Khách du lịch giàu có Trung Quốc giảm chi tiêu, các hãng đồ xa xỉ sợ hãi

Vài tháng gần đây, giới điều hành đã bị ám ảnh bởi câu hỏi về những người tiêu dùng Trung Quốc giàu có, nhóm người mang lại đến 30% doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu trong năm 2017.

Khu mua sắm xa xỉ Ginza ở Tokyo - Ảnh: Bloomberg

Trong phần lớn thời gian của thập kỷ vừa qua, khách du lịch giàu có Trung Quốc không ngừng đổ xô đến các sòng bạc xa xỉ, du thuyền và mua sắm mạnh hàng hiệu. Thế nhưng giờ đây đang có rất nhiều hoài nghi về việc điều này sẽ kéo dài được bao nhiêu lâu.

Theo Bloomberg, từ khu mua sắm Ginza sang trọng tại Tokyo cho đến Hồng Kông, Macao và đại lộ Fifth Avenue ở New York, có nhiều dấu hiệu cho thấy xu thế trên đang thay đổi. Có nhiều nguyên nhân có thể kể đến, từ việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chính phủ Trung Quốc khuyến khích người dân trong nước chi tiêu và biến động của đồng tiền. Dù lý do là gì đi nữa, nó đang tạo ra nhiều mối lo lắng trên khắp toàn cầu.

Chủ tịch của Unity Marketing ở Lancaster, ông Pam Danziger, chỉ ra các thương hiệu xa xỉ đã phát triển và vươn tầm bên ngoài Trung Quốc, thế nhưng sự bùng nổ đó đã qua đi rồi, thế nhưng bạn chẳng thể đổ lỗi cho ai bởi đó là nơi dòng tiền dễ dãi đã tìm đến.

Vài tháng gần đây, giới điều hành đã bị ám ảnh bởi câu hỏi về những người tiêu dùng Trung Quốc giàu có, nhóm người mà theo Bain & Co là mang lại đến 30% doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu trong năm 2017, phần lớn bên ngoài biên giới Trung Quốc. Hãng mỹ phẩm xa xỉ của Pháp L’Oreal SA và LVMH đã cố gắng làm giảm những lo lắng, họ khẳng định rằng doanh số bán hàng cho khách du lịch vẫn ở mức tốt.

Trong khi đó hãng kinh doanh trang sức Tiffany & Co; Capri Holdings – chủ sở hữu thương hiệu Michael Kors và Jimmy Choo; Tapestry - công ty mẹ của Coach cho biết doanh số bán hàng cho khách du lịch tại nhiều thành phố trong đó có bao gồm New York hay Hồng Kông đã suy yếu.

Những nhà quản lý du thuyền cũng gặp khó khăn. Trong vài năm qua, họ đã đầu tư nhiều vào các tiện ích để phục vụ cho khách Trung Quốc để rồi giờ đây chuốc lấy thất vọng. Đầu năm 2017, hãng tàu Nauy Norwegian Cruise Line Holdings công bố con tàu mới có tên “đóng cho Trung Quốc” trong đó có nhiều phòng lớn phục vụ cho gia đình đông người. Thế nhưng cuối cùng nỗ lực trên chẳng mai lại hiệu quả, công ty đang phải chi ra 50 triệu USD để sửa tàu phục vụ cho những chuyến đi Alaska.

Nhà kinh doanh sòng bạc cũng đang cảm nhận rõ áp lực, đặc biệt tại Macao, trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới, nơi tập trung của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cờ bạc lớn bao gồm Las Vegas Sands Corp và MGM Resorts International. Khách Trung Quốc vẫn đổ xô đến đây, thông qua cây cầu mới xây dựng nối Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, thế nhưng những người từng chi tiêu mạnh tay vào sòng bạc giờ đây lại chẳng đến sòng bạc nữa.

Người Trung Quốc ngày một giàu có, vậy nên họ chi tiêu nhiều hơn vào hàng xa xỉ. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại muốn hoạt động mua hàng xa xỉ đó diễn ra trong nước. Chính phủ giảm thuế với hàng nhập khẩu để khuyến khích người dân mua hàng bán ở nội địa. Họ cũng mạnh tay siết chặt quản lý với nhóm những người chuyên kinh doanh hàng xách tay.

Những biện pháp này có thể đang phát huy tác dụng bởi xét đến nhiều công ty như Capri cho biết hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đang vẫn tăng trưởng thế nhưng lại chật vật ở Nhật và Hàn Quốc bởi khách du lịch Trung Quốc vắng đi. Người Trung Quốc bao nhiêu lâu nay vốn rất cân nhắc về biến động tỷ giá và thuế để quyết định sẽ mua hàng ở đâu.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/khach-du-lich-giau-co-trung-quoc-giam-chi-tieu-cac-hang-do-xa-xi-so-hai-3496701.html