Khắc phục hậu quả bão lũ: Sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường

Ngày 22/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trực tiếp làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thị sát công tác khắc phục và động viên nhân dân xã Hải Định (Hải Lăng, Quảng Trị) sớm ổn định cuộc sống.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thị sát công tác khắc phục và động viên nhân dân xã Hải Định (Hải Lăng, Quảng Trị) sớm ổn định cuộc sống.

Tập trung bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị, trong những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã bị cơn bão số 6, số 7 và áp thấp nhiệt đới tràn vào tạo nên các đợt mưa lớn, kéo dài, gây ngập lụt trên diện rộng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gió mạnh, sóng lớn trên biển… làm thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng. Tính đến nay, 98/124 xã, phường, thị trấn của tỉnh bị ngập lụt, chia cắt. Toàn tỉnh có trên 61.000 hộ với gần 194.000 người bị ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt.

Tỉnh đã sơ tán 15.000 hộ với trên 49.000 người đến các địa điểm an toàn. Tuy nhiên, tỉnh vẫn có 50 người chết, 4 người mất tích, 25 người bị thương do lũ lụt. Tỉnh có gần 1.400 ha ao, hồ nuôi thủy sản, hơn 2.500 ha rau màu bị ngập lụt, không cho thu hoạch; trên 553.000 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Các tuyến Quốc lộ 15D, 9D, 49C, 9, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và các đường liên tỉnh bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng…

Trước những hậu quả nghiêm trọng do thiên tai mang lại, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, tỉnh Quảng Trị là nơi ảnh hưởng và chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và những người tử nạn do thiên tai, đồng thời chia sẻ với những lo âu và nỗi đau của gia đình có người còn bị mất tích.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Thường trực Chính phủ đã họp và thống nhất giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xuất cấp cho mỗi tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng do lũ lụt 1.000 tấn gạo, cùng thuốc chữa bệnh, hóa chất khử trùng, tạm cấp cho các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn và an sinh xã hội. Bộ Quốc phòng cũng đã cấp 22 tấn lương khô cho các tỉnh miền Trung bị lũ lụt.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cấp bổ sung 40 tỷ đồng để hỗ trợ hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị, mỗi huyện 20 tỷ đồng để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo, dành nguồn lực khẩn trương khôi phục sản xuất, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường, đặc biệt là việc khẩn trương, khôi phục trường lớp học, trạm y tế, chăm lo đến các đối tượng chính sách, gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

“Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là tập trung bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, ổn định đời sống, không được để dân đói, dân rét, không có chỗ ở. Tuyệt đối không được để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và cơn bão số 8 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Quảng Trị tiếp tục theo dõi sát tình hình và dự báo thời tiết, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với các phương án sẵn sàng hơn, chủ động hơn, tuyệt đối không được chủ quan.

Tỉnh cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống thiên tai, quán triệt phương châm “phòng hơn chống”, “4 tại chỗ”, “địa phương và người dân là chính”; vận hành các hồ đập thủy lợi, thủy điện an toàn, đúng quy trình...

Khẩn trương ứng phó bão số 8

Cùng ngày, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Huyện Lệ Thủy có thời điểm ngập sâu cao nhất 4,88m vượt tất cả các đỉnh lũ trước đây đã khiến 26 xã, thị trấn trên toàn huyện bị ngập trong đó 32.000 hộ ngập sâu. Toàn bộ lực lượng đã hỗ trợ giúp dân sơ tán từ chỗ thấp lên cao (cao điểm di dời 1.600 hộ dân).

Đến ngày 22/10, nước trên địa bàn Lệ Thủy đang rút nhanh nhưng vẫn còn 1 nghìn hộ dân đang ngập, 11 nhà dân bị sập hoàn toàn. Hiện tại, UBND huyện Lệ Thủy đã thành lập 2 điểm cứu trợ và toàn bộ dân bị lũ cô lập đã nhận được lương thực, thực phẩm, nước uống. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục nỗ lực vận chuyển hàng cứu trợ về cho nhân dân…

Ngay sau khi nghe xong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đây là đợt mưa lũ lịch sử nhưng chính quyền địa phương, các đơn vị vũ trang đã vào cuộc rất kịp thời, quyết liệt, giảm được thiệt hại về tính mạng của nhân dân. Cùng với đó, nhân dân cả nước cũng đã nhanh chóng chung tay với đồng bào miền Trung, trong đó có Lệ Thủy.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc cấp thiết hiện nay là tập trung lực lượng cứu trợ, không để dân thiếu ăn, thiếu nước uống. Tổ chức tiếp nhận cứu trợ có căn cơ vừa đảm bảo đến tay người dân, an toàn cho người đi cứu trợ, nhanh chóng có kế hoạch khắc phục, giúp dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Đồng thời khẩn trương chuẩn bị các biện pháp ứng phó với cơn bão số 8.

Bùi Mến

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/khac-phuc-hau-qua-bao-lu-som-dua-cuoc-song-nguoi-dan-tro-lai-binh-thuong-551666.html