Khai mạc Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc lần thứ nhất

PTĐT - Ngày 11/11, tại trường Đại học Hùng Vương, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức khai mạc Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc lần thứ nhất năm 2020. Tới dự và chỉ đạo hội thi có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng.

Phát biểu khai mạc hội thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Đối với hoạt động giáo dục nói chung, người làm công tác giảng dạy nói riêng, nghiệp vụ sư phạm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền lửa cho học trò. Vì thế, một giảng viên giỏi phải kết hợp hài hòa giữa trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Hội thi có ý nghĩa hết sức quan trọng để đánh giá trình độ nghiệp vụ sư phạm, sự sáng tạo tâm huyết trong nghề của các giảng viên. Ghi nhận tinh thần nỗ lực cố gắng của các đơn vị tham gia, công tác chuẩn bị chu đáo của trường Đại học Hùng Vương, Thứ trưởng yêu cầu hội thi phải được tổ chức nghiêm túc, khoa học; vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn. Ban giám khảo phải làm việc công tâm, chính xác, các thí sinh dự thi phải mang đến tinh thần quyết tâm, đoàn kết, thi đua để đạt thành tích cao nhất. Qua hội thi lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rút kinh nghiệm để tổ chức hội thi vào những năm sau, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong tình hình mới.Tham dự Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc lần thứ nhất, năm 2020 có 30 đội thi đến từ 24 trường đại học và cao đẳng đến từ khắp các vùng miền trên cả nước.Hội thi diễn ra từ 11/11 đến 14/11, các đội thi sẽ trải qua các phần thi theo đội và thi cá nhân, trong đó: Thi theo đội gồm: Chào hỏi, hiểu biết sư phạm; Xử lý tình huống sư phạm; Tự chọn. Thi cá nhân gồm: Hùng biện; Tự chọn.Ngay sau lễ khai mạc, các đội đã thi phần chào hỏi theo đội. Qua các phần thi, các giảng viên tới từ các trường cao đẳng, đại học của cả nước được trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đoàn kết, hợp tác để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên; đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy và kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Đây cũng là một căn cứ đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên, làm cơ sở để các cơ quan quản lý, các nhà trường chỉ đạo việc thực hiện giảng dạy và có kế hoạch đào tạo lại, bồi dưỡng giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu việc thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới giáo dục đại học.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202011/khai-mac-hoi-thi-giang-vien-gioi-nghiep-vu-su-pham-toan-quoc-lan-thu-nhat-173871