'Khách đi tàu chỉ nằm hành lang vào buổi tối'

Đó là ý kiến của lãnh đạo ngành đường sắt khi nói về hiện tượng nhồi nhét, khách ngủ vật vờ hành lang… trên tàu trong dịp cao điểm Tết.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng hai bài “Ai kiểm tra việc nhồi nhét khách trên tàu hỏa?” “Rùng mình với chuyến tàu đầu năm mới” đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. Theo đó, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội.

Tại đây, bà Hà cho hay: “Dịp Tết vừa qua do lượng hành khách có nhu cầu đi lại bằng tàu tăng cao, vượt quá khả năng đáp ứng bình thường. Nên ngành bán thêm ghế phụ để phục vụ tốt nhất trong khả năng có thể của ngành đường sắt hiện nay…”.

Bán ghế phụ theo quy định

. Phóng viên: Cơ sở pháp lý nào ngành đường sắt bán ghế phụ và bà giải thích như thế nào tình trạng hành khách nằm la liệt trên các toa tàu, có nhiều người phải ngồi cạnh nhà vệ sinh, dọc hành lang…?

Phùng Thị Lý Hà

+ Bà Phùng Thị Lý Hà: Chúng tôi bán ghế phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Thông tư 09/2018 của Bộ GTVT hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt năm 2017. Trong đó quy định vào các dịp cao điểm lễ, Tết, hè được phép sắp xếp thêm ghế phụ và chuyển đổi giường nằm thành ghế...

Tuy nhiên, trong quá trình đi tàu, đặc biệt vào ban đêm, sau khi ngồi cả hành trình dài, hành khách mua vé ghế phụ đã ngả lưng dọc hành lang, các vị trí trống. Hơn nữa, việc nằm tại hành lang chỉ xảy ra vào ban đêm, khi lượng hành khách đi lại ít. Còn ban ngày, nhân viên vẫn nhắc nhở khách ngồi đúng chỗ.

. Nhưng thưa bà, bạn đọc Pháp Luật TP.HCM ghi nhận cảnh chật chội một số toa tàu là do nhân viên cố tình đưa hành khách lên tàu để kiếm thêm thu nhập. Có tình trạng này không?

+ Bên cạnh việc giám sát vé lên tàu, chúng tôi thành lập 16 đoàn kiểm tra và tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất… Ngoài ra còn có các đoàn kiểm tra của các đơn vị trực tiếp quản lý tàu khách, các đoàn kiểm tra thường xuyên các cung chặng, như công an thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam…

Tuy nhiên, do khách đi tàu dịp Tết rất đông, mặt khác các ga dọc đường, thời gian tàu dừng đón, tiễn khách rất ngắn nên việc thực hiện chặt chẽ khâu soát vé có thể vẫn có hiện tượng nhân viên trên tàu để khách đi tàu chưa mua vé nhưng nếu có chỉ là rất hạn hữu.

Qua báo, chúng tôi cũng rất mong nhận được thông tin (ghi âm, hình ảnh, clip) của tổ chức, cá nhân về nhân viên trên tàu, dưới ga có biểu hiện tiêu cực; cho người lên tàu không vé nhằm kiếm thêm thu nhập để đưa ra hình thức xử lý chính xác.

Công việc của nhân viên phục vụ trên tàu khá vất vả, mệt nhọc nên chúng tôi bố trí mỗi toa xe đều có một buồng nghỉ dành cho nhân viên và không để hành khách sử dụng.

Hành khách vật vờ ngủ ngoài hành lang trong một chuyến tàu dịp cao điểm Tết. Ảnh: P.ĐIỀN

Hành khách vật vờ ngủ ngoài hành lang trong một chuyến tàu dịp cao điểm Tết. Ảnh: P.ĐIỀN

Gặp nhiều khó khăn trong dịp Tết

. Nhiều hành khách than phiền thời gian dừng nhiều hơn thời gian chạy… Thực tế thế nào, thưa bà?

+ Về biểu đồ chạy tàu và hành trình các đoàn chạy tàu trên mạng lưới đường sắt quốc gia được thực hiện theo quy định và được điều hành thống nhất của Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt quốc gia. Trong đó có quy định thứ tự ưu tiên đối với các mác tàu, không kể số lượng hành khách trên tàu để đảm bảo thực hiện biểu đồ chạy tàu theo kế hoạch.

