Khách mời hôm nay: NSƯT Bạch Vân - Một người yêu ca trù đến 'vô điều kiện'

Ca trù vốn là loại hình diễn xướng trong những không gian trang trọng và nghiêm túc. Tuy nhiên, theo những bước thăng trầm của thời gian, ca trù dần mai một, thậm chí có nơi còn bị pha tạp, 'tầm thường hóa', khiến cho nhiều nghệ nhân chân chính nản lòng. Họ đành tìm kiếm một nghề tạm nào đó để mưu sinh.

Khoảng từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, có một người phụ nữ đã cất công tìm lại các cụ nghệ nhân, với niềm khát khao cháy bỏng là phục dựng, bảo tồn, làm hồi sinh bộ môn nghệ thuật độc đáo của cha ông để lại. Trong chuyên mục Khách mời hôm nay, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với người nghệ sĩ đặc biệt này.

Giữa lòng thủ đô hoa lệ, ồn ào, với nhịp sống và mức sống chung đã được nâng cao như hiện tại, có một người nghệ sĩ bình lặng đếm ngày tháng đi qua trong căn gác xép đơn sơ đến nao lòng. Thấp thoáng xen giữa những đồ đạc ngổng ngang là khoảng lặng sâu đằm, phảng phất bóng dáng của một thời ghi dấu ấn cả về thanh và sắc.

Nếu ví von không khí sôi nổi ngoài phố phường kia là trạng thái “động”, thì những buổi học về ca trù trên căn gác nhỏ này có thể được coi là “tĩnh”. Và mỗi học viên tìm đến nơi đây cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn vất vả đời thường, mới có thể an tĩnh theo đuổi bộ môn nghệ thuật cổ truyền đặc biệt. Người thày truyền dạy và truyền lửa cho các học viên chính là NSƯT Bạch Vân - một người yêu ca trù đến “vô điều kiện”.

Nghệ sĩ MAI NGOAN, Nhà hát Chèo Việt Nam: “Thực ra lúc đầu tôi theo cô Bạch Vân, tôi nghĩ là tôi sẽ không học được, bởi vì rất là khó, phách rất khó và cô thì lại là một người rất kỹ tính, rất tỉ mỉ, dạy rất nhiệt huyết. Cô muốn truyền bá, muốn giữ lại những gì tinh túy nhất của một bộ môn mà rất là kén người học và kén cả người nghe. Thời gian đầu, tôi cũng thấy khó khăn và gian nan, nhưng sự khao khát và niềm đam mê cháy bỏng của cô Bạch Vân đã làm cho bản thân tôi thêm yêu ca trù, để nối tiếp những khát khao mà cô Vân muốn truyền lại cho thế hệ trẻ.”

Ca nương LÊ THỊ HÂN, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội: “Nếu khi nào không đủ khách, không đủ chi thì cô Bạch Vân sẽ bỏ tiền túi ra. Và thực sự thì dù có khách hay không có khách thì chúng tôi cũng không đủ sống. Thế cho nên, tôi thường có hai nghề song song. Và nhiều khi tôi bị cuốn hút vào ca trù là cũng vì trách nhiệm với cô Vân nữa.”

Nghệ sĩ Bạch Vân tha thiết đi tìm các cụ nghệ nhân, tha thiết bắt đầu hành trình hồi sinh ca trù từ khi mái tóc còn xanh, đôi chân còn dẻo. Khi đó, Bạch Vân đã tốt nghiệp Đại học chính qui, và có một công việc ổn định trong ngành văn hóa tại thủ đô. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không hiểu nổi, vì sao người phụ nữ ấy có thể bỏ lại tất cả ở sau lưng, rồi rong ruổi, lang thang khắp các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung, để vận động, thuyết phục, và đưa rước các cụ nghệ nhân về Hà Nội, gây dựng lại hoạt động biểu diễn ca trù.

Bạch Vân tin rằng, các cụ vẫn cất giữ niềm đam mê từ thẳm sâu trong ký ức. Thời gian đầu không bán được vé, bà tự nguyện đứng ra bù lỗ. Có được căn nhà riêng trong nội thành, bà quyết định cho thuê, lấy khoản tiền đó ra trang trải; còn bản thân thì rút lên sinh sống trên căn gác xép chật chội, nghèo nàn. Bên cạnh đó, bà còn quán xuyến, giữ vai trò chủ công trong việc thành lập các Câu lạc bộ Ca trù, ban đầu là ở Hà Nội, sau đó lan tỏa rộng ra khắp miền Bắc và các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Mời quý vị cùng theo dõi chương trình!

Thực hiện : Thiện Đoan Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/khach-moi-hom-nay-nsut-bach-van-mot-nguoi-yeu-ca-tru-den-vo-dieu-kien