Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Năm học 2020 - 2021, bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học tại nhiều địa phương vẫn chưa được khắc phục. Điều đó đặt ra cho ngành giáo dục và các địa phương cần có những giải pháp mang tính lâu dài, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy và học.

Năm học 2020 - 2021, bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học tại nhiều địa phương vẫn chưa được khắc phục. Điều đó đặt ra cho ngành giáo dục và các địa phương cần có những giải pháp mang tính lâu dài, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy và học.

Bất cập tình trạng thiếu giáo viên

Theo Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD và ĐT) Hoàng Đức Minh, tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm ở các cấp học phổ thông. Tính đến tháng 10-2019, cả nước thiếu hơn 45 nghìn giáo viên mầm non, hơn 18 nghìn giáo viên tiểu học, hơn 11 nghìn giáo viên THCS và hơn 10 nghìn giáo viên THPT. Điển hình như tỉnh Nghệ An thiếu gần năm nghìn giáo viên mầm non, Quảng Ninh thiếu hơn một nghìn giáo viên THCS... Nguyên nhân là do việc biến động về quy mô, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp. Mặt khác, ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GD và ĐT, phòng GD và ĐT nhưng lại không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên cho nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng thừa - thiếu, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.

Năm học 2019 - 2020, tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 230 nghìn học sinh với hơn 13.500 giáo viên ở các bậc học. Toàn tỉnh thiếu khoảng 2.700 giáo viên, trong đó tiểu học thiếu khoảng hơn 600 giáo viên, mầm non thiếu khoảng hơn hai nghìn giáo viên. Cô giáo Nguyễn Thị Dàng, Trường mầm non Đồng Văn, huyện Yên Lạc cho biết, theo định biên của Bộ GD và ĐT, những lớp mẫu giáo có 30 đến 35 trẻ có 2,2 giáo viên/lớp. Nhưng thực tế tại Trường mầm non Đồng Văn chỉ có 1,1 giáo viên/lớp. Hiện tại, trường đang thiếu 20 giáo viên theo định biên. Thiếu phòng học cộng với thiếu giáo viên đứng lớp đang là những khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ. “Nếu không được bổ sung, việc bố trí giáo viên đứng lớp của trường sẽ rất khó khăn. Chưa nói đến chất lượng giáo dục, vấn đề an toàn cho trẻ trên lớp đã là áp lực lớn” - cô giáo Dàng chia sẻ.

Phó Trưởng phòng GD và ĐT huyện Yên Lạc Trần Minh Tuấn cho biết: Năm học 2019 - 2020, toàn huyện Yên Lạc có hơn 34 nghìn học sinh mầm non, tiểu học và THCS. Để bảo đảm công tác dạy và học, ngành giáo dục huyện Yên Lạc cần bổ sung hơn 200 giáo viên văn hóa và giáo viên bộ môn. Tình trạng thiếu giáo viên ở huyện Yên Lạc cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương khác ở tỉnh Vĩnh Phúc. Nguyên nhân là do nhiều năm qua, biên chế sự nghiệp của tỉnh được giao giữ ổn định, không có sự thay đổi. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc không giao tăng biên chế hằng năm và được tính theo định mức. Vì vậy, trong giai đoạn này, biên chế giáo viên mầm non của tỉnh chỉ đáp ứng được 70% định mức quy định, giáo viên tiểu học chỉ đáp ứng được 85% đến 90% định mức quy định. Trong khi đó, số trẻ đến lớp ngày càng tăng, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị…

Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh Nghệ An thiếu hơn 4.200 giáo viên các cấp học. Trong đó, tiểu học thiếu khoảng 1.400 người. Thực tế số giáo viên tiểu học ở Nghệ An mới đạt bình quân hơn 1,2 giáo viên/lớp so với quy định là 1,5 giáo viên/lớp. Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho biết: Năm 2019 - 2020, số học sinh lớp 1 toàn tỉnh Nghệ An là hơn 74 nghìn em, tăng thêm gần 15 nghìn em so với năm học trước. Trong khi đó, định mức giáo viên tiểu học mới được giao hơn 1,2 giáo viên/lớp cho nên các trường vừa phải tăng số lớp vừa tăng sĩ số học sinh vượt quá quy định. Đáng chú ý, do thiếu giáo viên và tỷ lệ học sinh/lớp đông cho nên nhiều trường trong tỉnh, nhất là TP Vinh thiếu phòng học, buộc phải bố trí nghỉ luân phiên các ngày trong tuần để bảo đảm học hai buổi/ngày. Đây cũng là một trong nguyên nhân chính, khiến nhiều trường mất chuẩn.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Sở GD và ĐT Nghệ An đã chủ động làm việc với Sở Nội vụ và thống nhất từ năm 2020 - 2021 sẽ tăng định mức giáo viên cho giáo dục tiểu học để đạt tỷ lệ 1,4 giáo viên/lớp, và tăng dần các năm sau đó; phấn đấu ba năm sau sẽ bố trí đủ định mức 1,5 giáo viên/lớp theo quy định. Trong lúc thiếu giáo viên, UBND tỉnh Nghệ An cấp kinh phí để các trường ký hợp đồng với giáo viên dạy những môn thiếu, nhất là tin học, ngoại ngữ… Theo đó, sẽ ưu tiên bố trí đủ 1,5 giáo viên/lớp và đủ phòng học hai buổi/ngày cho khối 1; các khối khác sẽ bố trí giáo viên theo tình hình thực tế. Còn tỉnh Vĩnh Phúc đã khẩn trương hoàn thành sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm tận dụng số giáo viên thừa, thiếu cục bộ giữa các huyện, thành phố và giữa các trường. Đồng thời giảm đầu lớp, tăng sĩ số học sinh ở một số trường thiếu giáo viên đứng lớp, biệt phái giáo viên THPT về các trường THCS.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền và tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế đối với những địa phương thiếu giáo viên theo định mức. Các địa phương không tinh giản biên chế đối với giáo viên mầm non trong ba năm học (giai đoạn 2019 - 2021) để có đủ giáo viên tối thiểu giảng dạy trong bối cảnh cấp học này đang thiếu nhiều giáo viên. Với những địa phương chưa thể bố trí đủ biên chế giáo viên theo định mức quy định, trước mắt cho phép thực hiện hợp đồng lao động giáo viên trong các trường hợp cụ thể. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục cơ cấu, sắp xếp các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hợp lý, bảo đảm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới. Các địa phương vừa được giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non cần tuyển dụng hết số biên chế được giao. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo, nhất là những “điểm nóng” về thừa, thiếu giáo viên nhằm bảo đảm nguyên tắc có học sinh thì phải có giáo viên dạy học.

TUẤN THÀNH và ĐỨC QUỲNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/43300302-khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien.html