Khắc khoải tình yêu quê hương trong sáng tác của Trần Thanh Toàn

Sinh ra ở Hải Phòng, trưởng thành từ Quảng Ninh, Trần Thanh Toàn hiện đang định cư ở Hoa Kỳ nhưng ông luôn mang trong mình đau đáu nỗi nhớ quê hương. Ông đã gửi tình yêu quê hương qua từng nét vẽ.

Chân dung họa sĩ Trần Thanh Toàn.

Sinh năm 1942 tại Hải Phòng, nhưng Quảng Ninh mới là nơi họa sĩ Trần Thanh Toàn gắn bó máu thịt. Thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật của cha, Trần Thanh Toàn tập trung vào học chữ, làm thơ, học vẽ. Ham mê hội họa, Trần Thanh Toàn rất thích vẽ chân dung. Thiếu giấy vẽ ông bẻ gai bưởi vẽ lên những chiếc lá đa rụng xếp la liệt trên sân đền Quỳnh Lâu (phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên) cho lũ bạn trẻ trâu cùng xóm.

Năm 1960, ông vào làm việc tại Nhà máy cơ khí Hữu Nghị (đóng tại huyện Hoành Bồ, nay là TP Hạ Long). Nơi đây đã giúp ông trở thành con người rắn rỏi, mạnh mẽ, vượt mọi khó khăn để thực hiện đam mê của mình. Làm công nhân nhưng mỗi khi có thời gian rảnh ông lại vẽ tranh. Ngày nào cũng vẽ, vẽ như chưa bao giờ được vẽ. Sau đó, ông bỏ việc để theo học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và đến năm 1974 thì tốt nghiệp, trở về Quảng Ninh làm việc.

Năm 1993, sau khi cha mất, họa sĩ Trần Thanh Toàn theo mẹ bảo lãnh, định cư tại Hoa Kỳ. Ông bắt đầu những tháng ngày bươn chải từ rửa bát đĩa, lau kính, thông ống nhà cầu để mưu sinh nhưng lúc nào có thời gian rảnh lại vẽ. Nhiều chất liệu vẽ hiện đại, nhiều trường phái hội họa xa lạ lấn át không làm Trần Thanh Toàn choáng ngợp. Ông vẫn giữ mạch nguồn với quê hương qua nét vẽ thể hiện chân thành những gì đã học được ở trường; màu tươi rực rỡ như tranh Đông Hồ, tranh hàng Trống; nét đen liền mạch, mạnh mẽ như tranh trổ giấy.

"Bãi Cháy"- Tranh sơn dầu của họa sĩ Trần Thanh Toàn.

Khi đặt chân lên nước Mỹ xa xôi, vì niềm yêu nghề cũng như kế sinh nhai, ông đã từng vẽ chân dung dọc bờ hồ Michigan. Tháng 9/2003, một chương trình truyền hình của Mỹ đã chọn ông với vị trí là một họa sĩ châu Á vẽ về quê hương mình.

Trần Thanh Toàn thích vẽ tranh chân dung cũng một phần xuất phát từ hoàn cảnh xa Tổ quốc, ông nhớ bạn bè, muốn đưa hình ảnh bạn bè vào tập sách của mình nên đã vẽ dựa theo trí nhớ, theo ảnh chụp để phác họa họ. Không chỉ có sáng tác, họa sĩ Trần Thanh Toàn còn nặng lòng với quê hương xứ sở, với anh em và bạn bè thân thiết ở Quảng Ninh.

Ông vẫn thường xuyên giúp đỡ anh em văn nghệ sĩ Quảng Ninh cả về vật chất lẫn tinh thần. Riêng về nghệ thuật, do được đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên tranh của ông có nét “tung tẩy” hơn so với anh em họa sĩ ở quê hương bây giờ.

20 năm xa quê nhưng Hạ Long luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng họa sĩ Trần Thanh Toàn, như ông từng chia sẻ: “Tôi nhớ quê nhất là mỗi khi hè đến. Mùa hè bên Mỹ cũng có nắng, có gió nhưng không thể nào bằng cái nắng, cái gió vùng biển Quảng Ninh được”. Ông bộc bạch: “Dù bôn ba tới những vùng đất mới, tôi vẫn nhớ về phương trời ấy. Nơi mà đêm đêm, các vì sao và những dải ngân hà sa xuống mặt nước, chạm đầu các chú rồng xanh phủ phục từ ngàn thu. Quyện vào trăm dải lân tinh ngũ sắc, mênh mông, xô đẩy nhau, êm ả, hiền hòa, đưa hồn tôi vào cõi thần tiên. Nơi có núi Bài Thơ mang hình tượng thiếu nữ nằm xõa tóc, ngửa mặt nhìn lên trời cao… Nơi đã làm giàu thêm, đẹp hơn cho kí ức tuổi thanh xuân của tôi”.

Trần Thanh Toàn say mê vẽ biển. Trong tranh của ông, những ngọn núi được vẽ cách điệu như hình người đàn bà nằm chịu đựng sóng gió, nắng mưa gian truân của cuộc đời. Khi vẽ biển, Trần Thanh Toàn còn bạo tay không vẽ biển xanh mây trắng nắng trong mà vẽ 2 cô gái nằm khỏa thân không lằn ranh giới lộ ra những đường cong của cơ thể tạo cảm giác lô nhô từng đợt sóng và chỉ có ở sóng gió biển khơi nên mái tóc mới tung bay đến vậy. Tranh của ông gợi nhiều hơn tả. Có khi chỉ thấy màu vàng của cát, thấy hai con còng nằm phơi yếm dưới nắng mà người xem vẫn nhận ra đó là biển.

Tác phẩm "Bến Đoan" của họa sĩ Trần Thanh Toàn.

