Khắc phục tình trạng vi phạm kỷ luật phát ngôn

Trong bất kỳ tổ chức, môi trường xã hội nào, để có trật tự trong giao tiếp, trao đổi thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước, cơ quan, đơn vị… nhằm tạo ra sự thống nhất về nhận thức và hành động, người ta thường xây dựng quy định về kỷ luật phát ngôn.

Cha ông ta đã dạy, để làm người tử tế thì phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, hay “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”… Đó đều là những điều nhắc nhở về kỷ luật phát ngôn ngay trong các mối quan hệ xã hội. Trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị càng không thể thiếu quy định về kỷ luật phát ngôn. Chẳng hạn, là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thì kỷ luật phát ngôn được quy định trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; là cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang thì được quy định trong Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân; là công nhân thì có quy định của doanh nghiệp; là người dân bình thường thì có quy ước, hương ước, có những quy phạm đạo đức cả thành văn và không thành văn, có cả những câu tục ngữ, thành ngữ… để điều chỉnh việc phát ngôn.

Đặc biệt, khi là đảng viên, ngoài các quy định của Nhà nước thì kỷ luật phát ngôn còn được nêu lên ở nhiều văn bản, chung quy nhất là đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết của Đảng. Mới đây nhất, ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Trong Quy định này, kỷ luật nói, viết được quy định ở khá nhiều điều như Điều 1, Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6… Như vậy, có thể thấy dù ở môi trường nào, tổ chức nào cũng có những quy định về nói, viết, tức là mọi người đều phải phát ngôn có kỷ luật, đúng kỷ luật.

Quy định không thiếu nhưng thực tế hiện nay tình trạng phát ngôn vô tổ chức, vô kỷ luật lại không hiếm, dư luận thường hay gọi tình trạng này bằng khái niệm “chém gió”. Tình trạng “chém gió” diễn ra khá phổ biến, đó là việc túm năm, tụm ba tán chuyện gẫu, nói đủ thứ chuyện, từ chuyện vợ chồng, con cái, cháu chắt; chuyện cơ quan, đơn vị; chuyện làng, xã; chuyện về ông này, bà kia; chuyện quốc gia, quốc tế… và không phải chuyện gì cũng nghiêm túc, nhiều khi họ nói bừa, đưa ra những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc không thể kiểm chứng. Thậm chí có người chỉ nói chuyện tiêu cực, nhìn xã hội toàn màu xám, phủ nhận hết thành quả cách mạng mà cả nước và từng địa phương đạt được…

Điều đáng phê phán là có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hiện đang làm việc ở các cơ quan trong hệ thống chính trị cũng tham gia “chém gió”. Thực chất đây là những người thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, làm việc kém hiệu quả hoặc tiêu cực, bất mãn… nên hay ngồi chơi nói chuyện phiếm, ca thán, khích bác, “đâm bị thóc chọc bị gạo”. Một số cán bộ về hưu cũng tham gia, đặc biệt hay bình luận về chuyện này, chuyện kia khi chưa có đủ thông tin, thường đưa ra ý kiến chủ quan, phiến diện. Điều này thực chất là một trong những biểu hiện suy thoái mà Đảng ta đã chỉ ra, đó là trong cuộc họp nói khác, ngoài cuộc họp nói khác; trong cuộc họp không nói, ra ngoài mới nói; khi làm việc nói khác, khi về hưu nói khác…

Để khắc phục tình trạng vi phạm kỷ luật phát ngôn rất cần sự vào cuộc tích cực của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trước hết cần nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật, đặc biệt là siết chặt kỷ luật phát ngôn của đảng viên, đoàn viên, hội viên. Yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nói và làm theo nghị quyết của Đảng, kiên quyết không a dua, không hùa theo những luận điệu xấu, những thông tin chưa được kiểm chứng. Trong sinh hoạt chi bộ, chi ủy cần thường xuyên nhắc nhở đảng viên giữ gìn kỷ luật phát ngôn, đồng thời yêu cầu đảng viên tích cực nhắc nhở, phản bác lại mỗi khi bắt gặp ý kiến không đúng, thiếu tinh thần xây dựng. Nhắc nhở mỗi người cần bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin và tham gia bình luận; hạn chế tình trạng lấy “câu chuyện làm quà” dẫn đến có những phát ngôn chưa chính xác, không có lợi cho cách mạng, thậm chí vô tình lại hùa theo, cổ súy cho những kẻ bất mãn, tiêu cực, phản động. Mỗi người cần xây dựng cho mình một “bộ lọc” trước những vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống…

Việc phát ngôn của mỗi người là yếu tố văn hóa, chấp hành kỷ luật phát ngôn là lối sống có văn hóa. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gồm nhiều nội dung, trong đó chấp hành kỷ luật phát ngôn cũng là một nội dung quan trọng. Thiết nghĩ cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm đầy đủ đến vấn đề này.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360279-khac-phuc-tinh-trang-vi-pham-ky-luat-phat-ngon