Tuy nhiên, với mạng lưới chỉ có một đường đơn, nhiều cung đường khó khăn hiểm trở, tốc độ thấp… Đồng thời, dịp Tết 2019 riêng tuyến phía Nam ngành tổ chức chạy 21 đôi tàu/ngày đêm nên việc phải tránh vượt theo kế hoạch nhiều hơn ngày thường.

Ngoài ra, nếu có một đoàn tàu đỗ thêm thời gian để đón khách hoặc sự cố hoặc tai nạn cũng phải giải quyết tránh vượt ngoài biểu đồ khi hành trình dẫn đến “xô lệch biểu đồ chạy tàu”, ảnh hưởng hành trình của hàng loạt đoàn tàu trên cả tuyến.

. Hành khách cũng phản ánh toilet rất khủng khiếp. Đây là lỗi của nhân viên hay ngành?

+ Công ty đã ban hành quy trình vệ sinh trên tàu, quy định chi tiết việc vệ sinh từng khu vực trên toa, đặc biệt là nhà vệ sinh tại ga xuất phát, dọc đường, kết thúc hành trình. Như với toilet, cứ sau tối đa 40 phút/lần nhân viên phải dọn, làm vệ sinh và tích vào phiếu kiểm tra làm cơ sở giám sát…

Tuy nhiên, dịp Tết hành khách đông nên mật độ sử dụng nhà vệ sinh rất cao. Bên cạnh đó, nhiều hành khách ý thức chưa tốt trong khi nhân viên toa xe còn nhiều tác nghiệp khác phải làm như đón, tiễn khách, thay drap, gối... nên có lúc chưa thể liên tục làm vệ sinh sạch sẽ được.

Nhưng tôi cho rằng đây chỉ là những trường hợp cá biệt, vì theo đánh giá của hành khách đi trên nhiều đoàn tàu, chất lượng vệ sinh đã được cải thiện rất nhiều.

. Về suất ăn hiện nay, khách đánh giá vẫn quá nghèo nàn, chế biến không hấp dẫn, chưa phù hợp với đồng tiền bỏ ra... Thực tế thế nào?

+ Tất cả thực phẩm dùng trên các đoàn tàu đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bếp trưởng đều được đào tạo về nghiệp vụ chế biến, khám sức khỏe theo quy định.

Ngày thường lượng khách đi tàu không nhiều, việc phục vụ ăn uống thuận tiện hơn, còn dịp Tết việc phục vụ suất ăn gặp nhiều khó khăn hơn. Cụ thể, không gian bếp trên toa hạn chế, tủ bảo quản không thể lắp đặt nhiều, việc chế biến phải thực hiện sớm hơn và không thể chế biến nhiều món... Nên không thể tránh khỏi việc chưa phù hợp khẩu vị của từng người.

Hiện trên tất cả toa xe khách chúng tôi cũng lắp đặt bình đun nước sôi tự động, khoang rửa mặt, tay riêng biệt nên không phát khăn lạnh hay nước uống đóng chai.

. Xin cám ơn bà.

Bạn đọc nói về những chuyến tàu cao điểm Tết

“Tôi đi tàu hôm mùng 7 Tết, lịch trình tàu không đỗ ga Biên Hòa nên gọi xe lên Sài Gòn đón. Sau đó, nhân viên báo lại sẽ đỗ ga Biên Hòa, tôi lại gọi xe chạy về Biên Hòa nhưng cuối cùng tàu lại không đỗ ga Biên Hòa mà đỗ ở Sài Gòn. Tôi thấy phương tiện này không có gì thay đổi mà có chiều hướng đi xuống.” - bạn đọc tên Tựu.

“Kính gửi đường sắt! 23 năm nay tôi mới đi tàu, tôi mua vé khứ hồi Sài Gòn - Ninh Bình, chuyến ra thì đỡ, chuyến vào thì ngồi ghế phụ. Chị trưởng toa toàn cho khách không có vé được đi lên tàu. Đa phần phía ngoài hành lang đi lại quá tải. Đã thế lâu lâu lại có nhân viên đẩy xe bán hàng qua lại. Tàu chạy thì ồn, toilet thì hôi. Tóm lại chẳng chấm được điểm gì” - bạn đọc tên Thanh.

“Nói chung là cần phải thay máu ngành đường sắt ngay và luôn thì mới mong phát triển được loại hình phương tiện giao thông này. Quá tệ, quá lạc hậu, từ cơ sở vật chất đến tư duy con người” - bạn đọc Netlangthang.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/khach-di-tau-chi-nam-hanh-lang-vao-buoi-toi-817564.html