Khai giảng năm học mới: 22 triệu học sinh tựu trường

Năm học mới 2018-2019 là năm học bản lề trước khi Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT mới) chính thức được triển khai. Năm học này cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá về chất lượng đào tạo. Dẫu thế, để có được ngày khai giảng trọn vẹn, thầy trò ở nhiều địa phương vùng lũ đã và đang phải vượt lên bộn bề khó khăn.

Dọn dẹp sau lũ ở Trường THCS Tà Hộc (Mai Sơn- Sơn La).

Lễ khai giảng linh hoạt

Đến thời điểm này, nhiều địa phương cơ bản đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho hoạt động Khai giảng năm học mới. Một số địa phương bị thiệt hại vì mưa lũ như Thanh Hóa, Sơn La, Nghệ An, Lai Châu… cũng gấp rút, quyết tâm khắc phục hậu quả để ngày khai giảng diễn ra đúng kế hoạch.

Trước đó, dù ngày khai giảng năm học mới đã cận kề, nhưng nhiều địa phương của tỉnh Sơn La vẫn đang còn bị chia cắt bởi mưa lũ. Đặc biệt là tại huyện Mai Sơn, địa phương có nhiều trường học bị thiệt hại nặng nề trong những ngày vừa qua. Trong 3 ngày từ 28 - 30/8, tại Trường Tiểu học và Trường THCS Tà Hộc phải hứng chịu 3 cơn lũ liên tiếp.

Không chỉ thế, những trận lũ sau còn gây hậu quả nặng hơn. Những ngày qua, giáo viên phải thức trắng đêm để vừa thu dọn đồ đạc vừa đề phòng lũ quét bất ngờ.

Cơn lũ đi qua, cũng là lúc thầy trò nơi đây phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Đó là việc tuyến đường giao thông chính từ trung tâm huyện đến trường đã bị cắt đứt, trường học hoàn toàn bị cô lập. Khó khăn nhất vẫn là ở các điểm trường lẻ.

Ngày 4/9, Sở GDĐT Sơn La đã gửi công văn khẩn đến các đơn vị trực thuộc, các phòng GDĐT về việc khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; trong đó đặc biệt lưu ý việc tổ chức khai giảng năm học mới. Sở GDĐT yêu cầu các Phòng GDĐT có phương án dự phòng cho khai giảng năm học mới đối với các trường học không thể khắc phục mưa, lũ để khai giảng tại trường.

Hiện tại tỉnh Thanh Hóa- nơi có những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, chính quyền và người dân địa phương cũng đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp học sinh kịp đến trường ngày khai giảng.

Trong vòng 1 tuần qua, lũ chồng lũ, cộng thêm thủy điện xả đập đã gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất trường học một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Theo thống kê, mưa lũ làm 24 điểm trường bị ngập, 6 điểm trường khác bị sạt lở; 2 nhà bán trú cho học sinh và giáo viên bị vùi lấp.

Theo thầy Hắc Xuân Phúc- Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Trung Sơn (Quan Hóa): Sau trận lũ, ngôi trường gần như bị đổ hoàn toàn, hiện lượng bùn đất tuồn vào trường khá lớn, các trang thiết bị trong trường bị hư hỏng nặng. Vì vậy nên, hơn 260 học sinh của trường không thể học tại đây.

Do đó, trước mắt, để khắc phục, nhà trường, chính quyền địa phương đã thống nhất phương án nhờ trường cấp II của xã để làm lễ khai giảng cho các em và sau đó, mượn nhà điều hành Công ty 47- đơn vị xây dựng nhà máy thủy điện Trung Sơn làm nơi cho các em học tập.

Trong những ngày tới, Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa sẽ vận động mỗi cán bộ, giáo viên ủng hộ 1 - 2 ngày lương hỗ trợ học sinh, các trường chịu nhiều thiệt hại; đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ những trường học bị thiệt hại bởi mưa lũ.

Tương tự tại Nghệ An, trước ngày khai giảng, nhiều trường học tại huyện miền núi Kỳ Sơn cũng bị thiệt hại nặng nề của hai đợt lũ lụt. Cho đến sát ngày khai giảng, việc khắc phục hậu quả vẫn ngổn ngang, nhưng địa phương vẫn đang nỗ lực để tất cả học sinh kịp có ngày khai giảng theo đúng lịch.

Tại Hà Nội, năm học này thành phố có có 2.689 trường với gần 2 triệu học sinh. Lễ khai giảng được tổ chức thống nhất trên toàn địa bàn TP Hà Nội bắt đầu từ 7h30 sáng 5/9.

Ông Hoàng Hữu Trung- Chánh văn phòng Sở GDĐT cho biết: Lễ khai giảng chú trọng đến việc đón học sinh đầu cấp, trở thành ngày hội khai trường của học sinh. Theo Sở GDĐT Hà Nội, chuẩn bị cho năm học mới, các quận, huyện, thị xã đã xây mới được 74 trường học (trong đó có 29 trường được thành lập mới) bổ sung thêm 1.579 phòng học. Toàn thành phố cũng đã cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp.

Tưng bừng vào năm học mới. Ảnh: Quang Vinh.

Kỳ vọng nâng cao chất lượng, bắt đầu từ người thầy

Năm học mới 2018- 2019, Bộ GDĐT đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó việc sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, phân luồng trong giáo dục phổ thông, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để triển khai chương trình GDPT mới được coi là những nhiệm vụ hàng đầu.

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, trong năm học này, ngành giáo dục sẽ ưu tiên thực hiện đảm bảo cơ sở trường lớp học, nâng cao đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh tự chủ ĐH. Thời gian qua, ngành giáo dục và các địa phương đã rất cố gắng chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục vụ cho việc khai giảng năm học mới như cơ sở vật chất trường lớp học, đội ngũ giáo viên.

Cụ thể, trong những ngày qua, mưa lũ đã xảy ra ở một số tỉnh miền Bắc, miền Trung, các tỉnh ĐBSCL gây thiệt hại lớn tới hệ thống trường lớp. Trước tình hình này, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo an toàn cho các thầy cô giáo, chuẩn bị chu đáo những điều kiện về cơ sở vật chất để đón năm học mới.

Đối với nhiệm vụ phát triển đội ngũ giáo viên, trong năm học 2018-2019, Bộ GDĐT luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng vì muốn nâng cao chất lượng giáo viên và đội ngũ quản lý giáo dục thì trước tiên phải sửa đổi các chuẩn.

Điều này cũng nhằm tránh tình trạng một số địa phương cứ nói rằng thừa chuẩn, vượt chuẩn nhưng chuẩn đó chưa phản ánh đúng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, ngành giáo dục sẽ có những đợt tập huấn để bồi dưỡng hỗ trợ giáo viên, đội ngũ quản lý. Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng trong năm học mới là căn cứ vào lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, chuẩn giáo viên và đội ngũ quản lý, Bộ GDĐT cũng sẽ có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, quản lý trường học.

Nhóm phóng viên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/khai-giang-nam-hoc-moi-22-trieu-hoc-sinh-tuu-truong-tintuc414628