Khai mạc Lễ hội Tiên La ở Thái Bình

Ngày 29/4 (tức 10/3 âm lịch), Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) long trọng tổ chức Lễ hội Tiên La năm 2023 và tưởng niệm 1980 năm ngày mất của Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục.

Lễ hội Tiên La mang tính chất cấp vùng, có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa, tâm linh của cư dân vùng đồng bằng nam sông Hồng.

Lễ hội Tiên La gắn với việc phụng thờ Bát nạn tướng quân (tướng quân phá nạn cho dân) Vũ Thị Thục (thường gọi là Thục Nương), một nữ tướng của Hai Bà Trưng đã có công đánh quân xâm lược phương Bắc, được tấn phong là Đông Nhung Đại tướng quân.

Hầu đồng - Nghi lễ quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Lễ hội Tiên La.

Năm 43 sau Công nguyên, bà mất trong trận chiến với quân Tây Hán. Cảm kích trước công đức và chí khí oai hùng của nữ tướng, dân làng Tiên La, Lương Xá, An Nhân, Hồng An (huyện Hưng Hà) lập đền thờ bà. Hằng năm, cứ vào dịp tháng 3 âm lịch tổ chức lễ hội để nhớ ngày bà mất.

Rước nước thiêng và linh vị Đức Thánh Mẫu là một trong những nghi thức không thể thiếu trong lễ hội Tiên La, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình).

Nét đặc sắc trong lễ hội Tiên La là lễ rước nước gồm hai đoàn rước thủy và rước bộ từ cửa đền Tiên La, xã Đoan Hùng đến ngã ba sông Luộc. Đoàn rước gồm đội múa rồng, đội rước cờ, đoàn rước kiệu Mẫu, kiệu bát cống, kiệu long đình.

Hai đoàn rước thủy, bộ gặp nhau ở ngã ba sông Luộc để lấy nước đổ vào chóe sứ, sau đó chóe nước được đặt trên kiệu mẫu rước về đền để trong cung cấm. Sau lễ rước nước đến các phần tế lễ, mở đầu là đội tế nữ quan của làng Tiên La, sau đến các đội tế của các làng trên địa bàn.

Nét đặc trưng trong Lễ hội Tiên La là cuộc thi giã bánh dày.

Lễ hội Tiên La xưa được tổ chức mỗi năm ba lần vào tháng 3, tháng 8 và tháng 11 âm lịch. Ngày nay, lễ hội tháng 3 (từ 10/3 đến 17/3 âm lịch) là lễ hội chính với việc tái hiện nhiều trò chơi dân gian như múa rối nước, thi giã bánh dày, thi pháo đất, thi vật, thi tổ tôm điếm...

Lễ hội Tiên La còn bảo lưu tương đối nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân trồng lúa nước thuở sơ khai.

Trong lễ hội còn bảo tồn hai loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng là hát ca trù và hát văn (kèm hầu bóng). Không gian lễ hội Tiên La bao trùm trên địa bàn cả huyện, nhưng tập trung rõ nét nhất tại xã Đoan Hùng và Tân Tiến. Tại đây, có các di tích cấp quốc gia gồm đền Tiên La, chùa Tiên La, đền Rẫy và đền Buộm gắn liền với việc phụng thờ Bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục.

Trong đó, đền Tiên La là di tích tiêu biểu, được xây dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn xây dựng lại bằng đá trên một gò đất rộng gần bốn nghìn mét vuông hướng ra sông Tiên Hưng. Đền còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao như đôi chóe chất liệu gốm thời Lê, các thần tích và sắc phong thần thời Lê đến thời Nguyễn...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khai-mac-le-hoi-tien-la-o-thai-binh-post750453.html