Khách Việt tử vong ở Bali và tầm quan trọng của bảo hiểm du lịch

Việc du khách Việt Nam tử vong ở Bali do bị sóng cuốn đã khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về tầm quan trọng của bảo hiểm du lịch, nhất là trong những chuyến đi nước ngoài.

Nguyễn Hoàng Hiếu Dân, quê Lâm Đồng, là nạn nhân trong vụ sóng cuốn tại Bali hôm 21/7 vừa qua. Trong chuyến du lịch tự túc, Dân cùng bạn thân đi du lịch 4 nước và điểm đến cuối cùng là Indonesia. Chuyến đi đã trở thành thảm họa khi một cơn sóng cao 6 m ập đến, cuốn trôi chàng trai 26 tuổi xuống biển. Tờ Seminyak Times cho biết sự việc xảy ra tại bãi biển Kelingking, thuộc đảo Nusa Penida, một đảo nhỏ cạnh đảo lớn Bali.

Sáng 24/7, thi thể Dân đã được đưa về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và dự kiến đến Đà Lạt vào chiều tối cùng ngày. Theo nguồn tin từ Zing.vn, số tiền đưa thi thể nạn nhân về nước ước tính khoảng 5.000 USD. Gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi do anh đi tự túc, không mua bảo hiểm.

Bali - thiên đường ngập tràn hiểm nguy

Bali được xem là chốn nghỉ dưỡng thiên đường cho những tâm hồn đi tìm sự bình yên. Ở đây, du khách có thể tìm thấy hầu hết mọi thứ cho một kỳ nghỉ, từ cảnh quan trời phú cho đến những resort sang chảnh.

Mặt tối của Bali cũng nhiều không kém. Nơi này có loài khỉ hung dữ hay giật đồ du khách, những gã xăm hình kém vệ sinh dễ lây bệnh... Đặc biệt, Bali sở hữu "đặc sản" kinh hoàng nhưng lại là niềm yêu thích đặc biệt với các du khách - những cơn sóng lớn.

Những cơn sóng lớn "đặc sản" ở Bali khiến nhiều du khách mê mẩn. Ảnh: Ferry.

Những cơn sóng lớn "đặc sản" ở Bali khiến nhiều du khách mê mẩn. Ảnh: Ferry.

Trước Dân, một nữ du khách Trung Quốc cũng suýt bỏ mạng với lý do tương tự ngay tại Bali. Theo People's Daily, nữ du khách đã cố tình selfie khi sóng mạnh đập vào bờ để có một bức ảnh "sống ảo" hoàn hảo. Tuy nhiên, người này không ngờ cơn sóng quá to ập đến và gần như cuốn cô ra biển. Rất may, người này sau đó vẫn thoát chết và chỉ có một vài vết cắt trên cơ thể.

People's Daily cho biết sự việc diễn ra ở một vịnh nhỏ trên đảo Nusa Lembongan. Nơi đây nổi tiếng với vách đá mang tên "Nước mắt của quỷ".

Tên gọi này bắt nguồn từ hiện tượng tự nhiên khi cơn sóng lớn xô vào đá, tạo nên cảnh đẹp huyền ảo như dòng nước mắt đang chảy. Vào những ngày biển động, sóng dữ đập vào đá tạo nên những con "quái vật" có thể cuốn đi mọi thứ. Tuy nhiên, không có hàng rào bảo vệ nào được dựng quanh khu vực này. "Đừng mạo hiểm tính mạng vì bức ảnh đẹp", cây viết của People's Daily nhận định.

Nữ du khách Trung Quốc suýt chết vì một tấm ảnh đẹp tại Bali. Ảnh: People's Daily.

Không may mắn như du khách Trung Quốc, hai người khác từng bỏ mạng ở vùng biển phía nam Bali vào năm 2016 khi đang nằm nghỉ bên bể bơi vô cực. NZ Herald cho biết cơn sóng quá cao đã đập vào hồ bơi rồi kéo hai du khách xấu số ra biển.

