Khắc phục tồn tại trên tuyến đường gom cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cải tạo và mở rộng cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ dài 29km theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư ban đầu 6.731 tỷ đồng.

Phương tiện lưu thông qua trạm thu phí BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Phương tiện lưu thông qua trạm thu phí BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ vừa cho biết, dự án đầu tư nâng cấp cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức BOT (giai đoạn 2) đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, dự án vẫn còn một số tồn tại trên tuyến, đó là một số điểm chưa thi công được đường gom do thiếu mặt bằng và cùng với đó, nhiều hầm chui dân sinh chưa có điện chiếu sáng và bị ngập nước.

Lý giải về những tồn tại này, đại diện Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ cho hay, tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ được đưa vào khai thác từ đầu năm 2002.

Toàn tuyến có 54 hầm chui dân sinh, nhưng do sự phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương, các tuyến đường kết nối với các hầm chui dân sinh hầu hết được nâng lên dẫn tới cao độ đáy của một số hầm chui (20/54 hầm) bị thấp hơn so với mặt đường. Đây là nguyên nhân chính gây đọng nước trong các hầm chui dân sinh.

Để khắc phục vấn đề này, đơn vị tư vấn thiết kế đã thiết kế bổ sung hệ thống thoát nước hầm chui dân sinh và các nhà thầu đang triển khai thi công hệ thống thoát nước này.

Về phản ánh hệ thống diện chiếu sáng các hầm chui dân sinh không có, ông Vũ Đức Nhận, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ cho hay, đến tháng 4/2018, nhà thầu thi công đã thi công cơ bản hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng trong các hầm chui dân sinh.

Tuy nhiên, các vật tư, thiết bị chiếu sáng trong các hầm chui này đã bị mất trộm khá nhiều. Nhà đầu tư đã có văn bản báo cáo địa phương về vấn đề này.

Hiện nay, nhà đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu thi công, tư vấn giám sát khôi phục lại hạng mục chiếu sáng cho các hầm chui dân sinh trên tuyến để phục vụ người dân đi lại được an toàn.

Dự kiến 30/8/2019 sẽ hoàn thiện và bàn giao cho đơn vị quản lý.

Về các tồn tại của đường gom trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, ông Vũ Đức Nhận cho biết, hiện tại hệ thống đường gom của trên tuyến tại các vị trí có mặt bằng đã được các nhà thầu thi công xong.

Tuy nhiên, còn một số điểm chưa thi công được đường gom do thiếu mặt bằng, đặc biệt là điểm mở chợ đầu mối Liên Phương (còn vướng mặt bằng 2 hộ dân).

“Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản cho phép nhà đầu tư tạm thời khoanh vùng các vị trí chưa giải phóng mặt bằng và dừng thi công để triển khai thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán dự án. Sau khi Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại, nhà đầu tư sẽ chỉ đạo nhà thầu tổ chức thi công hoàn thiện toàn bộ dự án” - ông Vũ Đức Nhận cho hay.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời kiến nghị của cư tri Hà Nội về phản ánh hầm cầu chui cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ thường xuyên bị ngập nước.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo nhà đầu tư khẩn trương xử lý 20/54 hầm chui dân sinh có cao độ thấp hơn so với đường gom hai bên; yêu cầu có giải pháp thoát nước cho các hầm chui này đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân và các phương tiện giao thông.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Nam của Hà Nội, có lưu lượng phương tiện lớn hàng ngày nên thường ùn tắc giao thông.

Để giải quyết ùn tắc và nâng cao chất lượng mặt đường, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Dự án cải tạo và mở rộng cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ dài 29 km theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu 6.731 tỷ đồng.

Theo đó, giai đoạn 1 nâng cấp mặt đường có tổng vốn đầu tư 1.973 tỷ đồng, đã hoàn thành năm 2016.

Giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 4.757 tỷ đồng, bao gồm mở rộng cao tốc từ 4 lên 6 làn xe, chiều rộng nền đường 33,5m, đến nay giai đoạn 2 của dự án cũng đã cơ bản hoàn thành trên tuyến chính./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khac-phuc-ton-tai-tren-tuyen-duong-gom-cao-toc-phap-vancau-gie/586486.vnp