Khắc phục ô nhiễm bom, mìn ở đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn

Theo các cơ quan chức năng, mức độ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn rất nghiêm trọng. Công tác khắc phục hậu quả ô nhiễm được các cơ quan, đơn vị, lực lượng công binh thuộc Quân khu 9 triển khai thường xuyên và đạt hiệu quả tích cực, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Theo báo cáo của Quân khu 9, từ năm 2013 đến tháng 5-2018, các cơ quan, đơn vị, lực lượng công binh thuộc Quân khu đã tổ chức thu gom, xử lý hủy nổ hơn 193,4 tấn bom, mìn, vật nổ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, số lượng bom, mìn, vật nổ được phát hiện, thu gom nhiều tập trung ở các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp. Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đều bị ảnh hưởng bởi bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, chiếm gần 30% diện tích ĐBSCL bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Các tỉnh có diện tích bị ô nhiễm bom, mìn lớn là: Cà Mau (419.330ha), Sóc Trăng (199.418ha), An Giang (139.412ha), Kiên Giang (105.575ha), Bến Tre (84.778ha), Đồng tháp (76.517ha), Trà Vinh (71.945ha)…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác khắc phục ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh trên địa bàn, bảo đảm an toàn cho nhân dân, vừa qua Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Tư lệnh Quân khu 9 đã có chỉ thị phân công nhiệm vụ, quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, lực lượng công binh thuộc Quân khu 9 đều xác định đây là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, thường xuyên, vừa mang tính lâu dài nên chủ động khảo sát địa hình, xây dựng kế hoạch, thống nhất biện pháp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong tổ chức thực hiện.

Đại tá Đậu Đức Phượng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9, cho biết: "Theo thời gian, bom, mìn, vật nổ chịu sự tác động lớn của môi trường; tính chất lý, hóa cũng thay đổi, mức độ độc hại, nguy cơ mất an toàn luôn ở mức cao. Trước tình hình đó, theo định kỳ hai năm, lữ đoàn đều tham mưu cho Bộ tư lệnh Quân khu 9 phối hợp với các nhà trường, viện nghiên cứu trong quân đội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ, bản lĩnh cho cán bộ, chiến sĩ".

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, lực lượng công binh ở địa phương hiện đang rất cần có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại. Đại tá Đậu Đức Phượng cho biết: "Có trường hợp, qua xác nhận của người dân, chúng tôi biết rõ khu vực có bom, mìn, vật nổ nhưng xác định vị trí chính xác để thu gom thì rất khó do vật thể nằm quá sâu trong lòng đất mà thiết bị hiện có không thể phát hiện được".

Danh Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khac-phuc-o-nhiem-bom-min-o-dong-bang-song-cuu-long-gap-nhieu-kho-khan/