Cách đó không lâu, một phụ nữ người Australia cũng bị sóng cuốn khi đang hưởng tuần trăng mật. NZ Herald cho biết vào thời điểm xảy ra vụ việc, nạn nhân và chồng đang đi dạo trên bãi biển. Cả hai bị sóng cuốn đi nhưng người chồng may mắn thoát chết.

Trước vụ tai nạn cướp đi tính mạng của Nguyễn Hoàng Hiếu Dân, cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia đã cảnh báo về khả năng sóng cao xuất hiện tại các bờ biển, trong đó có bờ biển ở đảo Bali.

Trả lời Zing.vn về sự cố xảy ra vừa qua, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty Transviet, cho biết Kelingking là bãi biển nổi tiếng bậc nhất Bali, được bao quanh bơi dải núi trườn ra biển, có hình như con khủng long.

"Khi nhắc đến Bali, nhiều người nghĩ ngay đến tắm biển. Trên thực tế, sóng biển ở đây rất to và phù hợp hơn với các hoạt động thể thao dưới nước. Khi tổ chức tour du lịch Bali, chúng tôi thiên về các hoạt động khám phá văn hóa bản địa", ông Đạt chia sẻ.

Du lịch khám phá văn hóa bản địa là lựa chọn được nhiều công ty tour ưu tiên thay vì những bãi biển. Ảnh: Pinterest.

Theo ông, Indonesia nói chung và các đảo ở Bali nói riêng nằm giữa đại dương nên sóng tại đây rất dữ, cao hàng mét là bình thường. "Tại các đảo, sóng mạnh theo mùa. Gió thổi bên nào thì sóng bên đó lớn", ông nói.

Đại diện Vietrantour cho biết hàng năm, phía Indonesia vẫn đưa ra nhiều cảnh báo chi tiết về khả năng xảy ra sóng dữ. "Các đợt sóng cao thường xuất hiện trên vùng biển Ấn Độ Dương, vùng bờ biển phía nam eo biển Sunda, eo biển Bali, eo biển Badung và vùng biển phía nam Bali. Giống như những hòn đảo nhiệt đới khác, khí hậu Bali tương đối thất thường. Tần suất xuất hiện của các đợt sóng dữ thường không theo quy luật, rải rác trong cả năm. Vì thế, những cảnh báo nguy hiểm thật sự cần thiết và nên được chú trọng", người này nói.

Trả lời Zing.vn, travel blogger Khoai Lang Thang nói bên cạnh những điểm nổi tiếng, Bali có nhiều bãi biển hoang sơ. Những nơi này thường không có đầy đủ phương tiện cứu hộ cũng như cắm mốc ranh giới an toàn.

"Một số bãi tắm nguyên sơ du khách khám phá ra còn nằm ngoài quyền kiểm soát của chính quyền. Những nơi này thực sự rất nguy hiểm đối với du khách thiếu kinh nghiệm", blogger này nhận định.

Bảo hiểm du lịch - vật bất ly thân của tín đồ xê dịch

Như Zing.vn đã thông tin, hiện gia đình nạn nhân đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính do Dân không mua bảo hiểm khi đi du lịch.

Câu chuyện mua bảo hiểm khi đi du lịch là một vấn đề đã tồn tại khá lâu. Theo Forbes, khách du lịch thường chỉ băn khoăn hai câu hỏi: Đến đâu và ở khách sạn nào? Nhiều người thường coi nhẹ vấn đề bảo hiểm vì nghĩ phải mất thêm một khoản phí không đáng có. Tuy nhiên, bảo hiểm lại giải quyết nhiều vấn đề cho bạn khi sự cố xảy ra.

Cuối năm 2018, đoàn khách Việt Nam đến Ai Cập du lịch đã bất ngờ chịu ảnh hưởng của một vụ đánh bom, cách kim tự tháp lừng danh Giza khoảng 4 km. Quả bom được giấu phía sau một bức tường đã khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 3 người Việt Nam. 12 du khách khác bị thương.

