Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Sáng 6/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường. Quốc hội sẽ dành 3 ngày (từ ngày 6-8/11/2019) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội, đối với các vấn đề thuộc 4 nhóm lĩnh vực: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương, Nội vụ; Thông tin và Truyền thông. Cùng tham gia trả lời chất vấn có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp báo cáo, giải trình một số lĩnh vực thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và sẽ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội tiếp tục áp dụng cách thức tiến hành chất vấn như các kỳ họp trước. Mỗi bộ trưởng có 5 phút để báo cáo trước phiên chất vấn. Tại kỳ họp này mỗi lượt chất vấn có khoảng 3-5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu đặt câu hỏi không quá 1 phút, bộ trưởng trả lời không quá 3 phút/1nội dung chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tại phiên chất vấn, các đại biểu nêu vấn đề ngày 17/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn thay thế Nghị định 210. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá tình hình, giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp nông thôn?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, Nghị định 57 ban hành thay thế Nghị định 210 là sự thay đổi lớn, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, coi doanh nghiệp và hợp tác xã là hạt nhân trong liên kết sản xuất lớn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận con số này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu và cần tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, nhất là về đích sớm hơn gần 2 năm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác này.

Bộ trưởng cho biết, Chính phủ vừa tổng kết chương trình 10 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các thiết chế hạ tầng chỉ trong vòng 9 năm được nâng lên với giá trị 2,4 triệu tỷ đồng đầu tư; 100% số xã có điện lưới, 99,1% số thôn có điện... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này còn những mặt tồn tại.

Đối với tình trạng sạt lở trong xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, cần tăng cường các khâu ứng phó từ dự báo sát hơn, kịp thời hơn; phương châm ứng phó tích cực, đồng bộ từ cấp cơ sở.

Những bất cập trong hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân và việc các tàu đóng mới hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh đã được các đại biểu phân tích, chất vấn. Hiện nay xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách đánh bắt xa bờ để trục lợi; nhiều tàu dừng hoạt động, không duy tu dẫn tới nợ xấu.

Giải trình cụ thể hơn về tình hình tín dụng trong triển khai thực hiện Nghị định 67, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tổng dư nợ cho vay thực hiện Nghị định 67 hiện khoảng 10.500 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 33%.

Cũng tại phiên chất vấn, những giải pháp để chuyển đổi nông sản khi được mùa mất giá hay được giá mất mùa; trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giải cứu nông sản... là những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổng diện tích đất canh tác cả nước chỉ có 10 triệu ha nhưng Việt Nam đã tạo ra được mức sản xuất 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng.

Về tình trạng “được mùa, mất giá”, giải cứu nông sản, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, về tổng thể, Việt Nam đã khắc phục được với các sản phẩm quốc gia, nhưng với sản phẩm địa phương thì vẫn còn hiện tượng này, để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo địa phương sẽ làm tốt nhất vì sâu sát với cơ sở.

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tham gia giải trình một số nội dung nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới. Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch theo Luật quy hoạch; Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tại phiên chất vấn, đã có 43 đại biểu đặt câu hỏi và 14 đại biểu tranh luận. Chủ tịch QH đề nghị, thời gian tới, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH, có giải pháp cụ thể để xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, nhất là đối với gạo, trái cây và nông sản Việt Nam...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ có các giải pháp hiệu quả về tín dụng để giảm nợ xấu trong hỗ trợ hoạt động khai thác hải sản, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ mới; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng các chính sách hỗ trợ trong đánh bắt để trục lợi./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/khai-mac-phien-chat-van-va-tra-loi-chat-van