Khắc phục bất cập trong sử dụng vốn ODA

Các đại biểu Quốc hội sáng 31-10 đã chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về những bất cập trong sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển (ODA) như: thời gian phê duyệt còn chậm, sử dụng chưa hiệu quả.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại nghị trường ngày 31-10

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) dẫn ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng có đến 90% dự án ODA của các cơ quan nhà nước mất trung bình 6 tháng để phê duyệt. Nếu mỗi dự án có kinh phí trung bình là 1-2 triệu USD, chỉ với 100 dự án thì nhà nước đã mất khoảng 50-100 triệu USD/năm vì thủ tục. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư bình luận về ý kiến này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ODA là vốn vay ưu đãi, là một nguồn ngân sách của nhà nước nên sử dụng phải bảo đảm hiệu quả và phải nằm trong trần nợ công, nợ bội chi, nợ Chính phủ mà Quốc hội đã cho phép. Quy trình, thủ tục đã được thiết kế hết sức chặt chẽ gồm bốn bước: đề xuất dự án, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư, ký kết hiệp định và triển khai dự án. Bốn quy trình này đều phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép, và bên cạnh đó còn phải thực hiện yêu cầu quy định của các nhà tài trợ nước ngoài.

Theo Bộ trưởng, thời gian chuẩn bị dự án không phải chỉ 6 tháng, trung bình hiện nay khoảng 2-3 năm, có những dự án lớn, phức tạp phải đến 5 năm mới có thể xong được các quy trình trên.

“Chúng ta chuẩn bị dự án càng kỹ càng tốt, chất lượng càng cao thì khi chúng ta triển khai thực hiện càng nhanh, càng hiệu quả và không làm phát sinh thêm chi phí, đó là yêu cầu và cũng là thông lệ của quốc tế” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân của sự chậm trễ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong xử lý thì chất lượng hồ sơ còn chưa tốt, thiếu, chưa đầy đủ, phải giải trình nhiều lần. Thứ hai là các bộ, các cơ quan tham gia xử lý chưa nhanh, thiếu nhất quán và chưa rõ, chung chung nên khi tổng hợp để xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng làm mất thời gian.

Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm sẽ rà soát, đôn đốc, làm sao giải quyết thủ tục minh bạch và nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ.

Đại biểu tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư. Đại biểu đề nghị Bộ cần phải tổng kết, đánh giá xem quy trình, thủ tục phê duyệt trung bình hết bao nhiêu thời gian ở tất cả các cấp và toàn bộ thời gian đó gây tốn kém, thất thoát cho Nhà nước là bao nhiêu tiền. “Tại sao vốn ODA nhân đạo không hoàn lại phải phê duyệt phức tạp như vậy?”, đại biểu Thúy nói và đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp tháo gỡ cụ thể.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vừa qua Quốc hội đã có một nghị quyết giám sát để khắc phục những bất cập xung quanh việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới. Hiện nay nghị quyết đang triển khai thực hiện.

“Liên quan đến ODA không phải chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh đó còn có Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khác. Vấn đề này, chúng tôi cùng với các Bộ sẽ cố gắng để làm sao nhanh hơn, thuận lợi hơn, minh bạch hơn nhưng vẫn bảo đảm thận trọng theo quy trình pháp luật quy định” - Bộ trưởng nói.

LÊ HÀ - Ảnh: DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38098402-khac-phuc-bat-cap-trong-su-dung-von-oda.html