Theo đại diện doanh nghiệp lữ hành đưa đoàn khách sang Ai Cập, các nạn nhân tử vong trong vụ nổ bom được đền bù bảo hiểm với khoản tiền trả một lần là 2,4 tỷ đồng/người. Bên cạnh đó, công ty bảo hiểm cũng sẽ lo dịch vụ hồi hương thi hài và chi trả toàn bộ chi phí phát sinh kèm theo một vé khứ hồi trị giá tối đa 120 triệu đồng.

Những nạn nhân tử vong trong vụ đánh bom ở Ai Cập được đền bù bảo hiểm với khoản tiền 2,4 tỷ đồng/người. Ảnh: Daily Star.

Luật Du lịch quy định mọi chuyến du lịch nước ngoài thông qua các tổ chức, doanh nghiệp lữ hành đều bắt buộc phải có bảo hiểm du lịch toàn cầu trong suốt chuyến đi. Trách nhiệm mua bảo hiểm thuộc về đơn vị tổ chức, trừ trường hợp khách đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch.

Tuy nhiên, những du khách đi tự túc không thuộc nhóm bắt buộc phải mua bảo hiểm du lịch. Theo thống kê, chỉ có khoảng 5% khách du lịch tự túc mua bảo hiểm. Con số này đối với các gói bảo hiểm du lịch có chi phí cao còn thấp hơn nữa.

Bên cạnh vấn đề liên quan đến tính mạng, bảo hiểm du lịch có thể giúp bạn giảm thiểu đáng kể những chi phí phát sinh như chữa bệnh khi đi du lịch. Năm 2017, một du khách đã chia sẻ trên diễn đàn phượt về việc bị một con vật lạ chích, dẫn đến nhiễm trùng ngón tay khi đang chèo thuyền kayak ở Philippines. Người này cho biết mình đã tốn 100 USD để chữa trị.

Cũng trong bài thảo luận về vấn đề này, một du khách khác chia sẻ đã phải bỏ 2.000 bath (khoảng 1,5 triệu đồng) để tiêm phòng khi bị mèo cắn ở Koh Phi Phi (Thái Lan).

Liên quan đến vụ đánh bom ở Ai Cập, Zing.vn đã có một cuộc khảo sát với độc giả về việc nên mua bảo hiểm du lịch hay không. Người dùng Taipscode cho biết mua bảo hiểm là điều không cần thiết. "Sự việc tại Ai Cập là trường hợp hy hữu. Tôi đi 6 nước rồi mà có bị sao đâu. Bạn chỉ cần đem theo thuốc thông dụng là được, ít khi có chuyện xảy ra lắm", tài khoản này chia sẻ quan điểm.

Tuy nhiên, một số travel blogger có tiếng ở Việt Nam lại không đồng tình với quan điểm này.

Travel blogger Lý Thành Cơ chia sẻ: "Du khách nên mua bảo hiểm khi đi du lịch nước ngoài, phòng trường hợp rủi ro xảy ra. Nếu có vấn đề, phía công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm lo thủ tục, hỗ trợ tài chính đáng kể. Riêng mình, chuyến đi ngắn hay dài cũng đều mua bảo hiểm hết".

Theo blogger Khoai Lang Thang, việc mua bảo hiểm sẽ tốn kém nhưng đổi lại du khách có được sự đảm bảo. "Mọi người có thể cân nhắc nhu cầu cá nhân, tìm hiểu các chính sách bảo hiểm ở đất nước dự định tới. Bạn nên chọn mua bảo hiểm của thương hiệu uy tín, có điều khoản hợp đồng rõ ràng", anh cho hay.

Anh Tú - Bích Phương - Kim Ngân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khach-viet-tu-vong-o-bali-va-tam-quan-trong-cua-bao-hiem-du-lich-post970351.html