần gặp Bác Hồ (1959).

Đầu năm 1959, được sự động viên của cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, cô gái Chu Chà Me - khi ấy 17 tuổi - quyết tâm vượt núi băng rừng về Trường Dân tộc khu tự trị Thái Mèo (sau này đổi tên thành Trường Dân tộc khu tự trị Tây Bắc), với khát khao được học chữ, rồi ước mơ trở về xây dựng quê hương và giúp đỡ bà con Hà Nhì. Lần đầu tiên gặp Bác trong dịp chào mừng ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1959), bà vẫn nhớ như in lời Bác ân cần dặn dò: “Cháu còn trẻ, tương lai còn ở phía trước. Cháu cố gắng học tập cho tốt và phải học thêm nữa, về nhà vận động thanh niên dân tộc Hà Nhì đi học nhiều”. Khắc ghi những lời dạy của Bác, bà luôn lấy đó làm động lực để phấn đấu trở thành người con ưu tú của dân tộc Hà Nhì và một cán bộ gương mẫu của địa phương.

Hiện nay bà Chu Chà Me vẫn tiếp tục viết báo, kể lại những câu chuyện về Bác Hồ.

Lần thứ 2 sau khi được Huyện ủy Mường Tè chọn đi dự lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1960 tại Hà Nội, bà Chu Chà Me thật sự bất nghờ khi Bác Hồ vẫn nhận ra mình – cô gái Hà Nhì dũng cảm rời ngã ba biên giới để đi học cái chữ. Khi bà nói thanh niên Hà Nhì đã đi học nhiều hơn trước rồi, Bác khen và dặn “Thế thì tốt lắm! cháu về nhà nói lại với thanh niên Hà Nhì là Bác rất mong các cháu tiến bộ nhanh”.

Chia sẻ về 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ, Bà Chu Chà Me cho biết, lời dạy bảo của Bác cho đến hôm nay, từng câu, từng chữ vẫn khắc sâu trong tâm trí tôi. Bác là ngọn đuốc soi đường cho tôi và dân tộc Hà Nhì đi đến văn minh, ấm no và hạnh phúc.

"Bác bảo cháu về vận động thanh niên Hà Nhì đi học nhiều, có đi học mới hiểu biết. Về nhà tôi truyền lại cho người dân rằng Bác Hồ có hỏi thăm đấy, hỏi thăm dân Hà Nhì đấy, mà Bác dặn thanh niên Hà Nhì phải đi học nhiều, học nhiều mới có hiểu biết, mới làm chủ được quê hương mình, để cho miền núi tiến kịp miền xuôi. Dân Hà Nhì sau đó đi học nhiều lắm, nhiều người tốt nghiệp Đại học và cũng làm chủ được quê hương mình. Nghe lời Bác Hồ thì bản thân mình cũng cố gắng, 17 tuổi học lớp 1 thì 30 tuổi tốt nghiệp Đại học", bà Me kể.

“Tết năm mới chúc Bác mạnh khỏe!” là câu nói phổ thông đầu tiên mà bà Mùa Thị Dí – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (cũ) đã nói trong lần đầu tiên được gặp Bác Hồ tại phủ Chủ tịch vào năm 1956. Năm nay bước sang tuổi 83, sức khỏe đã yếu vì căn bệnh gan, nhưng mỗi khi nhắc lại ký ức về hai lần vinh dự được gặp Bác bà vẫn dưng dưng niềm xúc động.

Bà Mùa Thị Dí (dưới cùng bên phải) trong lần thứ 2 gặp Bác Hồ vào năm 1958.

Là người con dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại một xã vùng cao của huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên), bà Dí mồ côi cha từ nhỏ, sống cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, bà xung phong tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp tại quê hương khi mới 15 tuổi.

Bà Dí cho biết, lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ là vào dịp Tết Nguyên đán năm 1956. Khi ấy bà 16 tuổi và còn chưa nói được tiếng phổ thông nhiều. Câu duy nhất nói được khi gặp Bác là “Tết năm mới chúc Bác mạnh khỏe!”.

Lần thứ 2 bà Dí vinh dự được gặp lại Bác Hồ là vào năm 1958. Khi đó bà đang là đại biểu tham dự Hội nghị Phụ nữ các dân tộc miền núi. Trong số 300 đại biểu nhưng có 40 người vinh dự được cử đến thăm Bác. Sau những lời hỏi thăm ân cần của Người dành cho đoàn, điều làm bà Dí vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng là khi vị lãnh tụ kính yêu – Hồ Chí Minh lại gần và hỏi chuyện với bà bằng chính tiếng dân tộc Mông.

"Bác lại hỏi bằng tiếng Mèo cơ, Bác bảo là “Lẩu mó chi tâu – tức là Ăn cơm chưa”. Thế rồi Bác nói, Bác dặn tiếp, cháu về cố gắng vận động nhân dân chăn nuôi, sản xuất để nhà nào lễ tết người ta cũng có lợn mổ ăn, phát động phong trào “3 gà 2 lợn”. Nhớ lời Bác dặn quyết tâm theo Bác, quyết tâm theo Đảng. Không có Đảng, không có Bác thì mảnh đất Điện Biên sẽ không bao giờ thay đổi như hôm nay", bà Dí nói.

Sau cuộc nói chuyện với Bác Hồ năm đó, đến giờ bà Mùa Thị Dí vẫn nhớ như in từng lời dạy bảo của Bác. Bà vẫn thường bảo với con cháu rằng, vì có Bác mà cuộc đời bà và mảnh đất Điện Biên mới có được như ngày hôm nay.

Do đó, trong phần lớn thời gian công tác tại Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu (cũ) sau này được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu rồi nghỉ hưu, bà hiện thực hóa lời dạy của Bác, vận động chị em đẩy mạnh phong trào “3 gà, 2 lợn”, phong trào khai hoang ruộng nước, tăng gia sản xuất và xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc… Với những đóng góp và những thành tích nổi bật của mình, bà Dí được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất, Huân chương lao động Hạng Nhì và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Bà Đặng Thị Kim Dung, con gái bà Mùa Thị Dí chia sẻ: "Cả gia đình rất vinh dự, khi thấy là mẹ mình được gặp Bác Hồ. Chúng tôi là con cái ai cũng thấy hãnh diện. Bà lúc nào cũng nhắc các con, cháu phải làm tốt các công việc của cơ quan nên các con ai cũng cố gắng phấn đấu để không phụ lại lòng tin tưởng của bố mẹ".

Khắc ghi lời dặn của Bác, bà Chu Chà Me và bà Mùa Thị Dí đều nỗ lực phấn đấu học tập, với các cương vị được đảm đương trong công tác chính quyền về sau, để từ đó quyết tâm đưa đồng bào dân tộc vùng khó đi lên, tiến kịp cùng miền xuôi theo lời dặn, mong muốn của Bác./.

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khac-ghi-loi-bac-dan-quyet-dua-dong-bao-dan-toc-vung-kho-di-len-1049153.vov