Khắc ghi lời Bác, xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững

Tuyên Quang-vùng đất lịch sử có vị trí chiến lược quan trọng, có cơ sở chính trị vững chắc, nhân dân có truyền thống đoàn kết, yêu nước nồng nàn, tuyệt đối trung thành với Đảng và cách mạng; nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, mãi khắc ghi sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1941, khi về nước trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ địa Cao Bằng, do Cao Bằng xa Hà Nội và vùng đồng bằng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cần chọn ngay một địa bàn có địa thế thuận lợi không quá xa Hà Nội, có phong trào cách mạng tốt để liên lạc với Trung ương, liên lạc với phong trào toàn quốc làm căn cứ lãnh đạo cách mạng cả nước.

Tháng 5-1945, trước những chuyển biến và yêu cầu mới của cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Pác Bó về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đầu tháng 6-1945, Người đã chỉ đạo thành lập Khu giải phóng; xây dựng chính quyền và quân đội cách mạng. Tại Tân Trào, từ ngày 13 đến 15-8-1945, Bác Hồ chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngày 16-8-1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), lãnh tụ Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào). Đại hội thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tân Trào được Trung ương Đảng, Bác Hồ quyết định chọn làm Thủ đô khu giải phóng.

Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn cứ địa Việt Bắc vẫn tiếp tục được củng cố; khi chiến sự lan rộng, sau khi nghe báo cáo tình hình và khả năng phòng thủ của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định "Ta lại trở về Tân Trào" và chỉ đạo thực hiện cuộc tổng di chuyển các cơ quan, kho tàng, máy móc vào an toàn khu nhằm bảo toàn lực lượng, xây dựng thực lực để tiến hành kháng chiến trường kỳ. Ngày 2-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến làng Sảo (xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Đây là nơi ở, làm việc đầu tiên của Người (từ ngày 2-4 đến 19-5-1947). Tuyên Quang-Thủ đô kháng chiến, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, 12/13 bộ và 65 ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trụ sở làm việc. Cũng chính nơi đây đã diễn ra những sự kiện quan trọng và ra đời nhiều quyết sách quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, Đảng ta đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951). Đây là đại hội đảng đầu tiên được tổ chức ở trong nước và duy nhất cho đến nay được tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội. Đại hội xác định rõ chủ trương lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, là một dấu mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã ở Tuyên Quang gần 6 năm, tại hơn 20 địa điểm khác nhau. Người chủ trì bàn thảo và ra nhiều quyết sách quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, có nhiều bài viết, bài phát biểu và hoạt động thực tiễn trong lãnh đạo cách mạng, trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo dục và rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, như: Cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thế nào là ''cần, kiệm, liêm, chính"; bài viết "Dân vận" và nhiều tác phẩm khác. Qua các bài viết cùng những hoạt động thực tiễn, tấm gương sáng ngời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sâu sắc vai trò lãnh đạo của Đảng, yêu cầu cấp thiết phải thường xuyên xây dựng, củng cố Đảng trong sạch, vững mạnh, là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Xứng đáng với niềm tin của Bác Hồ và Trung ương Đảng, quân và dân Tuyên Quang cùng các địa phương trong Chiến khu Việt Bắc đã lập nhiều chiến công vang dội, đập tan các cuộc tấn công của thực dân Pháp lên Việt Bắc. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn làm trọn nhiệm vụ thiêng liêng: Xây dựng, bảo vệ Thủ đô kháng chiến; bảo vệ an toàn tuyệt đối Bác Hồ và các cơ quan đầu não kháng chiến; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những địa danh: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, Kim Bình, Kim Quan, Bình Ca, Khe Lau... của Tuyên Quang mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng Việt Nam.

Tháng 3-1961, trở lại thăm Tuyên Quang, trong bài nói chuyện với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, Bác Hồ căn dặn: "Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội...". Khắc ghi lời Bác dặn, phát huy mạnh mẽ truyền thống của quê hương cách mạng, trong những năm chiến đấu anh dũng, hy sinh, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vừa xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa tích cực chi viện cho tiền tuyến, nhiều người con Tuyên Quang đã xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu dũng cảm và lập công xuất sắc, cùng quân dân cả nước viết nên trang sử hào hùng Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo quân và dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc. Hòa nhịp với công cuộc đổi mới của cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tiếp tục khắc phục khó khăn, nêu cao quyết tâm chính trị, giành nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Những năm qua, kinh tế của tỉnh tăng trưởng với tốc độ khá cao, bình quân đạt 8,18%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Năm 2019, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng; toàn tỉnh có 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiềm năng, lợi thế về du lịch, nông nghiệp từng bước được khai thác hiệu quả, tạo đà phát triển mạnh trong những năm tới. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được cải thiện và nâng cao chất lượng, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng đổi mới. Công tác xây dựng Đảng có sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được triển khai quyết liệt. Nội bộ cấp ủy đoàn kết, thống nhất, sự đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân ngày càng tăng. Trong công tác cán bộ, tỉnh luôn quan tâm chăm lo cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tỉnh luôn coi trọng vai trò nêu gương, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu các ngành, các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ đột phá hằng năm cho từng đồng chí cấp ủy viên, người đứng đầu các địa phương, đơn vị, từ đó đã tạo được sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ, kết quả công việc có sự chuyển biến rõ rệt.

Thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tỉnh tập trung phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch; phát triển hạ tầng giao thông và đô thị theo hướng bền vững, liên kết vùng; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa và các sản phẩm chủ lực. Qua đó, đặt nền tảng vững chắc để Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

NGUYỄN HỒNG THẮNG, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dinh-ninh-loi-bac/khac-ghi-loi-bac-xay-dung-tinh-tuyen-quang-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-618491