Khai mạc Hội thảo khoa học 'Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước'

Sáng 3/5, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước'.

Quang cảnh Hội thảo khoa học.

Dự Hội thảo có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đồng Trưởng ban tổ chức hội thảo.

Cùng dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Hội Khoa học lịch sử tỉnh; Hội Di sản văn hóa tỉnh; Hội VHNT tỉnh; thành phố Ninh Bình; phường Thanh Bình và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Trường Đại học KHXH và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và các nhà nghiên cứu của địa phương.

Các đại biểu dự khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước" là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá, khẳng định các giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích, góp phần làm rõ giá trị nổi bật của di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước; từ đó đề xuất phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị các văn bia nói riêng và di tích núi Non Nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa tại địa phương.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Núi Non Nước không chỉ là một cuốn sử thi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử và chiến công oanh liệt của cha ông ta, nơi đây còn là một tàng thư thiên nhiên, bảo tàng thi ca vô giá. Từng được ví là "cảnh tiên rơi cõi tục", núi Non Nước từ lâu đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng bất tận cho các đấng quân vương, các bậc anh hùng, tao nhân mặc khách nhiều thời đại đề thơ vịnh cảnh. Hiếm có ngọn núi nào ở Việt Nam có trên 40 bài thơ văn khắc vào núi và hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ, các danh nhân qua các triều đại như: Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Ngô Thì Nhậm, Tản Đà… Các bản văn khắc hiện còn trên vách đá không chỉ là các tác phẩm văn học có giá trị mà còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc công phu, có giá trị thẩm mỹ cao, được phân bố hài hòa trên các vách đá phẳng, dựng đứng, làm tôn thêm vẻ đẹp và kết tinh giá trị văn hóa của núi Non Nước.

Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước" là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch "Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025" nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước gắn với việc phát triển du lịch trên địa bàn tình; đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa, quảng bá, làm lan tỏa giá trị di tích và các di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích núi Non Nước; đồng thời là dịp để tỉnh Ninh Bình tham vấn ý kiến các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích vào các Danh sách di sản tư liệu của UNESCO.

Đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Mạnh Cường trình bày Báo cáo trung tâm tại Hội thảo.

Báo cáo trung tâm "Tổng quan về di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước" do đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đồng Trưởng ban tổ chức hội thảo trình bày đã nêu rõ về thông tin chung, hiện trạng di tích, giá trị của di tích; phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Trong đó khẳng định: Núi Non Nước cùng với núi Cánh Diều gần cạnh đang được tỉnh Ninh Bình đề xuất đưa vào Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với không gian chủ đề thương hiệu bảo tồn và phát huy giá trị di sản là Tiếp biến. Đồng thời xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng công viên văn hóa Thúy Sơn làm điểm nhấn phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời bổ sung thêm một điểm du lịch văn hóa độc đáo cho du khách khi đến Ninh Bình. Phát triển chủ đề về giao lưu, tiếp biến văn hóa, thương mại và công nghiệp trong lịch sử và hiện đại, hình thành một khu vực tập trung vào các hoạt động văn hóa và nghệ thuật biểu diễn đương đại, công nghiệp văn hóa, chứa đựng tinh hoa hiện đại và truyền thống.

Hội thảo này là dịp để tỉnh Ninh Bình tham vấn ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế, Tổ chức UNESCO, các cơ quan quản lý di sản văn hóa ở Trung ương và địa phương để xây dựng hồ sơ đề cử trình cấp có thẩm quyền xem xét ghi vào các Danh sách Di sản tư liệu của UNESCO.

PGS.TS Vương Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo do PGS.TS Vương Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm trình này nêu rõ: Hội thảo đã nhận được 36 vài viết của các nhà nghiên cứu ở Trung ương và địa phương. Nội dung các bài viết chia làm 2 chuyên đề "Giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước" và chuyên đề "Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước và hệ thống văn bia tại di tích".

Các tham luận tại hội thảo tập trung thảo luận để làm rõ một số vấn đề: vị trí lịch sử của núi Non Nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Ninh Bình nói riêng, đất nước nói chung; quá trình tôn tạo các di tích trên núi Non Nước và ý nghĩa giá trị những di tích này; xác định rõ kho tàng di sản Hán Nôm núi Non Nước, bao gồm các vấn đề: số lượng, văn bản thơ văn núi Non Nước; làm rõ hơn giá trị sử liệu, văn liệu nổi bật của thơ văn núi Non Nước; định hướng công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa núi Non Nước; đồng thời mở rộng truyền thông giới thiệu rộng rãi về nét đặc sắc di sản văn hóa núi Non Nước, xây dựng điểm đến du lịch và tham quan cho du khách.

Thông qua hội thảo khoa học sẽ tập trung giải quyết tốt các vấn đề trên, góp phần nghiên cứu và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước.

Bùi Diệu-Hồng Vân-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khai-mac-hoi-thao-khoa-hoc-nghien-cuu-bao-ton-va-phat-huy/d20240503091530178.htm