Khắc phục cơ bản khó khăn trong đấu thầu thuốc khi có Thông tư mới

Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập mới sẽ khắc phục cơ bản được các khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, giúp lựa chọn được thuốc tốt nhất với giá hợp lý.

Bộ Y tế đang soạn thảo Thông tư mới thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11-5-2016 quy định về việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập, và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để hoàn thiện Thông tư.

Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, đại diện cho Ban soạn thảo cho biết, điểm mới nổi bật trong việc sửa đổi tại Thông tư mới này là việc xác định các tiêu chí kỹ thuật của các nhóm thuốc tại Điều 5, Chương II về phân chia gói thầu, nhóm thuốc gồm: gói thầu thuốc generic; gói thầu thuốc biệt dược gốc và tương đương điều trị; gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; gói thầu dược liệu; gói thầu vị thuốc cổ truyền.

“Mỗi gói thầu thuốc đều có tiêu chí cụ thể đối với các nhóm thuốc. Cụ thể, tại gói thầu thuốc generic xác định các tiêu chí kỹ thuật chi tiết, rõ ràng với việc mỗi danh mục thuốc generic được phân chia thành 5 nhóm thuốc. Nhà thầu có thuốc đáp ứng tiêu chí kỹ thuật của nhóm nào thì được dự thầu vào nhóm đó. Nhưng các nhóm thuốc trên đều phải đáp ứng các tiêu chí: phải có nguồn gốc, nguồn cung cấp nguyên liệu rõ ràng; có cùng công thức bào chế; quy trình sản xuất phải giám sát được tiêu chuẩn chất lượng đối với cả sản phẩm thuốc của nước ngoài hay do Việt Nam sản xuất”, ông Nguyễn Tất Đạt nói.

Các tiêu chí này được đưa ra một mặt bảo đảm chất lượng thuốc cao nhất, một mặt nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước tham gia vào đáp ứng các tiêu chí đối với nhóm thuốc generic chất lượng tốt nhất theo đúng chủ trương do Chính phủ đề ra trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược liệu quốc gia.

Nhấn mạnh mục tiêu của việc sửa đổi Thông tư lần này, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, thuốc đã được đấu thầu đưa vào bệnh viện thì phải là thuốc tốt. Các cơ sở y tế cần đặt ưu tiên trong mọi trường hợp phải sử dụng nhóm thuốc cao nhất (nhóm thuốc generic) và chỉ khi nào nhóm thuốc generic không có thì mới sử dụng nhóm thuốc thấp hơn. Điều này nhằm để bảo đảm nguồn cung ứng chất lượng thuốc tốt nhất trong điều trị khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, công tác đấu thầu thuốc là một nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế nhằm bảo đảm việc lựa chọn được các thuốc có chất lượng tốt để phục vụ công tác điều trị bệnh cho nhân dân, nhưng đồng thời phải bảo đảm có giá hợp lý để tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho người bệnh, cho quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Thông tư mới này sẽ khắc phục cơ bản những khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc như phân nhóm thuốc theo tiêu chí kỹ thuật để bảo đảm lựa chọn thuốc trúng thầu có chất lượng tốt để cung ứng cho các cơ sở y tế, đồng tăng cường giám sát chất lượng thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế thông qua các tiêu chí kỹ thuật của cơ sở sản xuất và sản phẩm thuốc.

Bên cạnh đó, Thông tư sẽ bổ sung các quy định để ưu tiên cho các thuốc trong nước có chất lượng như: các thuốc sản xuất tại các nhà máy đạt EU-GMP; thuốc biệt dược gốc chuyển giao sản xuất tại Việt Nam; thuốc được gia công, chuyển giao công nghệ từ các nước ICH… Thông tư cũng bổ sung làm rõ một số quy định nhằm tăng cường cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, tránh việc chủ đầu tư đưa ra các quy định, điều kiện làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế của gói thầu.

“Để công bằng trong việc thực hiện hợp đồng cung ứng thuốc, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ sở y tế, các nhà thầu khi ký kết hợp đồng cung ứng thuốc trúng thầu để ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp trúng thầu nhưng không gọi hàng hoặc trúng thầu nhiều nhưng gọi hàng ít để bảo đảm công bằng với trách nhiệm của nhà thầu trong việc bảo đảm cung ứng thuốc trúng thầu”, Bộ trưởng Y tế nói.

Hiện nay, dự thảo đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp để ban soạn thảo hoàn chỉnh Thông tư. Trong đó, ông Trần Đức Chính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam đề nghị “Ban soạn thảo cần xác định chi tiết, rõ ràng quy định ghi dạng bào chế đối với gói thầu generic vì mỗi một dạng bào chế là một kỹ thuật khác nhau...". Có ý kiến đề xuất bỏ vaccine ra khỏi đối tượng phạm vi điều chỉnh vì đặc thù cung ứng vaccine khi có dịch bệnh xảy ra; đề nghị xác định rõ hơn tiêu chí kỹ thuật thành phẩm thuốc khi tham gia vào đấu thầu các gói thuốc bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia.

Trên tinh thần tiếp thu các góp ý của các đơn vị, Ban soạn thảo dự thảo Thông tư sẽ tiếp thu và tổng hợp và hồi đáp tất cả các ý kiến góp ý để hướng đến việc hoàn thiện dự thảo Thông tư đạt kết quả cao nhất.

TRẦN NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/37242102-khac-phuc-co-ban-kho-khan-trong-dau-thau-thuoc-khi-co-thong-tu-moi.html