Khai mạc Lễ hội đền Huyền Trân 'Ngưỡng vọng tiền nhân' tại Huế

Lễ hội là dịp để người dân địa phương và du khách thập phương tưởng nhớ công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân, người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi Đại Việt.

Đền Huyền Trân dưới chân núi Ngũ Phong, phường An Tây, thành phố Huế.

Ngày 18-2 (tức ngày 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Trung tâm văn hóa Huyền Trân (đền Huyền Trân dưới chân núi Ngũ Phong, phường An Tây, thành phố Huế) đã khai mạc lễ hội đền Huyền Trân với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân”.

Năm nay, Lễ hội đền Huyền Trân diễn ra trong 2 ngày, từ ngày mùng 8 đến ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch, đúng ngày giỗ thứ 684 năm của Công chúa Huyền Trân, nhằm tưởng nhớ công lao mở mang bờ cõi của công chúa Huyền Trân đối với sơn hà xã tắc.

Các hoạt động tưởng nhớ Công chúa Huyền Trân, người đã hy sinh tình yêu và hạnh phúc riêng vì sự nghiệp lớn của vua Trần Nhân Tông để mở mang bờ cõi.

Người con gái yêu thương và xinh đẹp của vua Trần Nhân Tông đã hy sinh tình yêu và hạnh phúc riêng của mình vì sự nghiệp lớn để đem về cho Đại Việt một vùng đất Châu Ô, Châu Lý vuông ngàn dặm.

Màn đánh trống khai hội.

Lễ hội với nhiều hoạt động như Đại lễ cầu nguyện "Quốc thái dân an"; nghi lễ dâng hương tại điện Huyền Trân công chúa, dâng hương tại đền thờ vua Trần Nhân Tông. Sau nghi thức đánh trống khai hội, người dân và du khách đã dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước… Ngoài ra, còn có các hoạt động văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí khác.

Màn biểu diễn hình tượng điệu múa hoa sen trong đạo Phật thời vua Trần Nhân Tông gắn với điệu múa cổ truyền của Vương quốc Chămpa.

Công chúa Huyền Trân (sinh năm 1287), con gái vua Trần Nhân Tông, được gả cho vua Chămpa Chế Mân vào năm 1306 để đổi lấy hai châu Ô, Lý (nay là các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế). Bà mất năm 1340.

Một màn rước trong lễ hội.

Lễ hội đền Huyền Trân là một trong những lễ hội thu hút đông đảo du khách tại Thừa Thiên - Huế. Lễ hội không chỉ là một hoạt động văn hóa tâm linh mà còn là dịp để người dân địa phương và du khách tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người xứ Huế.

Đền Huyền Trân tại Huế.

Lễ hội không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân mà còn góp phần giáo dục lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết cho thế hệ trẻ.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khai-mac-le-hoi-den-huyen-tran-nguong-vong-tien-nhan-tai-hue-658645.html