Khắc phục các hạn chế phát sinh trong quy định pháp luật về giá

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình số 95/TTr-BTC gửi Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết về quản lý, điều tiết giá và một số điều của Luật Giá. Mục đích nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục các hạn chế phát sinh trong quy định pháp luật về giá.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, thực hiện chủ trương của Đảng trong việc hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hành lang pháp luật về giá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6/2023 với nhiều nội dung mới.

Theo đó, hệ thống các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật cũng cần được được ban hành mới nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá khi Luật Giá có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 và nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục các hạn chế phát sinh trong quy định pháp luật về giá.

Việc xây dựng Nghị định phải góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn và bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức của các cơ quan thực hiện quản lý, điều tiết giá, tăng cường tính đồng bộ, thống nhất trong triển khai các biện pháp quản lý, điều tiết giá của các cơ quan trung ương và địa phương. Nhất là đảm bảo sự tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý, điều tiết giá đã được thể hiện tại Luật.

Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 30 Điều. Trong đó, tại Điều 4 dự thảo Nghị định đã quy định về trình tự, thủ tục, các thành phần hồ sơ, tài liệu cần thiết để phục vụ việc đề nghị điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

 Kiểm tra doanh nghiệp bán lẻ thực hiện chương trình bình ổn giá. (Ảnh minh họa)

Kiểm tra doanh nghiệp bán lẻ thực hiện chương trình bình ổn giá. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp hiện hành cũng như đánh giá các tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện các năm qua; bám sát các quy định tại Luật cũng như chủ trương của Chính phủ về tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước về giá theo chức năng, nhiệm vụ về ngành, lĩnh vực, dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, hồ sơ, trách nhiệm trong triển khai của các chủ thể tham gia quá trình định giá hàng hóa, dịch vụ.

Về trình tự, thủ tục thực hiện định giá, tại Luật Giá 2023 đã quy định rõ việc định giá bao gồm 3 khâu là: Lập phương án giá, thẩm định phương án giá, trình và ban hành văn bản định giá. Theo đó, giao Chính phủ quy định chi tiết đối với nội dung này. Trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP, Nghị định 149/2016/NĐ-CP cũng như đánh giá các tồn tại, hạn chế trong việc triển khai định giá ở các cấp hiện nay, dự thảo Nghị định đã sửa đổi các quy định trên.

Cụ thể, về việc lập phương án giá, tại dự thảo đã quy định chi tiết, cụ thể về trách nhiệm lập phương án giá trong từng nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể để đảm bảo thuận lợi cho cả cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lập phương án giá cũng như cơ quan được giao thẩm định phương án giá trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời cũng quy định rõ về các thành phần hồ sơ phải gửi kèm theo phương án giá, thời gian lập phương án giá đảm bảo minh bạch, rõ ràng cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc lập phương án giá.

Về thẩm định phương án giá, tại dự thảo Nghị định đã quy định rõ về nội dung thẩm định phương án giá (kèm theo mẫu báo cáo phương án giá tại phụ lục của Nghị định) để tăng cường tính tính pháp lý cho việc triển khai.

Trên cơ sở xác định nội dung thẩm định phương án giá có tính chất chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu về giá hàng hóa, dịch vụ theo ngành, lĩnh vực thì tại dự thảo Nghị định cũng quy định rõ về nguyên tắc trong việc phân công nhiệm vụ thẩm định phương án giá. Theo đó, việc thẩm định phương án giá sẽ do cơ quan, đơn vị chuyên môn về ngành, lĩnh vực của hàng hóa, dịch vụ thực hiện để đảm bảo đúng về chức năng, nhiệm vụ cũng như thể hiện rõ nguyên tắc phân công, phân cấp theo ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trực tiếp quản lý hàng hóa, dịch vụ.

Việc trình và ban hành văn bản định giá được quy định chi tiết, cụ thể, đảm bảo toàn diện các trường hợp hàng hóa, dịch vụ do một cấp định giá, hàng hóa, dịch vụ do hai cấp định giá (một cấp định khung giá hoặc giá tối đa hoặc giá tối thiểu để 1 cấp cơ quan định giá cụ thể)…

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/khac-phuc-cac-han-che-phat-sinh-trong-quy-dinh-phap-luat-ve-gia-157702.html