Khai mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018

Sáng 15/9, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018. Dự Lễ khai mạc có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Lê Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý và 373 nhà giáo dự thi ở 90 nghề, đến từ 244 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 168 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 08 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 04 trường đại học) thuộc 56 địa phương trên khắp cả nước....

Quang cảnh Lễ khai mạc

Quang cảnh Lễ khai mạc

Báo cáo về công tác chuẩn bị cho Hội giảng, ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng cho biết, theo định kỳ 03 năm một lần, Hội giảng toàn quốc lại được tổ chức, là một trong những hoạt động mang tính chuyên môn cao của đội ngũ nhà giáo trong toàn hệ thống, là nơi để khuyến khích giáo viên tích cực phát huy sáng kiến kỹ thuật, đổi mới phương pháp, thiết bị, đồ dùng giảng dạy, rèn luyện kỹ năng sư phạm, là nơi để các nhà giáo đang giảng dạy ở mọi miền đất nước, ở nhiều ngành nghề, nhiều loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tụ hội, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm góp phần duy trì phong trào dạy tốt, học tốt trong toàn ngành nói chung và ở các cơ sở đào tạo nói riêng. Được tham gia Hội giảng toàn quốc là niềm mơ ước của hàng nghìn nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên khắp cả nước. Hội giảng lần này do TP Hà Nội đăng cai tổ chức là kỳ Hội giảng lần thứ 12 kể từ năm 1986 đến nay, và là kỳ Hội giảng đầu tiên kể từ khi thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN báo cáo về công tác chuẩn bị cho Hội giảng

Để tiến tới Hội giảng toàn quốc năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương đã tổ chức Hội giảng các cấp. Qua theo dõi và báo cáo của các địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chỉ đạo và tổ chức tốt Hội giảng cấp địa phương, cơ sở, đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, không chỉ là hoạt động đi sâu vào chuyên môn, mà còn tạo ra phong trào thi đua rộng khắp về đổi mới phương pháp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Số nhà giáo tham gia hội giảng toàn quốc đều đạt giải cao tại Hội giảng cấp tỉnh/thành phố trong cả nước, là những tấm gương điển hình của phong trào thi đua dạy tốt, đi đầu trong việc đổi mới tư duy sư phạm và phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu của đào tạo theo năng lực thực hiện. Độ tuổi bình quân của nhà giáo tham gia Hội giảng là 34 tuổi, người trẻ nhất là 25 tuổi, người lớn tuổi nhất là 48 tuổi, số nhà giáo nữ tăng hơn 20% so với kỳ Hội giảng trước.

Thông điệp của Hội giảng toàn quốc năm nay là Đổi mới phương pháp sư phạm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; thực tâm, thực tài, thực nghề; gương mẫu, sáng tạo, đổi mới; theo một tư duy mới, cách tiếp cận mới “dạy những gì doanh nghiệp, thị trường lao động và xã hội cần”. Các nhà giáo trình giảng đều phải giảng dạy được cả ba loại giáo án: lý thuyết, thực hành và tích hợp, ngoài các tiêu chí đánh giá phần trình giảng, mỗi nhà giáo còn được đánh giá về tiêu chí sử dụng hiệu quả thiết bị GDNN tự làm và ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng, phản ánh toàn diện năng lực dạy học của nhà giáo.

Khác với những lần trước, Hội giảng lần này các bài tham dự giảng không chỉ phong phú ở phương pháp mà còn rất đa dạng ở lĩnh vực ngành nghề đào tạo. Một số lĩnh vực lần đầu tiên có bài giảng tham gia Hội giảng như: Y tế, Văn hóa nghệ thuật... Các bài đăng ký tham gia trình giảng tại Hội giảng lần này hầu hết thuộc các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại như nghề: Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật cơ khí, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Hàn, Công nghệ ô tô, Quản trị Khách sạn, nhà hàng, Kỹ thuật chế biến món ăn, Điều dưỡng, May và Thiết kế thời trang, Lâm sinh, Trồng trọt và bảo vệ thực vật… Những nghề này có nhiều nhà giáo dự thi báo hiệu sự cạnh tranh về chất lượng giảng dạy rất quyết liệt, sôi động.

Thứ trưởng Lê Quân phát biểu tại Hội giảng

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, yêu cầu đối với nhà giáo ngày một cao hơn, đòi hỏi nhà giáo phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực tiễn nghề nghiệp trong từng tiết giảng. Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc được tổ chức định kỳ 3 năm một lần là một trong những hoạt động để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đồng thời tôn vinh nhà giáo có nhiều đóng góp quý báu cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia Hội giảng

Để Hội giảng đạt kết quả tốt, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo và tham gia nhiệt tình của các Bộ, Ngành, địa phương, đặc biệt là TP Hà Nội - địa phương đăng cai trong 3 năm vừa qua, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 sẽ thành công trên mọi phương diện từ công tác chuẩn bị đến tổ chức trình giảng, đảm bảo khách quan, công bằng và chất lượng các bài trình giảng. Để đạt được điều này, Thứ trưởng đề nghị Ban Tổ chức Hội giảng cần làm việc hết sức mình để hoàn thành kế hoạch đã đề ra; Hội đồng giám khảo cần tập trung trí tuệ, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, đánh giá chính xác và nghiêm túc các bài trình giảng; các thầy giáo, cô giáo dự thi cần mang hết khả năng, trí tuệ thể hiện bài trình giảng, phấn đấu giành kết quả cao nhất; Địa phương, các trường đăng cai, các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ cần tận tình phục vụ Hội giảng. Hội giảng năm nay không chỉ dừng lại ở những thành tích đạt được trong khuôn khổ Hội giảng mà cần phải tiếp tục được phát huy, nhân rộng các bài giảng điển hình, tạo sức lan tỏa trong toàn ngành, góp phần thực hiện thành công chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc Hội giảng:

Đại diện Ban giám khảo tuyên thệ tại Lễ khai mạc

Đại diện giáo viên tuyên thệ tại Lễ khai mạc

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia hội giảng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và ông Ngô Văn Quý với các đoàn tham gia Hội giảng

VĂN LÝ - MẠNH DŨNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/khai-mac-hoi-giang-nha-giao-giao-duc-nghe-nghiep-toan-quoc-nam-2018-d81151.html