Khách du lịch trải nghiệm hái rau vụ đông ở Lâm Bình

Vụ đông năm nay, Lâm Bình gieo trồng 90 ha rau màu các loại, ngoài cung cấp cho thị trường còn phục vụ du lịch homestay, thu nhập tăng cao.

Vụ đông năm 2019, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) gieo trồng trên 90 ha rau màu các loại như: cải xanh, cải bắp, đỗ xanh, dưa chuột, rau bí… Ngoài đáp ứng nhu cầu gia đình, còn là nguồn thực phẩm cho các nhà hàng; khách du lịch homestay và trải nghiệm hái rau sạch tại vườn.

Bà Nguyễn Thị Lầm, xã Lăng Can thu hái rau vụ đông.

Bà Nguyễn Thị Lầm, xã Lăng Can thu hái rau vụ đông.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lâm Bình, trước đây người dân Lâm Bình chưa biết làm vụ đông, thời gian nhàn rỗi, thường đi rừng kiếm củi, hái rau rừng làm thức ăn trong ngày.

Từ chủ trương của tỉnh, xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, UBND huyện Lâm Bình tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân sản xuất vụ động theo hướng chuyên canh, hình thành các vùng sản xuất rau màu, rau đặc sản tập trung, phù hợp với thế mạnh của từng xã.

Các loại rau sản xuất trong vụ đông, ngoài phục vụ nhu cầu của gia đình, còn là nguồn thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng, khách du lịch homestay và trải nghiệm hái rau sạch tại vườn, ruộng.

Gia đình chị Quàng Thị Xuân, thôn Nà Mèn, xã Lăng Can, có 3 năm kinh nghiệm trồng rau vụ đông trên đất 2 vụ lúa, chia sẻ, với 700 m2 đất, chị trồng bắp cải, rau cải xanh, rau thơm, dưa chuột, rau bí…

Chị chủ động nước tưới, làm cỏ, bón phân chuồng, để đảm bảo rau phát triển tốt, an toàn cho gia đình và khách hàng sử dụng. Đến ngày thu hoạch, vườn rau của chị có tiểu thương, và chủ một số nhà hàng trên địa bàn, ra tận vườn thu mua nên rau không bị tồn.

Các loại rau có giá bán từ 15-20 nghìn đồng/kg, kết thúc vụ đông, gia đình chị có thêm nguồn thu từ 10-20 triệu đồng. Chị Xuân cho biết, chị còn bán rau cho khách du lịch ở Hà Nội về trải nghiệm, thu nhập cũng khá hơn.

Bà Nguyễn Thị Lầm, thôn Nà Khà, xã Lăng Can trồng 1.000 m2 bí xanh, đậu đũa, rau cải các loại… Đối với bà Lầm, từ năm 2015 đến nay, rau vụ đông, cũng là vụ chính của gia đình.

Hơn nữa, đây cũng là loại cây trồng ngắn ngày, nên dễ quay vòng thời gian sử dụng đất. Nhờ trồng rau vụ đông mà gia đình bà Lầm có thêm nguồn thu đạt trên 10 triệu đồng/vụ.

Bà Lầm bảo: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng lúa 2 vụ, và không sản xuất vụ đông. Sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm, chúng tôi đã tiến hành trồng cây rau vụ đông, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với những cây trồng khác”.

Với người dân Thổ Bình, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính từ lâu. Đất Thổ Bình không nghỉ, nhờ luân canh các loại cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Vụ đông năm 2019, toàn xã trồng trên 32 ha khoai lang, 35 ha rau đậu, và những loại cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tốt như bí xanh, bí ngô, đỗ, rau cải, khoai lang… Từ trồng rau vụ đông, các gia đình có thêm thu nhập từ 6-7 triệu đồng/sào/vụ.

