Khắc sâu tinh thần đoàn kết

Ngày 10 tháng Ba âm lịch, những người con Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc và trên khắp thế giới lại hướng về ngày giỗ Tổ, tri ân công đức tổ tiên, các bậc Vua Hùng đã có công khai mở cơ đồ, dựng xây đất nước.

Cũng chính những ngày này, mỗi người lại càng thấm sâu hơn truyền thống của dân tộc, nhớ ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh của đoàn kết, của tinh thần, ý chí người Việt trong hiện thực khát vọng phát triển.

"Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba". Hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ, tưởng nhớ và tôn vinh công lao các Vua Hùng không chỉ là một ứng xử văn hóa mà còn là đạo lý của mỗi người dân đất Việt. Bởi nhìn lại để đi tới, hướng về cội nguồn, nhìn lại quá khứ hào hùng hôm qua không chỉ để hoài niệm, mà còn để phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Như các tư liệu lịch sử đã ghi lại, ngay tại cửa đền Giếng trước thềm cuộc tiến quân trở lại giải phóng Thủ đô, tháng 9/1954, khi gặp gỡ với Đại đoàn quân Tiên phong, Bác Hồ đã căn dặn các cán bộ, chiến sĩ đang chuẩn bị trở về miền xuôi: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Làm theo lời Bác, 70 năm qua tính từ thời điểm ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã vượt qua bao thử thách cam go, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Trong thời kỳ đổi mới, tinh thần đại đoàn kết - sức mạnh vô địch của dân tộc tiếp tục là nguồn lực để viết nên những thành quả đáng tự hào về kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn giữ ở mức rất cao, điển hình như năm 2023, dù nhưng khó khăn do tác động của đại dịch chưa hết, cộng với tác động khách quan, tăng trưởng GDP vẫn đạt trên 5% - thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực, tạo đà cho hầu hết các lĩnh vực khác bứt phá. Hàng loạt công trình tầm cỡ liên tục được khởi công hoặc về đích đã mang lại diện mạo đất nước ngày càng hiện đại, văn minh.

Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo... liên tục được cải thiện mạnh mẽ. Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế; là nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Nhớ về cội nguồn trong ngày giỗ Tổ, hướng tới tương lai, cả nước đang tiếp tục các giải pháp đột phá để thực hiện những mục tiêu cao hơn trong phát triển và hội nhập. Vị thế trên trường quốc tế; bản lĩnh, sự đổi mới, sáng tạo để vượt khó khăn đang là những tiền đề quan trọng để chúng ta hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Không chỉ người dân Việt trên mảnh đất hình chữ S mà cả đồng bào ta ở nước ngoài cũng luôn hướng về quê hương với những việc làm cụ thể, trên tinh thần hòa hợp dân tộc, cùng nhau vun đắp để thúc đẩy sự đi lên của đất nước ở các lĩnh vực. Dẫu còn không ít những khó khăn trước những thách thức mới, nhưng tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống, sự đồng lòng và ý chí, khát vọng phát triển, sẽ tiếp tục tạo thêm nguồn lực cả về vật chất, tinh thần, nhân lên sức mạnh nội sinh; khơi dậy động lực sáng tạo toàn dân trên cơ sở khoa học của thành tựu đã có, để đón nhận thời cơ, vận hội mới.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khac-sau-tinh-thandoan-ket.html