Khắc ghi lời dạy của Bác

Tròn 50 năm trước, ngày 15/11/1968, 30 đại biểu là công nhân, cán bộ ngành Than và tỉnh Quảng Ninh đã vinh dự đại diện cho hàng nghìn công nhân Vùng mỏ được gặp mặt Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội). Tại buổi gặp ý nghĩa đó, Bác đã căn dặn: 'Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân, cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh - quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc'...

Bà Trần Thị Cậy là một trong số 30 công nhân xuất sắc được đến Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ vào năm 1968 (thời điểm đó bà là nữ công nhân trẻ tròn 30 tuổi).

Lời dạy của Người đã lay động hàng vạn người và trở thành nguồn động lực to lớn giúp nhiều thế hệ công nhân, cán bộ Vùng mỏ vượt qua mọi khó khăn, thi đua phấn đấu xây dựng đưa ngành Than ngày một phát triển bền vững.

Lớp lớp thế hệ làm theo lời Bác

Những ngày này, căn nhà số 9 của gia đình bà Trần Thị Cậy, khu 5A, phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả) thường xuyên đón các đoàn công tác trong ngành Than ghé thăm. Bà Cậy từng làm Tổ trưởng sản xuất máng ngoài, Phân xưởng Tuyển than 1, Xí nghiệp Bến Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông, TKV), là một trong số 30 công nhân xuất sắc, cùng Đoàn đại biểu Vùng mỏ được đến Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ để báo công. Dù đã 80 tuổi, nhưng khi nhắc về kỷ niệm ngày được gặp Bác Hồ, bà Cậy vẫn minh mẫn nhớ từng chi tiết.

Bà Cậy xúc động cho biết: Đoàn đại biểu được gặp Bác vào năm 1968 chủ yếu là công nhân trực tiếp sản xuất ưu tú, lựa chọn từ các cơ sở sản xuất than. Năm đó, Xí nghiệp Bến Cửa Ông được ưu tiên cử hai đại biểu là chiến sĩ thi đua gồm tôi và chị Nguyễn Thị Vơn. Buổi gặp gỡ với Bác hôm đó diễn ra từ lúc 8h đến 11h. Trước khi vào hội nghị, Bác đã ân cần đến bắt tay động viên sức khỏe từng đại biểu. Người dành phần lớn thời gian thăm hỏi, chuyện trò với các công nhân, cán bộ ngành Than. Không khí trong hội trường lúc đó ai nấy cũng đều vui mừng, phấn khởi, chăm chú lắng nghe từng lời Bác dạy bảo. Đặc biệt, Bác đã dành riêng lời khen đến Xí nghiệp Bến Cửa Ông vì đã hoàn thành được hơn 300.000 tấn than.

Khai thác dưới hầm lò tại Công trường cơ giới hóa Khai thác 2 (Công ty CP Than Hà Lầm).

Với lời khen ngợi động viên của Bác, ngay trong năm 1968, Xí nghiệp Bến Cửa Ông đã thi đua hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất trước thời hạn 48 ngày. Một lần nữa, Bác Hồ gửi điện khen và tặng Cờ thưởng luân lưu hạng Nhất cho đơn vị. Những năm tiếp theo, Xí nghiệp liên tiếp hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất than.

“Sống từng này tuổi, được chứng kiến cuộc sống, thu nhập của công nhân ngành Than ngày càng nâng cao, đặc biệt là những đổi thay mạnh mẽ của Vùng mỏ, tôi rất vui mừng và tự hào” - bà Cậy nghẹn ngào nói.

Đối với đội ngũ công nhân Vùng mỏ, ngày 15/11 hằng năm đã trở thành sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt. Khắc ghi lời dạy của Bác, lớp lớp thế hệ công nhân luôn lấy đó làm động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất.

Thợ mỏ vào ca.

Thợ lò Nguyễn Trọng Thái, Công trường Kiến thiết cơ bản 1, Công ty CP Than Hà Lầm - một trong 50 gương tiêu biểu của Tập đoàn vừa được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than, cho biết: Ghi nhớ lời dạy của Bác, lớp thợ lò trẻ chúng tôi luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ ở mỗi ca sản xuất. Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng nhu cầu công việc, làm chủ những thiết bị khai thác than hiện đại cho năng suất, chất lượng cao, chúng tôi càng phải tích cực rèn luyện chuyên môn, tay nghề giỏi hơn nữa và phải thực hiện an toàn tuyệt đối trong mỗi ca lao động.

Khẳng định vai trò là tập đoàn kinh tế đầu tàu

Trong chặng đường phát triển của mình, lời dạy của Bác cũng chính là động lực để cán bộ, công nhân ngành Than đồng lòng và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, đáp ứng đủ than cho các ngành kinh tế; bảo đảm việc làm và ổn định đời sống cho gần 100.000 công nhân lao động với thu nhập bình quân đạt trên 10,8 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Tập đoàn đang phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp khác từ nền tảng của công nghiệp than như: Khoáng sản, luyện kim, hóa chất mỏ, điện lực...

Năm 2018, TKV đặt mục tiêu tiêu thụ 40 triệu tấn than, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ông Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn cho biết: Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, TKV đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại để tăng năng suất lao động, sản lượng khai thác, đặc biệt là tiết kiệm nguồn “vàng đen” cho đất nước.

Tiêu biểu hiện nay, Tập đoàn đang áp dụng những công nghệ khai thác hiện đại như: Hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than hầm lò (Công ty CP Than Hà Lầm), sử dụng ô tô chở đất đá tải trọng hàng trăm tấn ở các mỏ lộ thiên (Đèo Nai, Cao Sơn...), đưa hệ thống băng tải vận chuyển than, đất đá thay cho ô tô, các hệ thống khai thác giếng đứng sâu -350 đến -500m... Với việc áp dụng công nghệ hiện đại trên, đã giúp TKV sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng than phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Lời dạy của Bác vẫn mãi là kim chỉ nam soi đường cho lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân ngành Than vững bước đi lên.

TKV đang tiếp tục khẳng định là một trong 3 trụ cột kinh tế quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. So với năm 1995 (năm đầu thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam), sản lượng than sản xuất hiện đã tăng gấp 7 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 40 lần. Năm 2018, tổng doanh thu toàn Tập đoàn dự kiến đạt trên 122.000 tỷ đồng (tăng gấp 61 lần), nộp ngân sách trên 15.000 tỷ đồng (tăng gấp 137 lần), lợi nhuận đạt trên 4.500 tỷ đồng.

Phạm Tăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201811/ky-niem-50-nam-ngay-bac-ho-gap-mat-doan-dai-bieu-cong-nhan-can-bo-nganh-than-1511-1968-2018-khac-ghi-loi-day-cua-bac-2408008/