Khách Việt chui hầm, trèo thang tại nhà hàng 'fun dining' Singapore

Leo thang trên cao, chui qua đường hầm tối, nhặt thức ăn từ dưới đất... là những trải nghiệm khi dùng bữa tại nhà hàng phong cách 'fun dining' tại Singapore.

Nhà hàng Absurdities gây ấn tượng với thực khách trong và ngoài nước nhờ phong cách phục vụ độc đáo, dù hương vị món ăn chưa được đánh giá cao. Ảnh: Absurdities.

Nguyễn Linh Bửu Trân (23 tuổi, sống tại TP.HCM) từng trải nghiệm không ít nhà hàng trong và ngoài nước. Nhưng sau khi dùng bữa tại Absurdities, nhà hàng "fun dining" (ăn vui là chính) ở Singapore, cô nhận ra thưởng thức ẩm thực không chỉ là việc ngồi xuống và dùng bữa.

"Lần đầu tiên trong đời, tôi chi tiền triệu đi ăn nhưng phải chui qua đường hầm tối và hẹp, leo lên nhiều bậc thang và ăn món nhặt từ dưới đất lên. Thậm chí, nhà hàng còn kỳ quặc đến mức 24 tiếng trước giờ hẹn, tôi mới được gửi địa chỉ", cô nói với Tri Thức - Znews.

Những năm gần đây, nhà hàng fun dining, immersive dining (bữa ăn nhập vai) hay experiential dining (bữa ăn đa trải nghiệm) bùng nổ, cạnh tranh cùng mô hình nhà hàng truyền thống.

Theo nghiên cứu công bố năm 2023 từ Eventbrite, nền tảng về công nghệ tổ chức sự kiện lớn nhất thế giới, 75% thực khách sẽ trả nhiều tiền hơn cho trải nghiệm ăn uống độc đáo và họ kỳ vọng nhận được nhiều hơn một bữa ăn ngon.

Ngoài ra, 76% thực khách muốn dùng bữa tại một địa điểm đáng nhớ, 84% muốn có thực đơn hoặc chủ đề bất ngờ và 74% tìm kiếm trải nghiệm có một không hai.

Một số concept dùng bữa bên trong nhà hàng Absurdities. Ảnh: Absurdities.

Trải nghiệm ẩm thực tại nhà hàng Absurdities là điều Bửu Trân ấp ủ từ lâu. Mỗi ngày, nhà hàng chỉ mở 2 suất ăn, mỗi suất nhận đúng 8 khách nên cô phải liên hệ đặt bàn trước 2 tuần.

6 căn phòng bí ẩn

"Khi đến nhà hàng, tôi như 'tờ giấy trắng', không biết trước mình sắp ăn gì và không gian bên trong ra sao. Nhà hàng theo hướng vui vẻ, đề cao tính trải nghiệm nên việc giữ bí mật là cách giúp tăng sự hào hứng và tò mò", Bửu Trân cho biết.

Suốt 2 tiếng dùng bữa, cô như tham gia trò chơi escape (trốn thoát) khi phải lần lượt tìm cánh cửa của 6 căn phòng. Mỗi căn phòng mang một chủ đề và món ăn riêng, nhưng điểm chung là "đừng tin những gì mình thấy".

"Nhiệm vụ của thực khách là làm sáng tỏ những thứ phía sau cánh cửa. Mỗi căn phòng đều có người dẫn dắt và tương tác. Cách kể của họ rất lôi cuốn, đưa tôi vào câu chuyện lúc nào không hay, cảm giác như mình nhập vai theo từng chủ đề", cô nói.

Mỗi căn phòng được thiết kế chi tiết và chân thật, đưa thực khách đến nhiều bối cảnh khác nhau. Ảnh: Nguyễn Linh Bửu Trân.

Căn phòng đầu tiên nằm ở mặt tiền đường, thiết kế như một quán cà phê. Thoạt nhìn, Bửu Trân nghĩ mình đi nhầm địa chỉ vì không tìm được lối vào nhà hàng.

"Tôi nhìn quanh chỉ thấy cánh cửa của những chiếc tủ đựng thực phẩm. Khi mở ra, bên trong đầy những lọ nước, tôi chắc nịch đây không phải lối vào. Nhưng người dẫn dắt đẩy thêm một lớp cửa nữa, không gian nhà hàng hiện ra trước mắt khiến tôi bất ngờ", cô kể lại.

Di chuyển qua mê cung gương, Bửu Trân đến với căn phòng thứ 2 mang chủ đề khu rừng. Để tạo sự huyền bí, không gian được thắp sáng bằng đèn neon, bàn ăn mô phỏng lại một gốc cây đại thụ với những dây leo tua tủa. Người dẫn dắt hóa thân thành ngựa vằn với bộ vest họa tiết đen trắng.

Căn phòng thứ 3 mang chủ đề Ả Rập với hình ảnh những căn lều đặc trưng. Món ăn được trình bày trong bát đĩa đất nung và đặt trong mâm đồng. Người dẫn dắt mặc abaya (trang phục truyền thống) và đầu đội khăn hijab.

