Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung 2018: Sắc màu văn hóa miền Trung

VH- 20 giờ ngày 24.8, chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức đã diễn ra tại Tam Kỳ, Quảng Nam, mở đầu những ngày hội sôi động, đầy sắc màu, tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc khu vực miền Trung.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu khai mạc

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung trong thời kỳ đổi mới - hội nhập và phát triển bền vững đất nước”, Ngày hội là sự kiện văn hóa - chính trị có quy mô lớn tại 13 tỉnh miền Trung.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày hội với chủ đề “Sắc màu văn hóa miền Trung”

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội đã biểu dương gần 2.000 già làng, trưởng bản, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc đến từ 13 tỉnh trong khu vực đã hội tụ về đây với tinh thần giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung. Kế thừa kết quả của Ngày hội trước, đến với Ngày hội lần này, du khách trong và ngoài nước được hòa mình vào không khí sôi nổi với những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc qua sự thể hiện của các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ 13 tỉnh miền Trung.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tham dự các hoạt động tại Ngày hội

“Đồng bào các dân tộc miền Trung trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, có nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc, được hình thành, phát triển trong quá trình lao động sản xuất, được lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, trang phục, nghi thức lễ hội, tín ngưỡng dân gian, là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nghệ nhân Hồ Ai và Hồ Thị Con, đồng bào Vân Kiều (Quảng Bình) biểu diễn hát giao duyên dân ca Bru- Vân Kiều

Đoàn nghệ nhân Khánh Hòa biểu diễn làn điệu Alơu trong lễ hội sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn

Biểu diễn trang phục truyền thống các dân tộc của đoàn Bình Định

Trong khuôn khổ Ngày hội, trong ngày 24.8 cũng đã diễn ra các hoạt động: Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc thiểu số; Trưng bày triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số.

Đoàn Quảng Nam sẽ trình diễn nghi thức “Cúng đất lập làng” của đồng bào Cơ tu tại Ngày hội

Giới thiệu ẩm thực các dân tộc tại Ngày hội

Hơn 50 tiết mục tham gia Liên hoan đa dạng về thể loại như hát múa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hoạt cảnh,…do chính các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng đến từ những tộc người khác nhau trình diễn. Mỗi đoàn đều có cho mình những tiết mục điểm nhấn, giới thiệu đặc trưng âm nhạc của riêng mình như: Hát giao duyên dân ca dân tộc Bru-Vân Kiều (Quảng Bình); múa cồng chiêng dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam); hòa tấu chiêng cổ cầu mùa, biểu diễn nhạc cụ dân tộc trống Ktoang đối đáp (Bình Định); hòa tấu đàn đá Khánh Sơn, dân ca làn điêu Alơu của dân tộc Raglai (Khánh Hòa); Hòa tấu nhạc cụ dân tộc trống Paranưng - Ginăng - Chiêng - Lục lạc - Kèn Saranai - Kanhi – Mõ (Bình Thuận),… Ngày 25.8 sẽ diễn ra hoạt động “Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc” giới thiệu 13 trích đoạn là những lễ hội, nghi thức có sức sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS ở địa phương đó như: Lễ hội “Cúng đất lập làng” của người Cơ Tu (Quảng Nam); lễ “Cầu mưa” của người Ê Đê (Phú Yên), lễ “Cầu an” của dân tộc Chăm (Bình Thuận),...

Trưng bày triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số

goài ra còn có chương trình giới thiệu ẩm thực dân tộc, các hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian; du lịch.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ VHTTDL cho biết: Đây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm trong hoạt động biểu diễn văn hóa ở cơ sở. Qua đó sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, xây dựng và nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng, góp phần giữ gìn bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung.

Nhóm PV Văn phòng miền Trung

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-mi%E1%BB%81n-n%C3%BAi/khai-mac-ngay-hoi-van-hoa-cac-dan-toc-mien-trung-2018-sac-mau-van-hoa-mien-trung