Trần Thanh Toàn vẽ rất nhiều tranh về Hạ Long như: “Thuyền Hạ Long” (sơn dầu), “Phong lan trên núi Bài Thơ” (acrylic), “Hang Sửng Sốt” (sơn dầu), “Cửa động Thiên Cung” (acrylic), “Động tiên Hạ Long” (sơn dầu), “Lán Bè Hòn Gai” (màu nước), “Đêm trăng Hạ Long” (acrylic)...

Trong những năm vừa qua, Trần Thanh Toàn gom những tác phẩm của mình mang về nước để tổ chức các triển lãm tranh cá nhân như “Trở về với cội nguồn” (triển lãm tại TP Hồ Chí Minh năm 1992 và 1999), “Nỗi nhớ Hạ Long” (triển lãm ở Quảng Ninh năm 2003). Ông đã triển lãm tranh nhiều nơi trong nước, quốc tế và đã xuất bản nhiều sách, in tranh và thơ với các tập, như: “Nỗi nhớ Hạ Long”, “Cõi nhân gian”, “Chân dung gia đình và bạn bè”. Họa sĩ Trần Thanh Toàn tổ chức cuộc giao lưu tại Bảo tàng Bạch Đằng (TX Quảng Yên) nơi ông lớn lên và học tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn. Dù đi đâu, làm gì Trần Thanh Toàn cũng luôn hướng về quê hương. Trong mỗi tập sách, bên cạnh những bức tranh ông đều có những bài thơ. Thơ Trần Thanh Toàn tha thiết nỗi nhớ quê hương: “Mang theo hồn sóng thầm thì/ Gì trong đáy mắt ngày đi em buồn/ Thấm từng giọt nhớ, giọt thương/ Gói câu quan họ vấn vương ghẹo đùa/ Thời gian in những bóng mờ/ Hình em còn mãi đến giờ chưa phai” (Nỗi nhớ). Hay như trong bài thơ “Nhớ”, ông viết: “Về phương trời ta yêu/ Nửa đời nghèo yếm thế/ Có một thời trai trẻ/ Có một thời đam mê/ Ta lần theo bánh xe/ Sang bên này trái đất/ In bao điều trong mắt/ Nhớ bao tình trong tim/ Tiếng chuông chùa trong đêm/ Đưa ta về bến cũ/ Lại một đêm mất ngủ/ Hồn bay về cố hương”.

Họa sĩ Trần Thanh Toàn đặc biệt vẽ rất nhiều chân dung trong kí ức và chân dung những người mẹ da màu xung quanh nơi ở, những đứa trẻ thơ quằn quại khát sữa, người mẹ Việt Nam, chân còn lấm bùn đất đã vòng tay ôm con cho bú dòng sữa căng đầy, người mẹ vùng đất Quảng Yên không sinh ra Trần Thanh Toàn nhưng đã nuôi ông bằng hạt tấm lớn lên 60 năm trước. Tất cả được khai thác triệt để qua nhiều cung bậc tình cảm.

Ông còn hàng chục bức vẽ về hình ảnh dung dị của quê hương Việt Nam như Cổng làng, Tháp Rùa,…đó cũng là cảm hứng bất tận của người con luôn hướng về Tổ quốc. Khi nhắc đến quê hương, ông tự bạch: “Cứ đi, cứ đến. Chỉ có điều tôi đã định hướng. Biết trở về cội nguồn”. Xem những bức tranh họa sĩ Trần Thanh Toàn vẽ về những mảnh đất nơi ông đã từng đi qua như: “Sài Gòn giải phóng’, “Làng quan họ quê tôi”, “Rừng sơ tán Quang Hanh”, “Lên chùa”, “Biển đêm”, “Chợ Đầm Hà về đêm”, “Đền Ngọc Sơn”, “Trẩy hội Chùa Hương”… người xem như cảm nhận được những cảm xúc còn tươi nguyên tạo nên cái duyên trong tranh phong cảnh của ông.

Thuyền Hạ Long - Tranh sơn dầu của họa sĩ Trần Thanh Toàn.

Về nghệ thuật như lời ông tự bạch “Tôi đam mê vẽ hàng ngày như chưa bao giờ được vẽ”. Đặc biệt là một họa sĩ sử dụng tinh thông hơn mười chất liệu: Sơn dầu, acrylic, lụa, phấn màu, bột màu, chì màu, bút dạ, giấy dó, trổ giấy, màu nước và cả thủ ấn họa. Chất liệu tuy chỉ là một phương tiện song không có nó khó tạo nên những hình thức nghệ thuật mới và đẹp. Mỗi một chất liệu đều có một vẻ đẹp đặc thù và luôn đòi hỏi một kỹ thuật riêng. Không am tường ngôn ngữ chất liệu, không tinh thông kỹ thuật khó sáng tác chứ chưa nói đến đẹp.

Dù đã bước qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng họa sĩ Trần Thanh Toàn vẫn dồi dào sức lao động, sáng tạo, vẫn say mê làm việc bởi với ông “cuộc đời làm nghệ thuật là một phần thưởng cho chính nghệ sĩ. Không có gì có được sự giàu sang của cuộc đời làm nghệ sĩ!”. Ông say sưa vẽ nhiều tranh như để khỏa lấp chỗ trống vắng trong nỗi nhớ quê nhà. Và chỉ có cây cọ mới giúp ông ghi lại những cảm xúc của mình với dòng máu Việt luôn chảy mãi. Để rồi một góc trời Việt lại xuất hiện trên đất nước Mỹ xa xôi qua từng bức tranh của ông.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khac-khoai-tinh-yeu-que-huong-trong-sang-tac-cua-tran-thanh-toan-2926121.html