Khắc phục tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) diễn ra hết sức phức tạp. Sạt lở không chỉ diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả trong mùa khô, với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực.

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) diễn ra hết sức phức tạp. Sạt lở không chỉ diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả trong mùa khô, với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực.

Sạt lở bất ngờ, khó dự báo

Chúng tôi có mặt tại ấp Phèn Ðen, thị trấn An Lạc Thôn (Sóc Trăng) chứng kiến nước sông gây sạt lở gần 80 m đường giao thông nông thôn và cây trồng do người dân trồng để giữ đất mé sông. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Dương Lương Tâm cho biết, mấy hôm trước chính quyền và ngành chức năng đến khảo sát các điểm có khả năng bị sạt lở nhưng không hề phát hiện có dấu hiệu bất thường. Rất may điểm sạt lở xảy ra ban đêm, cho nên không có thiệt hại về người. Còn tại ấp Phú Tây, xã An Mỹ, do sạt lở bờ sông Rạch Mộp, cả đoạn đường bê-tông dài hơn 30 m bị nước cuốn trôi làm ách tắc giao thông. Trước đó, đoạn sông Rạch Vọp, khu vực chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách cũng đã xảy ra sạt lở, khiến ba nhà chìm xuống sông. Ðiều đáng nói là tình trạng sạt lở bờ sông ở Sóc Trăng không chỉ xảy ra ở những nơi có nguy cơ cao mà còn xảy ra ở những nơi người dân ăn ở ổn định, từ trước đến nay chưa bao giờ bị đe dọa. Anh Trương Minh Ðại ở ấp Chợ, xã Trung Bình, huyện Trần Ðề cho biết, gia đình anh đã ở đây từ năm 1990. Ðây là lần đầu nhà bị sập, sạt lở.

Hiện gia đình anh và các hộ dân lân cận rất lo sợ, không dám ngủ trong nhà vì sợ tiếp tục bị sụp lún bất cứ lúc nào.

Tháng 8-2019, quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang) sạt lở, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân. Ðến ngày 27-5-2020, tuyến quốc lộ này tiếp tục sạt lở, khiến một phần ba mặt đường nhựa với chiều dài hơn 40 m sập xuống sông Hậu. Ngay sau đó, xuất hiện các vết răn nứt mới, UBND tỉnh An Giang phải ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ. Trong khi ngành chức năng lo ứng phó vụ sạt lở quốc lộ 91 thì tại khóm Hòa Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên lại xảy ra vết nứt đất với chiều dài 70 m dọc theo kênh Cái Sắn, làm 14 hộ dân phải khẩn cấp di dời.

Thực tế tại An Giang cho thấy, sạt lở bờ sông, kênh, rạch ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 25 điểm sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài sạt lở 900 m, ảnh hưởng 80 nhà của người dân sống trong khu vực. Nguyên nhân sạt lở bước đầu được xác định do diễn biến thời tiết bất thường, nạn khai thác cát lậu, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Công gây thiếu phù sa bồi lắng. Từ khảo sát cho thấy, có 52 đoạn sông, với tổng chiều dài 169.330 m gồm có sáu đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm; 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm, năm đoạn ở mức độ bình thường.

Tại xã biển Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), mấy năm nay sạt lở đã làm mất đất sản xuất, hư hỏng nhà cửa của người dân. Hiện khoảng 18,5 km bờ biển vẫn còn nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, nhất là tại khu vực Cồn Bửng, Cồn Lợi. Từ năm 2013 đến nay, sạt lở bờ biển đã xóa sổ hơn 110 ha đất sản xuất của người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải Nguyễn Thị Hoa cho biết, tỉnh đang triển khai hai dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở tại khu vực Cồn Bửng, chiều dài 860 m và khu vực Cồn Lợi, dài 1,7 km, tổng kinh phí hơn 120 tỷ đồng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có khoảng 112 điểm sạt lở bờ sông, tám điểm sạt lở bờ biển, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã phải ban bố về tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số khu vực trên địa bàn. Theo đó, Bến Tre có bốn khu vực bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 7.000 m bị sạt lở cần khẩn cấp xử lý. Cụ thể, sạt lở 1.200 m bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri); sạt lở 1.500 m khu vực Cồn Lợi, xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú); sạt lở 3.000 m khu vực xã Thừa Ðức (huyện Bình Ðại) và sạt lở 1.200 m bờ sông Bến Tre khu vực xã Nhơn Thạnh (TP Bến Tre).

