Khắc phục tình trạng 'cất ngăn kéo' các kết quả nghiên cứu

Trong phiên họp sáng nay (13/9), UBTV Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Chu Ngọc Anh trình bày Tờ trình dự án Luật chuyển giao công nghệ

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật mới chỉ sửa đổi, bổ sung liên quan đến 16 điều trên tổng số 61 điều của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006. Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng nên sửa đổi toàn diện Luật thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung 16 điều như dự thảo.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần phải sửa đổi toàn diện Luật chuyển giao công nghệ đồng thời việc sửa đổi phải giải quyết được những bất cập nêu ra trong tờ trình, mục tiêu để vừa kiểm soát được công nghệ vừa tạo môi trường thông thoáng để phát triển thị trường chuyển giao công nghệ.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, với tình trạng công nghệ trong nước như hiện nay và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều là chưa thể đáp ứng được. Do đó các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, sửa đổi một cách toàn diện các quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006.

Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, để khắc phục tình trạng “cất ngăn kéo” các kết quả nghiên cứu, dự thảo Luật cần bổ sung quy định khuyến khích, hỗ trợ, bắt buộc nhằm đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước vào thực tiễn sản xuất, chú trọng chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật chuyển giao công nghệ

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận, UBTV Quốc hội thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 với phạm vi sửa đổi toàn diện và tên gọi là Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), giao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp để hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại hai kỳ họp.

Nội dung của dự thảo luật phải cụ thể hóa nghị quyết Trung ương về khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ trong chuyển giao công nghệ, các quy định về khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao công nghệ đồng thời bảo đảm quy luật thị trường và phát triển thị trường chuyển giao công nghệ.

*Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 3, chiều 13/9, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của UBTV Quốc hội quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm. Nghị quyết này sẽ thay thế cho Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, với tính chất là một văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và có giá trị pháp lý lâu dài, ổn định thì Nghị quyết cần quy định việc quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ là một trong những căn cứ để phân bổ ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, do trước mắt chưa triển khai được rộng rãi phương thức này nên để quy định có tính khả thi, đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế quy định theo hướng áp dụng phù hợp với tình hình thực tế và có lộ trình áp dụng ở các cơ quan có liên quan.

Về sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước trong việc lập, xây dựng các báo cáo do Chính phủ trình, dự thảo cần thể hiện rõ hơn về quyền và trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước trong việc tham dự các cuộc họp có liên quan về tài chính ngân sách của Bộ Tài chính, Chính phủ.

Về nội dung thẩm tra, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các nội dung nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách Nhà nước, chế độ chi ngân sách quan trọng và các điều có liên quan đến việc cho ý kiến, xem xét, quyết định của UBTV Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, các thành viên của UBTV Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự thảo Nghị quyết cần làm rõ, có sự đồng nhất với các quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật đầu tư công, Luật tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội… và một số văn bản pháp luật có liên quan khác.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần bảo đảm việc ban hành Nghị quyết bao quát hết các tổ chức, cá nhân tham gia lập, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước; xác định được căn cứ, nội dung, thẩm quyền trong việc thẩm tra, quyết định, phân bổ, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước…

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/khac-phuc-tinh-trang-cat-ngan-keo-cac-ket-qua-nghien-cuu/