Khắc họa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong vở kịch 'Duyên định'

'Duyên định', vở kịch kể về cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1970-1975 của TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; đạo diễn: NSND Lê Hùng, do Nhà hát Công an nhân dân thực hiện, vừa được công diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2020) đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.

Hình thành ý tưởng của vở diễn từ những năm kháng chiến chống Mỹ nhưng phải hơn 40 năm sau, tác giả Chu Đức Tính mới hoàn thiện tác phẩm và được dàn dựng trên sân khấu kịch nói. TS Chu Đức Tính cho rằng, vở kịch là “đứa con tinh thần” của mình mà ông dành rất nhiều tâm huyết để hoàn thiện. Ông đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về quá trình thực hiện vở diễn này.

TS Chu Đức Tính. Ảnh nhân vật cung cấp.

Phóng viên (PV): Ông hình thành ý tưởng của vở “Duyên định” từ khi nào?

TS Chu Đức Tính: Năm 1972, khi còn là sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, tôi đã gác bút nghiên để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường ra mặt trận, tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Thời gian trong quân ngũ của tôi không nhiều (4 năm), trong đó có gần 3 năm chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Trong những năm tháng ở chiến trường khốc liệt, cảnh bom rơi, đạn nổ diễn ra ngay trước mắt mình, sự sống và cái chết khi đó cũng rất mong manh. Tôi đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của các đồng đội, có người đã trút hơi thở cuối cùng ngay trên tay tôi. Chiến tranh, đổ máu, nguy hiểm là thế nhưng chúng tôi không hề nản chí, rất nhiều đồng chí vẫn xung phong ra chiến trận với quyết tâm chiến đấu đến cùng để giải phóng Tổ quốc. Trong những ngày tháng đó, tôi đã chứng kiến những tấm gương dũng cảm của chiến sĩ, mặc dù bị thương nhưng họ vẫn luôn khao khát trở lại đơn vị chiến đấu. Vì thế khi còn sống trở về, tôi luôn tự nhủ là phải viết một tác phẩm để tôn vinh những đồng đội đã hy sinh và “Duyên định” bắt đầu được hình thành từ đó.

PV: Xin ông cho biết bối cảnh của vở “Duyên định”?

TS Chu Đức Tính: Bối cảnh của vở diễn là Bệnh xá K20 tại Tân Biên (Tây Ninh). Nơi đây, tấm lòng nhân đạo, bao dung, chân thành của nữ y tá đã khiến người tù binh Mỹ cảm động. Từ sợ hãi, đến cảm phục rồi nảy nở tình yêu đơn phương của viên phi công với nữ y tá Việt Nam. Hòa bình lập lại, con trai viên phi công đã trở lại Việt Nam tìm người nữ y tá, ân nhân của cha mình. "Duyên định" đã đưa con trai viên phi công tìm đến với con gái cô y tá năm xưa và hai người trở thành bạn bè thân thiết.

Hình ảnh trong vở kịch "Duyên định".

PV: Ông thể hiện hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ ra sao trong vở kịch?

TS Chu Đức Tính: Là người tham gia chiến trận, cùng vào sinh ra tử với đồng đội nên tôi hiểu rất rõ tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì thế, trong vở “Duyên định”, tôi luôn đau đáu với những chi tiết làm nổi bật hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, đó là sự dũng cảm trong chiến đấu, tinh thần hy sinh quên mình, xả thân vì đồng đội... Để khắc họa đậm nét hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, tôi đã sử dụng lời thoại gần gũi, thể hiện rõ chất lính, dân dã, quen thuộc nhưng cũng rất nghiêm túc, đồng thời bày tỏ tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh.

PV: Tại sao ông lại chọn Nhà hát Công an nhân dân để dàn dựng vở diễn này?

TS Chu Đức Tính: Đây là vở kịch ca ngợi Quân đội nhân dân Việt Nam, nếu để một đoàn kịch quân đội dàn dựng thì sẽ là điều rất bình thường nhưng Ban tổ chức sau nhiều lần họp đã đi đến thống nhất và quyết định chọn lực lượng Công an nhân dân để nói về Quân đội nhân dân. Điều đó thể hiện tính khách quan, đồng thời giá trị của vở diễn sẽ được nâng lên nhiều lần. Đến giờ, khi vở kịch đã được công diễn lần thứ 3 thì tôi cho rằng, sự lựa chọn này là đúng đắn. Các nghệ sĩ của Nhà hát Công an nhân dân đã hoàn thành tốt tác phẩm.

PV: Được biết, trong vở kịch này có sự xuất hiện của một diễn viên không chuyên người Mỹ là Charles Nathan trong vai Joe Louis, ông đánh giá thế nào về diễn xuất của diễn viên này?

TS Chu Đức Tính: Charles Nathan sinh ra và lớn lên ở Mỹ, hiện đang làm việc tại Việt Nam. Charles Nathan nói thuần thục tiếng Việt và có tình cảm đặc biệt với vai diễn Joe Louis. Vì thế, khi hóa thân vào nhân vật, mặc dù không phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng đã có những cảm nhận rất rõ về vở kịch. Vai diễn này thể hiện cách nhìn của thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong thời bình nhưng có cái nhìn khách quan, bao dung, độ lượng về quá khứ, về sự tàn khốc của chiến tranh.

PV: Vở kịch “Duyên định” được đầu tư kỹ lưỡng từ khâu kịch bản đến dàn dựng, xin ông cho biết, thời gian tới, vở diễn có tiếp tục được công chiếu rộng rãi ở các tỉnh, thành phố trong cả nước?

TS Chu Đức Tính: Trong bối cảnh sân khấu nói chung đang rất khó khăn để tìm đầu ra cho tác phẩm thì vở diễn này cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tôi vẫn tin và mong muốn vở diễn sẽ lan tỏa đến đông đảo công chúng, đặc biệt được biểu diễn nhiều trong các đơn vị trong quân đội.

Trước đây đã có nhiều tác phẩm sân khấu viết về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nhưng trong vở diễn này, tôi muốn nói rõ hơn về một khía cạnh nhỏ của quân đội Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, đó là lực lượng quân y, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi điều kiện gian khó. Với những người chiến sĩ áo trắng, kể cả trong chiến tranh ác liệt, thì phẩm chất “thầy thuốc như mẹ hiền” của họ vẫn luôn tỏa sáng.

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/khac-hoa-hinh-anh-bo-doi-cu-ho-trong-vo-kich-duyen-dinh-647771