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đã xảy ra ở toàn bộ 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực ÐBSCL, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là ở các tỉnh, thành phố An Giang, Ðồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang. Thời gian qua, nhiều địa phương đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở. Nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở đã được chỉ ra, trong đó, nghiêm trọng nhất là tác động từ các hồ chứa thượng nguồn đã và đang làm gia tăng các biến động bùn cát trên các tuyến sông và vùng ven biển, gây mất ổn định lòng, bờ sông và xâm thực bờ biển. Tình trạng khai thác cát quá mức trên các tuyến sông, ven biển đi kèm với gia tăng các phương tiện vận tải thủy cũng làm trầm trọng hơn quá trình cạn kiệt bùn cát và gia tăng nguy cơ sạt lở.

Khẩn trương tìm giải pháp ứng phó

Theo các chuyên gia, việc cần làm lúc này là các địa phương và cả vùng ÐBSCL cần chủ động trong công tác đánh giá tổng thể, rà soát, khảo sát lại các điểm sạt lở ở địa phương để có mức độ cảnh báo và ứng phó kịp thời. Ðẩy mạnh công tác dự báo để người dân chủ động ứng phó, kiên quyết xử lý, ngăn chặn các công trình vi phạm, lấn chiếm lòng sông...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, hiện nay tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú còn khoảng 2.500 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở dọc theo quốc lộ 91. Do vậy, cần giải quyết triệt để nguyên nhân gây sạt lở để ổn định lâu dài. Tỉnh đã đề xuất T.Ư cho chủ trương để An Giang thực hiện xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ. Khu vực chỉnh trị có chiều dài khoảng 3 km, sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng lòng sông bị thắt hẹp, giảm áp lực dòng chảy gây xói lở bờ. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang Võ Hùng Dũng, việc khắc phục sạt lở hiện nay mang tính cấp thiết trước mắt, cho nên tốn chi phí rất cao và không có ý nghĩa lâu dài. Do đó Sở kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đề xuất giải pháp về giao thông, xây dựng trên khu vực bờ sông, kênh, rạch và khu vực cảnh báo sạt lở; không để phát sinh cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép. Riêng đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở, chủ động áp dụng các giải pháp ngăn ngừa hạn chế sạt lở như giảm tải trọng đường bờ (cấm hoặc giảm tải phương tiện giao thông, tháo dỡ nhà hoặc kho bãi có tải trọng lớn ven bờ…), thả rọ đá, bao cát bằng vải địa kỹ thuật hoặc các loại bó cây tre hoặc nhánh cây làm đổi hướng và giảm lực dòng chảy…

Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết: Ngay từ đầu mùa mưa 2020, tỉnh đã củng cố Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai các địa phương để ứng trực và khảo sát thống kê các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở. Ðồng thời tuyên truyền vận động người dân sống gần khu vực bờ sông cảnh giác nguy cơ xảy ra sạt lở. Ở những nơi thường xuyên xảy ra sạt lở, tỉnh khẩn trương xây dựng các công trình bờ kè, gia cố các tuyến đê xung yếu. Khi nhận được tin có xảy ra sạt lở, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh khẩn trương xuống địa bàn phối hợp địa phương khắc phục, gia cố tuyến đê sạt lở và hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Chúng tôi đang phối hợp với các ngành chức năng và địa phương khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân làm xói mòn lòng sông, nhằm khắc phục triệt để sạt lở. Tỉnh cũng kiến nghị T.Ư xem xét đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cống điều tiết nước. Nếu hệ thống cống trên địa bàn Sóc Trăng được đầu tư khép kín, không chỉ kiểm soát tốt xâm nhập mặn mà còn chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông. Ngoài ra, Sóc Trăng đang tập trung triển khai hai giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển. Tại những khu vực sạt lở bờ sông gần với các công trình, trụ sở hoặc có đông dân cư sinh sống thì triển khai xây dựng bờ kè kiên cố để giữ đất, còn những khu vực khác sẽ áp dụng giải pháp gia cố bờ bao, kè mềm hạn chế sạt lở.

Bài, ảnh: NGỌC PHONG và TRUNG DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/khac-phuc-tinh-trang-sat-lo-o-dong-bang-song-cuu-long-613974/