Hiện, các địa phương khuyến khích người dân trồng rau đặc sản như bò khai, rau ngót rừng, giảo cổ lam, tạo thành sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu du khách trong và người nước …

Huyện Lâm Bình đã quy hoạch vùng rau đặc sản đạt hơn 12 ha, tập trung tại các xã Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm. Những loại nông sản này hiện đã trở thành hàng hóa chất lượng cao; góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vụ đông 2019, huyện tiếp tục hướng dẫn người dân chăm sóc, thu hái rau phục vụ khách du lịch. Nhiều khách có thể đến các mô hình trồng rau đặc sản, để cắt rau tại vườn, và tham gia chế biến cùng người dân địa phương.

UBND huyện khuyến khích các doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất rau an toàn, bảo đảm đầu ra sản phẩm, nâng cao đời sống người dân.

Phước Sơn: Chủ động cây giống cho mùa trồng rừng

Hiện, các địa phương tỉnh Quảng Nam đã bước vào mùa trồng rừng mới, nên việc chuẩn bị nguồn cây giống đảm bảo chất lượng, luôn được ngành lâm nghiệp quan tâm.

Vườn ươm giống cây lâm nghiệp, cây dược liệu ở Phước Sơn

Để phục vụ kế hoạch bảo tồn, trồng mới cây quế Trà My năm 2019, các huyện Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My đã tổ chức gieo ươm được 1,1 triệu cây quế con.

Các hạt giống quế, được thu hái từ rừng giống chuyển hóa và các cây quế trội đã được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận. Trong đó, Nam Trà My có 450 nghìn cây, Bắc Trà My 470 nghìn cây, và Phước Sơn 220 nghìn cây.

Sở NN&PTNT cho rằng, nguồn giống này đảm bảo phục vụ cho kế hoạch trồng rừng quế Trà My năm 2019.

Vùng quy hoạch quế Trà My được phê duyệt gồm: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn. Theo đó, sẽ phát triển 834,5ha cây quế, hỗ trợ trồng xen 83,2ha; chăm sóc rừng giống 8ha và 60 cây trội.

Theo kế hoạch, các địa phương trồng 510ha cây quế Trà My, hỗ trợ trồng xen cây nông nghiệp, dược liệu, dưới tán rừng quế chưa khép tán 129ha.

Song, do số lượng cây giống hạn chế, nên tỉnh cho phép triển khai tại huyện Nam Trà My, với diện tích 83ha và trồng xen dưới tán rừng quế 74ha.

Mới đây, Sở NN&PTNT công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp cho 30 cây quế trội, tại Phước Sơn và 10ha rừng giống chuyển hóa từ rừng trồng, tại Nam Trà My.

Theo Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My – Trần Văn Mẫn, địa phương rất quan tâm đến khâu giống bản địa, vì cây giống luôn trong tình trạng cầu vượt cung.

Trong mỗi vườn quế ở Trà Leng (Nam Trà My), chính quyền khuyến cáo, nên giữ lại vài cây cổ thụ để lấy hạt, ươm thành cây con, để nhân rộng nguồn gen quý, giống quế bản địa.

Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng – ông Lê Hoàng Việt cho biết, chính quyền vận động người dân chỉ gieo trồng và thu mua cây giống từ các vườn ươm trên địa bàn xã, không nên bán vườn quế; tuyệt đối không mua bán, tiêu thụ quế ngoại lai.

“Vùng quế bản địa của xã nằm phân tán, cây giống chỉ đủ phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen quý, chưa có để phục vụ các địa bàn lân cận” – ông Việt nói.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh hỗ trợ vườn ươm giống đảm bảo chất lượng. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Lê Minh Hưng cho biết, đã hướng dẫn địa phương và cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp.

Nhiều đơn vị đã lên miền núi phát triển vườn ươm giống như: Công ty TNHH MTV Hào Hưng; Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Phú Ninh và Trung tâm Sản xuất giống nông, lâm nghiệp công nghệ cao của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam.

Bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng hơn 9.000ha rừng sản xuất, phòng hộ. Theo Xí nghiệp Giống lâm nghiệp Chiên Đàn (Phú Ninh), mỗi năm cơ sở cung cấp hơn 1 triệu cây giống lâm nghiệp cho các địa phương.

Theo Chi cục Kiểm lâm, Quảng Nam có khoảng 50 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, có giấy phép kinh doanh; nhiều gia đình, cá nhân tự sản xuất vườn ươm, nên khó kiểm soát chất lượng giống.