Theo Bửu Trân, sự bí ẩn của các căn phòng chính là điểm nhấn riêng của nhà hàng. Ảnh: Nguyễn Linh Bửu Trân.

Căn phòng thứ 4 đưa cô đến vùng ngoại ô nước Mỹ vào năm 1950. Nhà bếp được thiết kế chỉn chu từng chi tiết với tone pastel dịu mắt. Câu chuyện về món ngũ cốc dinh dưỡng cũng được kể sinh động qua lời của một cô đầu bếp.

"Đây là căn phòng để lại nhiều ấn tượng nhất. Tôi phải leo từng bậc thang từ trên cao xuống nhà bếp. Khi đang mải mê nghe chuyện, món ăn bất ngờ lấy ra từ chiếc tủ không ai nghĩ đến. Với tôi, căn phòng này sáng tạo và đáng yêu", Bửu Trân chia sẻ.

Phòng sách của phù thủy nằm sau cánh cửa thứ 5. Tại đây, người dẫn dắt cung cấp nhiều nguyên liệu đựng trong các lọ nhỏ, thực khách phải hóa thân thành phù thủy, tự "pha chế" món ăn theo ý thích.

Căn phòng cuối cùng tái hiện khoang máy bay hạng thương gia với ghế sofa êm và khung cửa sổ chuyển cảnh tạo cảm giác chân thật. Món ăn được phục vụ bởi nữ tiếp viên hàng không.

Đừng đặt nhiều kỳ vọng vào hương vị

Không biết trước thực đơn, món mang ra tận bàn vẫn không đoán được, ăn vào nhưng không thể gọi tên là những trạng thái Bửu Trân trải qua khi dùng bữa tại nhà hàng.

Mắt thấy, tai nghe, miệng ăn nhưng thực khách khó lòng nhận biết được các món. Ảnh: Nguyễn Linh Bửu Trân.

Mỗi căn phòng tương ứng với một món duy nhất. Đầu tiên là "vườn trong bát" (garden in the bowl). Món ăn nhìn giống bánh mì phết pesto, loại sốt có tỏi nghiền, hạt thông, lá húng tây và pho mát, nhưng thực chất làm từ kiều mạch nướng phồng và rau tươi trộn cùng thảo mộc, quả mọng.

Hambuger và thịt bò khô là món ăn thứ 2. Lớp thịt bò kẹp giữa bánh mềm thơm, đánh lừa vị giác khi chế biến từ vỏ cam, nho khô và xá xị. Thịt bò khô cũng được làm từ khoai tây lắc bột tạo vị.

Khói cá tuyết tajine được phục vụ trong căn phòng thứ 3. Riêng món ăn này làm từ cá tuyết tươi áp chảo, kèm theo tabbouleh hun khói (salad từ rau mùi tây, cà chua, bạc hà…), falafel (viên bột đậu rán), sốt lựu và khói nhả từ gỗ anh đào đốt cháy.

Món ăn thứ 4 gồm ngũ cốc và sữa. Khi cho vào miệng, Bửu Trân ngỡ ngàng nhận ra soup nấm. Cô nhận xét: "Các món ăn đúng nghĩa nhìn vậy nhưng không phải vậy. Rõ ràng tôi thấy ngũ cốc, nhưng ăn vào lại là nấm thái lát. Tôi thích soup nấm nhất trong 6 món vì loại sốt ăn kèm làm từ ngũ cốc xay nhuyễn, cách nêm nếm cũng vừa vị".

Ở căn phòng thứ 5, Bửu Trân tiếp tục thưởng thức mực ống nấu cùng cà rốt tím, củ cần tây, trứng cá tầm, chanh và lá rong biển vụn đựng trong lọ nhỏ.

Cách phục vụ bí ẩn của nhà hàng làm giàu trí tưởng tượng cho thực khách. Ảnh: Nguyễn Linh Bửu Trân.

Bữa ăn kết thúc bằng món thạch thủ công làm từ quả vải xay mịn, nước ép trái cây, vàng lá, kẹo nổ, chocolate trắng và Bombay Sapphire Gin - loại rượu chưng cất đến từ Anh.

"Trước khi bước sang căn phòng khác, tôi đều được phát một tấm thẻ ghi nguyên liệu để biết rõ về món vừa ăn. Cái hay của nhà hàng là mang lại cảm giác mới mẻ, tôi được ăn ở nhiều địa điểm khác nhau nhưng không phải di chuyển", cô nói.

Theo Bửu Trân, mức giá 4 triệu đồng/người không rẻ nhưng xứng đáng nếu suy xét từng chi tiết và trải nghiệm nhận được.

"Trước khi chọn nhà hàng này, tôi xác định đi để trải nghiệm, không đặt nặng vấn đề tiền bạc hay hương vị món phải quá xuất sắc. Quan trọng là tôi vừa được chơi vui, vừa được ăn ngon. Tôi nghĩ trải nghiệm có '1-0-2' này nên thử một lần trong đời để mở mang tầm mắt. Ẩm thực đa dạng hơn chúng ta nghĩ", cô bày tỏ.

Trúc Hồ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/an-uong-kieu-chui-ham-treo-thang-tai-nha-hang-fun-dining-singapore-post1469709.html