Khắc phục điểm yếu để nông sản Việt vươn xa

Năm 2022, xuất khẩu (XK) nông sản Việt Nam mang về 47 tỷ USD và trong 4 tháng đầu năm 2023, ngành rau quả tăng trưởng 20% so với cùng kỳ - một trong những ngành hiếm hoi có kết quả tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Mặc dù nông sản Việt có mặt tại hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật… nhưng có đến 80% sản lượng nông sản XK của Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu dẫn tới giá trị nông sản Việt XK chưa cao.

Tại hội nghị kết nối thông tin thị trường XK chủ đề "Nông sản Việt Nam vươn xa" tổ chức ngày 26/5 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T Group cho biết, năm 2017, lần đầu tiên Vina T&T Group đưa trái dừa Bến Tre vào thị trường Mỹ thì bị nhiều đối tác chê nhạt, không ngọt như dừa Thái Lan tại Mỹ. Trong khi đó, khi uống thử dừa Bến Tre thì ông Tùng thấy rất ngọt, rất thanh, công nghệ bảo quản lên đến 80 ngày. Với chất lượng như vậy thì dừa Bến Tre hoàn toàn có thể cạnh tranh được với dừa Thái Lan. Sau nhiều cách tiếp cận thị trường, đến nay tại thị trường Mỹ thị phần dừa Thái Lan và dừa Việt Nam tương đương nhau. Hiện nay, DN xuất 30-40 container dừa/tháng qua thị trường Mỹ.

"Sau này tìm hiểu tôi mới biết, trước đó nhiều DN Việt mang trái dừa đi chào hàng nhưng lại cạnh tranh bằng giá chứ không phải chào bán trái dừa ngon nhất của Việt Nam. Việc chào hàng bằng những sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ không giúp phát triển thị trường cũng như thương hiệu cho sản phẩm Việt", ông Tùng nói.

Nhiều nông sản Việt được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao nhưng phần lớn chưa xây dựng được thương hiệu.

Nhiều nông sản Việt được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao nhưng phần lớn chưa xây dựng được thương hiệu.

Tương tự, khi gạo ST 25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới thì Vina T&T Group cũng đã tự tin mang container đầu tiên chào hàng tại Mỹ bằng cách phát miễn phí cho người dùng ở một số nhà thờ. Sau đó người tiêu dùng (NTD) hỏi mua nhiều hơn. Đến con_tainer thứ 2,3 thì bắt đầu xuất hiện nhiều thông tin nhiễu loạn cho rằng gạo ST25 không đủ sản lượng để XK, gạo bán đi nước ngoài là gạo giả. Tuy nhiên, cũng trải qua quá trình rất gian nan, đến nay gạo ST25 cũng được NK với số lượng lớn vào thị trường Mỹ.

Ông Tùng khẳng định: "Muốn làm thương hiệu thì phải có chất lượng, bao gồm: Nguồn nguyên liệu đủ lớn để cung cấp ra thị trường. Sản phẩm của DN phải đặc trưng hơn so với sản phẩm các nước khác cùng chủng loại. Sản phẩm đó phải phù hợp với nước NK và đối tượng DN hướng tới".

Cái yếu hiện nay của ngành nông sản là nông dân sản xuất và DN "mạnh ai nấy làm", chưa có sự liên kết chặt chẽ. Thấy rõ nhất là trong đợt dịch COVID-19 vừa qua và khó khăn trong XK thời gian gần đây, nhiều nông dân sản xuất ra sản phẩm nhưng DN bỏ mặc nông dân không thu mua hoặc thu mua với giá thấp. Một DN cho biết, DN bao tiêu vú sữa Sóc Trăng 2018 đến nay, khi giá thị trường xuống thấp chỉ 10-15 ngàn đồng/kg, DN vẫn mua của nông dân 34-35 ngàn đồng/kg. Khi vú sữa đầu mùa lên giá 60 - 70 ngàn/kg, DN vẫn đồng ý thu mua giá đó cho nông dân. Bởi, DN có thị trường đầu ra tốt nên DN chia sẻ khó khăn, lợi nhuận cùng với nông dân. Chính vì sự liên kết giữa nông dân - DN tốt như vậy nên chất lượng sản phẩm do nông dân cung cấp luôn được đảm bảo, ổn định.

TS Hạ Thúy Hạnh - Phó chủ tịch Hiệp hội trang trại và DN nông nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia - Bộ NN&PTNT cho rằng, việc liên kết sản xuất giữa các vùng nguyên liệu và DN là hết sức cần thiết, đầu tiên là tạo ra sản phẩm đồng đều, vùng nguyên liệu lớn để phục vụ cho nhà máy chế biến. Thực tiễn vừa qua có rất nhiều nhà máy chế biến không đủ nguồn nguyên liệu đầu vào. Thứ hai, liên kết sẽ giảm chi phí logistics, rất quan trọng để giúp nông dân.

Hiện nay các đường mòn lối mở ở khu vực biên giới phía Bắc hầu như bị đóng kín nên việc xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc rất khó khăn, không thực hiện được. XK chính ngạch là tất yếu, mà XK chính ngạch phải có các chứng nhận. DN dẫn đầu có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn cho nông dân sản xuất canh tác theo yêu cầu của nhà NK, tập huấn cho nông dân văn hóa thương mại... Mục đích là tạo ra sự liên kết chung, tạo ra sản phẩm chung để sản phẩm bền vững hơn chứ không phải như trước đây mạnh ai người đó làm thì chắc chắn không phù hợp với thời điểm hiện nay.

T.Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/khac-phuc-diem-yeu-de-nong-san-viet-vuon-xa-i694855/