Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7)

Sáng 19-5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) chính thức khai mạc với sự kiện các nhà lãnh đạo G7 đến thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Đây là lần đầu tiên, tất cả các nhà lãnh đạo G7, trong đó có 3 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp, cùng đến thăm Bảo tàng tưởng niệm Hiroshima.

Hội nghị diễn ra từ ngày 19 đến 21-5, với sự tham gia của các quốc gia phát triển nhất thế giới gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản Fumio Kishida.

Ngoài ra, tham dự còn có các lãnh đạo của các tổ chức lớn gồm Liên hiệp quốc, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong ngày đầu tiên của hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận cách thức để xúc tiến giải trừ vũ khí hạt nhân và ban hành một văn kiện cam kết thúc đẩy cơ chế hạt nhân được thiết lập theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Dự kiến, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về việc gửi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới nhằm khẳng định rằng G7 sẽ thúc đẩy các nỗ lực thực tế và thực chất để tiến tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Các vấn đề khu vực, trong đó có xung đột Nga-Ukraine, dự kiến cũng là chủ đề thảo luận trong ngày đầu tiên này. Trong khuôn khổ thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra 3 phiên họp G7 mở rộng với 8 quốc gia được mời là Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Indonesia, Brazil, quần đảo Cook và Comoros.

G7 mong muốn tăng cường quan hệ với các nước Nam bán cầu (thuật ngữ chỉ các nước đang phát triển và mới nổi ở các khu vực như châu Á và châu Phi), đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều biến động cần sự chung tay của tất cả các nước. Đây cũng là cơ hội để các nước phát triển thảo luận với đại diện của các quốc gia đang phát triển và mới nổi về vấn đề hợp tác, thể hiện sự đóng góp của G7 đối với các quốc gia này trong các vấn đề cùng quan tâm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hội nghị G7. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hội nghị G7. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hội đàm tại Hội nghị G7

Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt đã được triển khai tại Hiroshima từ ngày 18-5. Cảnh sát tỉnh Hiroshima đặt mục tiêu giảm một nửa lưu lượng giao thông trong thời gian diễn ra hội nghị và kêu gọi người dân địa phương hạn chế đi lại bằng ô tô cá nhân.

Theo hãng tin Kyodo, có tới 24.000 nhân viên an ninh được huy động trong thời gian diễn ra hội nghị, hơn gấp 4 lần con số 5.600 nhân viên được huy động cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đến Hiroshima vào tháng 5-2016.

Sáng 19-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rời thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Với vai trò Chủ tịch G7 năm 2023, Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này, cũng là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản nói riêng và Nhóm G7 nói chung đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21-5-2023. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, năm 2023 là năm Việt Nam – Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tới Nhật Bản sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng phát triển; đồng thời thúc đẩy các nội dung hợp tác trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA thế hệ mới, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng...; tăng cường phối hợp, chia sẻ lập trường, hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khai-mac-hoi-nghi-thuong-dinh-nhom-cac-nuoc-cong-nghiep-phat-trien-g7-post690325.html