Hiện, tiến độ trồng rừng gỗ lớn, hết sức chậm chạp, do thiếu nguồn giống keo cấy mô, người dân phải mua giống trôi nổi.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã gieo ươm hơn 54 triệu cây gồm: keo, sao đen, lim xanh, quế.... Giống cây lâm nghiệp, là khâu quan trọng, và có tính quyết định toàn bộ chuỗi sản xuất hàng hóa, đối với ngành lâm nghiệp.

Song, chúng ta còn bị động nguồn giống, và số lượng vườn ươm đảm bảo còn hạn chế, là một trong những nguyên nhân, khiến kinh tế lâm nghiệp chậm phát triển.

Vì sao cam, bưởi ở Hà Tĩnh rụng quả hàng loạt sau mưa lũ?

Sau những trận lũ và mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 9 đến nay, nhiều diện tích cam/bưởi ở Hương Khê (Hà Tĩnh) đã có tình trạng rụng quả, gây thiệt hại rất lớn cho nông dân.

Xã Hương Đô là thủ phủ cam của huyện Hương Khê và Hà Tĩnh, với thương hiệu cam Khe Mây nổi tiếng. Toàn xã hiện có hơn 250 ha cam, thu hàng nghìn tấn/năm. Năm nay, thời tiết khá bất lợi, nên nhiều diện tích cam ở Hương Đô có hiện tượng rụng quả.

Vườn cam của ông Nam thiệt hại gần 60% sau khi lũ rút

Ông Nguyễn Văn Nam, xã Hương Đô, cho biết: “Hơn 1,5 ha cam chanh, đang vào độ thu hoạch, thì liên tiếp gặp mưa và lũ lớn. Khiến vườn cam ngập nước hơn 3 ngày, và liên tục mưa đến nay, nên hơn 7 tấn cam đã thối, rụng.

Thiệt hại ước 150 triệu đồng, vụ cam năm nay coi như lỗ, hi vọng số còn lại sẽ vớt vát được ít chi phí”

Cũng ở thôn 1, xã Hương Đô, vườn bưởi của ông Nguyễn Văn Hòa rụng hơn 500 quả. Ông kể, sau lũ, không kịp thu hoạch, khi nước rút, bưởi liên tục rụng, thiệt hại ước 100 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Đô, ông Nguyễn Hồng Nguyên, cho biết, mưa lũ đã “cướp” khoảng 30% sản lượng cam Hương Đô. Thời tiết vẫn bất lợi, mưa nhiều, thiệt hại có thể cao hơn nữa.

Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng không thể khắc phục. Theo các chuyên gia, nếu bà con chăm sóc đúng quy trình, thiệt hại sẽ giảm .

Một nguyên nhân khác, khi đất bị ngập, thiếu oxy cho rễ, cộng với việc thoát nước không kịp của quả, trong khi bộ rễ bị rối loạn, nên quả dễ rụng.

Về giải pháp, ông Võ Tá Tài lưu ý: Để hạn chế tối đa thiệt hại, người dân cần nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây. Khi trồng cam, bưởi cần trồng nổi, trong vườn phải có đủ hệ thống tưới, tiêu, chống úng cục bộ.

Tăng lượng phân hữu cơ, thường xuyên kiểm tra độ PH (có thể bón them vôi). Nên bón chế phẩm sinh học phòng trừ nấm, tuyến trùng, trước mưa lũ. Mặt khác, cây cần được giữ ẩm thường xuyên, chỉ cần cắt tỉa, không nên xới sạch cỏ ở gốc.

"Khi ngập lũ, cần tưới rửa bùn ngay khi nước rút, dùng cào xới nhẹ đất để tăng oxi, và rải vôi với tỷ lệ 5 - 7 tạ/1 ha. Mùa mưa, không nên bón đạm, hoặc phân bón giàu đạm, nên bón nhiều kali” - ông Võ Tá Tài khuyến cáo thêm.

An Như (Tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/khach-du-lich-trai-nghiem-hai-rau-vu-dong-o-lam-binh-post31273.html