Khắc phục 'bệnh' thành tích, háo danh, phô trương

Một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' đã được nhận diện, chỉ rõ trong Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII là 'bệnh' thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, 'đánh bóng' tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; 'chạy thành tích', 'chạy khen thưởng', 'chạy danh hiệu'... Các hiện tượng này đang đòi hỏi cần tìm ra giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả...

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Sinh thời, khi Nhà nước dân chủ nhân dân còn non trẻ, với sự nhạy bén trước các hiện tượng có thể tác động tiêu cực đến quá trình xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều ý kiến sâu sắc, đến nay vẫn nguyên giá trị. Nổi lên trong đó là Người chỉ ra các căn bệnh nảy sinh từ đội ngũ cán bộ, đảng viên như: “Ham chuộng hình thức: Việc gì không xét đến cái kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ chăm về hình thức bên ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”, “Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch”, “Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình”, “Báo cáo dối, giấu cái dở cái xấu, chỉ nêu cái tốt cái hay. Báo cáo bề bộn - chỉ góp báo cáo các ngành, các cấp dưới, rồi cứ nguyên văn chép lại gửi lên,...”...

Đáng chú ý là các hiện tượng Người đề cập nêu trên lại xuất hiện vào lúc cách mạng gặp vô vàn khó khăn. Vì thế, sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, lường trước các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong đội ngũ cán bộ, đảng viên khi xây dựng xã hội mới, Người đã viết bài “Đạo đức cách mạng”, trong đó nhấn mạnh: “Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó mà họ mắc những sai lầm: kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần, họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân”. Điều Người nhấn mạnh là cảnh báo nghiêm khắc hiện tượng một số cán bộ, đảng viên tha hóa về đạo đức; chỉ rõ nếu cán bộ, đảng viên không rèn luyện, tu dưỡng thì sự tha hóa đạo đức sẽ đẩy tới tha hóa phẩm chất cách mạng.

Sau hơn 30 năm của sự nghiệp đổi mới, đất nước có bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất và tinh thần của toàn dân từng bước được nâng cao nhưng đây cũng là thời kỳ có thể tạo cơ hội để một số cán bộ, đảng viên vì lợi ích cá nhân mà tự tha hóa bằng trục lợi, tham nhũng, đục khoét của công, vì nhu cầu ích kỷ của bản thân mà chà đạp lợi ích người khác, chà đạp lợi ích xã hội,... làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm sa sút niềm tin trong nhân dân. Các vụ án lớn từ Mai Văn Dâu, Lương Quốc Dũng,... trước đây tới việc truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy,... là thí dụ rất điển hình.

Tình trạng cả nước có 2.334 ô-tô công dôi dư, 402 tổ chức và 748 cá nhân sai phạm về tài chính ngân sách bị xử lý bằng các hình thức kỷ luật đã cho thấy ý thức tiết kiệm của người đứng đầu một số tổ chức còn hạn chế... Nhìn trên diện rộng, Quy chế dân chủ ở cơ sở không được thực hiện tốt đã khiến một số cán bộ, đảng viên xa dân, thiếu chia sẻ với nguyện vọng chính đáng của nhân dân, dùng quyền lực được giao để “hành dân”,... đồng thời sử dụng công quỹ và nhân danh “xã hội hóa” để rùm beng biến thành tích của đơn vị, địa phương thành thành tích cá nhân. Báo chí, thậm chí cơ quan, đoàn thể ở cơ sở cũng được huy động, thành phương tiện để một số cán bộ, đảng viên khoe thành tích, đánh bóng tên tuổi...

Trong bối cảnh đó, với việc chỉ rõ tình trạng mắc “bệnh” thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”..., Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII đã rất thẳng thắn với các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên, đồng thời yêu cầu toàn Đảng cần nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện, đề ra giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả.

Để làm được việc này, trước hết cần thấy các căn bệnh được Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII đề cập thường liên quan cán bộ, đảng viên là người đứng đầu, có quyền lực, có địa vị, trực tiếp liên quan duyệt chi tài chính, công quỹ, và quản lý dự án, đất đai, vốn đầu tư, đấu thầu, mua sắm vật tư và thiết bị tài sản công, thực hiện thủ tục hành chính, cấp các loại giấy phép, giữ vai trò trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài nguyên, khoáng sản, thuế, hải quan, tuyển dụng và sử dụng biên chế... Đó là các cá nhân có điều kiện, có khả năng xuất hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Do vậy, vấn đề không chỉ phụ thuộc vào việc lựa chọn, đào tạo, bổ nhiệm mà còn phụ thuộc vào ý thức tự giác, nhất là người đứng đầu, khi xác định trách nhiệm trước cơ quan, đơn vị. Và để khắc phục, nổi lên là công tác giáo dục, vì một mặt giúp cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng nâng cao ý thức trách nhiệm, một mặt giúp phòng ngừa hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra. Như vậy, cán bộ, đảng viên cần tự nhận thức để coi phục vụ nhân dân vừa là mục đích, vừa là động lực trong suy nghĩ, hành động để xác định sự trong sạch, tính liêm khiết, lấy đó làm cơ sở để nâng cao ý thức phục vụ nhân dân.

Quá trình giáo dục và tự nhận thức này cần được kết hợp chặt chẽ với biện pháp kỷ luật, thậm chí loại khỏi đội ngũ số cán bộ, đảng viên sai phạm trầm trọng. Đồng thời cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của Đảng, của Nhà nước; trong đó hết sức chú ý vai trò các bộ phận chuyên trách làm công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của tổ chức Đảng và chính quyền các cấp. Ngoài ra do diễn biến phức tạp, biểu hiện tinh vi của vấn đề mà việc kiểm tra, thanh tra, giám sát vừa cần phát hiện, xử lý nghiêm minh, vừa cần kịp thời phát hiện, đánh giá mức độ nghiêm trọng hiện tượng tiêu cực mới nảy sinh, phát hiện điểm chưa phù hợp, chưa tương thích diễn biến mới trong chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý để cơ quan chức năng hoàn thiện, hạn chế hành vi tiêu cực, có biện pháp chống tiêu cực.

Từ thực tế diễn biến có thể nói, sự tha hóa về đạo đức của một số cán bộ, đảng viên vừa qua thường quan hệ chặt chẽ với quyền lực. Hậu quả tiêu cực từ cơ chế “xin - cho, duyệt - cấp”, tình trạng “lợi ích nhóm, sân sau” chỉ có thể xuất hiện khi người có quyền lực lạm dụng quyền lực. Vì thế, ngoài việc nhấn mạnh vai trò đạo đức của cá nhân, thì về xã hội, cần nhấn mạnh vai trò của luật pháp với các quy định về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, có khả năng chống trục lợi trong quản lý, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cần có những pháp luật để trừng trị tệ tham ô, lãng phí, và phải chấp hành những pháp luật ấy một cách nghiêm chỉnh”, “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Một vấn đề không kém quan trọng là để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự là “công bộc” của dân, để chính quyền các cấp thật sự là chính quyền “của dân, do dân, vì dân”, cần tạo điều kiện để nhân dân thật sự được phát huy quyền làm chủ qua sự công khai, minh bạch công tâm khi thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Có thể nói, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ huy động được nhân dân tham gia phòng và chống, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; đồng thời biểu dương, cổ vũ những tấm gương điển hình, mẫu mực của người cán bộ, đảng viên trong các lĩnh vực hoạt động xã hội. Trong đó cần hết sức chú ý việc khuyến khích và bảo vệ người dân phản ánh, tố giác, hoặc tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

THÀNH HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33662402-khac-phuc-benh-thanh-tich-hao-danh-pho-truong.html