Khắc ghi lời Bác, đoàn kết lập công

Tròn 70 năm từ khi thành lập đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh vượt sông 239-Đoàn Công binh Sông Thao (Binh chủng Công binh) luôn đoàn kết, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm chiến tranh và trong thời bình.

Đến thăm lữ đoàn, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là bức ảnh Bác Hồ đi trên cầu phao cùng cán bộ, chiến sĩ công binh, treo trang trọng tại phòng khách đơn vị. Đại tá Nguyễn Đăng Lâm, Chính ủy lữ đoàn tự hào giới thiệu: Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn tự hào, ghi nhớ ngày 5-2-1966 được đón Bác Hồ về thăm đơn vị làm nhiệm vụ diễn tập bắc cầu phao vượt sông Hồng tại bến Mễ Sở. Khi đó Bác căn dặn: "Nhiệm vụ của các chú rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Các chú cần cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa, mỗi ngày làm nhanh hơn một chút, ba phút, dăm phút, dần dần rút ngắn lại, càng ngắn, càng tốt, các chú bắc cầu ngày một giỏi hơn, làm như thế chúng ta sẽ mau chóng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Hình ảnh và lời dạy của Người đã đi vào lịch sử truyền thống, mãi mãi khắc ghi và là động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ.

Huấn luyện bảo đảm vượt sông bằng phà GSP ở Lữ đoàn Công binh 239.

Cách đây tròn 70 năm, ngày 1-1-1950, Tiểu đoàn 333 (tiền thân của Lữ đoàn 239 ngày nay) là đơn vị cấp tiểu đoàn đầu tiên trực thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập tại làng Hin, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ vận chuyển binh khí kỹ thuật và lực lượng vượt sông tham gia các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 1-1 hằng năm trở thành ngày truyền thống của đơn vị. Qua nhiều lần thay đổi phiên hiệu, vị trí đóng quân và cơ động thực hiện nhiệm vụ nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn đoàn kết, đồng lòng khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 6 -11-1975, do yêu cầu phát triển quân đội đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới, Trung đoàn 239 được phát triển thành Lữ đoàn Công binh vượt sông 239, là một trong những đơn vị công binh vượt sông chiến lược của Quân đội ta. Từ nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu và chiến đấu, đơn vị chuyển sang thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, SSCĐ, tham gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh...

Bước vào thời kỳ đổi mới với nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện, SSCĐ, những năm qua lữ đoàn luôn quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh, hướng dẫn của trên về công tác huấn luyện, SSCĐ, trọng tâm là Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 274 của Đảng ủy Binh chủng Công binh về nâng cao chất lượng huấn luyện đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đại tá Trịnh Ngọc Hùng, Lữ đoàn trưởng cho biết: “Những năm gần đây, lữ đoàn tập trung đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu; nâng cao khả năng cơ động sát với đặc điểm nhiệm vụ, địa bàn, tình huống và phương án tác chiến. Chất lượng huấn luyện, SSCĐ của đơn vị ngày một nâng cao, nhiều năm liền lữ đoàn đạt đơn vị huấn luyện giỏi; tiêu biểu như năm 2014 tham gia diễn tập chống địch phong tỏa đường không; năm 2017 tham gia bảo đảm, phục vụ diễn tập DT-17… được Đảng, Nhà nước và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn tích cực tham gia ứng cứu nhân dân vùng bị bão lũ, khắc phục hậu quả thiên tai và các nhiệm vụ đột xuất, như: Bắc cầu phao bảo đảm giao thông qua sông Hồng tại bến Khuyến Lương (năm 2004), bến Chèm (năm 2010). Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các địa phương khen thưởng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Từ năm 2006 đến nay, lữ đoàn tham gia xây dựng công trình làm đường CT-229; thi công đường tuần tra biên giới trên địa bàn các tỉnh: Sơn La, Thanh Hóa. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay đơn vị còn đảm nhận huấn luyện Đội Công binh tham gia Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Có được kết quả trên, theo lãnh đạo, chỉ huy lữ đoàn, do cấp ủy, chỉ huy các cấp trong đơn vị đã thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần và thực hiện tốt những lời căn dặn của Bác Hồ, phát huy truyền thống của Bộ đội Công binh, của đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy truyền thống của quân đội, Binh chủng Công binh và của lữ đoàn, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; đẩy mạnh học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào chiều sâu, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Lữ đoàn Công binh vượt sông 239 không ngừng trưởng thành về mọi mặt, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xây dựng Đảng bộ TSVM, lữ đoàn VMTD; được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý; tháng 7-1998 lữ đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới. Đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, lữ đoàn vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Những thành tích, chiến công đó góp phần tô thắm truyền thống Đoàn Công binh Sông Thao Anh hùng, truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh.

Bài và ảnh: BÌNH AN - LÊ HIỂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khac-ghi-loi-bac-doan-ket-lap-cong-606539