Khai hội chùa Ngọa Vân: Không có hiện tượng mê tín dị đoan, ăn xin

Lễ hội xuân Ngọa Vân được duy trì và tổ chức thường niên vào ngày mùng 9 tháng Giêng và diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch. Hàng vạn Tăng, Ni, Phật tử và nhân dân gần xa đã quy tập về chân núi Bảo Đài cùng nhau hành hương lên 'Thánh địa' Ngọa Vân để dâng hương tỏ lòng thành kính, tri ân công lao to lớn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền Phái Trúc Lâm...

UBND thị xã Đông Triều đã phối hợp với Ban Trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức Khai mạc Lễ hội xuân Ngọa Vân năm 2019, thuộc quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

Đến dự lễ khai hội xuân Ngọa Vân 2019 có ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Bà Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh; Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS GHPG Việt Nam, Trưởng BTS GHPG tỉnh Quảng Ninh cùng đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan cùng đông đảo Tăng, Ni, Phật Tử và nhân dân đến tham quan và chiêm bái lễ Phật.

Khai hội chùa Ngọa Vân

Ở độ cao 500m so với mặt nước biển, chùa Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài thuộc thôn Tây Sơn xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh quanh năm được mây bao phủ. Đây là một phần quan trọng trong quần thể kiến trúc chùa tháp lớn của Thiền Phái Trúc Lâm trên dãy Yên Tử; là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành, giảng pháp, độ tăng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Theo sử sách ghi lại, Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, văn võ song toàn, đã có công lớn lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh đuổi giặc Nguyên – Mông, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc. Sau khi khôi phục và đưa đất nước bước vào thời kỳ thái bình thịnh trị, vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con trai và xuất gia tập tu tại hành cung Vũ Lâm thuộc tỉnh Ninh Bình. Năm 1299, Ngài chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu thuộc dãy núi Yên Tử và sáng lập dòng thiền Trúc Lâm, dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Đại Việt với tinh thần Phật Giáo nhập thể, khai phóng và vị tha.

Sau thời gian tu hành khổ hạnh tại Yên Tử, Ngài đã xuống núi đi khắp xóm làng, dạy dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành thập thiện, ban thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), Ngài lên núi Bảo Đài, chọn đỉnh Ngọa Vân và dựng am làm nơi tu hành. Ngày 1-11 năm Mậu Thân (1308), Ngài hóa Phật tại Am Ngọa Vân thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều ngày nay. Vì vậy, Ngọa Vân được xem là “Thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.

Quang cảnh trước lễ khai hội

Lễ hội xuân Ngọa Vân được duy trì và tổ chức thường niên vào ngày mùng 9 tháng Giêng và diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch. Hàng vạn Tăng, Ni, Phật tử và nhân dân gần xa đã quy tập về chân núi Bảo Đài cùng nhau hành hương lên “Thánh địa” Ngọa Vân để dâng hương tỏ lòng thành kính, tri ân công lao to lớn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm.

Anh Hùng, trú tại xã Bình Khê, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết: Đã 4 năm nay mỗi khi tết đến xuân về anh cùng gia đình “vượt sơn” về chùa Ngọa Vân để cầu may mắn, sức khỏe và bình an. Dù trên quãng đường nhiều khó khăn, mệt mỏi nhưng với một lòng hướng Phật, anh đã cùng gia đình vượt qua chặng đường dài để đến đây thắp hương, tưởng nhớ đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Nghi lễ khai hội năm nay diễn ra trang trọng, ngắn gọn, nối tiếp diễn văn khai hội ôn lại cuộc đời và công đức của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông là lời chúc phúc đầu năm mới của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nghi lễ gióng trống, thỉnh chuông khai hội, dâng hương cầu nguyện quốc thái, dân an… Phần hội có nhiều hoạt động phong phú như các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian kéo co, đi cầu kiều, tung còn, bịt mắt đập niêu...

Đây là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc, với ý nghĩa hướng về cội nguồn; là dịp để nhân dân và du khách hành hương về chùa Ngọa Vân để tri ân công đức của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phát Trúc Lâm.

Ông Trần Văn Vinh, Phó chủ tịch UBND thị xã Đông Triều, Trưởng ban tổ chức Lễ hội xuân Ngọa Vân 2019 cho biết, lễ hội năm nay được tổ chức bài bản và quy mô hơn những năm trước. “Những hạn chế của năm trước chúng tôi đều rút kinh nghiệm.

Đặc biệt năm nay công tác vệ sinh môi trường được sạch sẽ, các dịch vụ bài bản không có hiện tượng mê tín dị đoan, ăn mày ăn xin, an ninh trật tự bài bản. Ngay cả việc bán động vật cũng không có. Chúng tôi đã phân công cụ thể cho từng tiểu ban xử lý các vấn đề và phấn đấu đảm bảo an toàn trong cả 3 tháng diễn ra lễ hội chứ không chỉ có ngày khai hội", ông Vinh cho hay.

Hiện nay, Ngọa Vân đã được xây dựng, mở rộng thành một trung tâm quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần; đồng thời, triều đại nhà Trần đã biến An Sinh - Đông Triều trở thành kinh đô của Phật giáo, trở thành điểm đến tâm linh của đông đảo nhân dân và du khách mỗi khi tết đến xuân về.

Trần Huyền

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khai-hoi-chua-ngoa-van-khong-co-hien-tuong-me-tin-di-doan-an-xin-136804.html