Khai mạc trưng bày 'Nét vàng son –Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng'

Chiều 20/6, lễ khai mạc trưng bày 'Nét vàng son – Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng' đã diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày

Đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày

Tại họp báo, TS. Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết lịch sử của nghề gỗ, nghề mộc, chạm khắc sơn son thếp vàng có từ rất lâu đời, kế thừa qua nhiều thời kỳ khác nhau. Hiện nay, Bảo tàng vinh dự lưu trữ bộ sưu tập phong phú, đồ sộ với nhiều loại hình khác nhau có niên đại thời Lê, Nguyễn (thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX), giai đoạn phát triển rực rỡ của nghề làm đồ sơn và sơn son thếp vàng.

“Chúng tôi chọn gần 60 hiện vật sơn son thếp vàng cùng với những tài liệu khoa học phụ liên quan để trung bày. Trong không gian khiêm tốn, chúng tôi mong muốn giới thiệu khái quát lịch sử ngành nghề lâu đời này trong khối di sản chung của dân tộc Việt nam, cũng như đặt trong bối cảnh chung của ngành nghề thủ công Việt Nam. Trên cơ sở đó truyền tải sự nâng niu, trân trọng đồng thời định hướng phát huy trong ngành gỗ sơn son thếp vàng nói chung và ngành nghề thủ công nói riêng”, ông Đoàn nói.

Trưng bày Nét vàng son – Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thể hiện theo dạng tổ hợp - nhóm các hiện vật liên quan trong các không gian thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng kết hợp trưng bày theo loại hình, kiểu dáng, chức năng. Các hiện vật là tượng thờ gồm: tượng Tam Thế phật, tượng phật A Di Đà, tượng Quan Âm, tượng Thích ca sơ sinh, tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng Hậu…Các hiện vật là đồ thờ như: hương án, khám thờ, ngai thờ, sập thờ, bài vị, hộp đựng sắc phong, bình, lọ hoa, lỗ bộ, hoành phi câu đối…Ngoài ra, trưng bày cũng giới thiệu một số hình ảnh liên quan đến nghề làm đồ sơn son thếp vàng.

Với nét chạm khắc tinh xảo, sắc đỏ của sơn, ánh sáng của vàng cùng những đề tài trang trí sinh động mang ý nghĩa tốt lành, cao quý, đồ gỗ sơn thếp được gắn với những nơi tôn nghiêm, trang trọng chốn cung đình hay nơi thờ tự và trở thành những tác phẩm nghệ thuật, những vật quý giá, linh thiêng… Đồ gỗ sơn thếp không chỉ thể hiện quan niệm nhân sinh, tư duy thẩm mỹ, bàn tay tài hoa của cha ông mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử, nghệ thuật, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng ...

Kiệu bát cống (kiệu 8 người khiêng) là loại kiệu dùng để rước tượng thánh hoặc thần vị trong các hội làng nên còn được gọi là kiệu thần.

Ban thờ các chư Phật sơn son thếp vàng

Phù điêu Thập điện diêm vương(5/10 tấm). Thập điện diêm vương theo Phật giáo Á Đông trong đó có Việt Nam là các vị thần linh cai quản cõi chết và phán xét con người ở địa ngục căn cứ vào công hay tội họ đã tạo ra khi còn sống.

Bình phong gỗ sơn thếp thời Nguyễn

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, các ngôi đình, đền, miếu thường bày ở vị trí trung tâm các đồ thờ như hương ánm bộ tam sự/ngũ sự, đài rượu, quả trầu, bình hương...hai bên có cờ quạt, đôi hạc, đôi ngựa...

Hoành phi hình cuốn thư thời Bảo Đại và kiếm thờ thế kỉ 19.

Hoành phi hình cuốn thư năm 1928

Mõ gỗ sơn thếp thế kỉ 19.

Công cụ, nguyên vật liệu, sản phẩm chế tác vàng quỳ của gia đình Nghệ nhân Lê Bá Chung, Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội.

Tượng sư tử, gỗ sơn thếp thế kỷ 18

Bàn về ý tưởng xây dựng phòng trưng bày, ông Nguyễn Quốc Bình – Trưởng phòng trưng bày Bảo tàng chia sẻ, đồ gỗ sơn son thếp vàng có kích thước tương đối lớn nên sử dụng phương pháp bày hiện vật bên ngoài chứ không cho vào tủ kính. Để tạo không gian gần gũi, Bảo tàng trưng bày theo dạng tổ hợp chứ không đơn lẻ như truyền thống. Nhóm hiện vật được trưng bày theo chủ đề nhất định. Cụ thể như ở trung tâm trưng bày muốn tái hiện không gian nội thất của ngôi chùa truyền thống do đó phía ngoài trưng bày bức tượng thần như ở các làng miếu, một góc là không gian trưng bày hiện vật trên ban thờ tổ tiên rất quen thuộc ở các nhà. Bên ngoài sử dụng hoành phi câu đối và hiện vật làm phong phú cho góc trưng bày.

“Chúng tôi dành diện tích khiêm tốn đưa ra giới thiệu về làng nghề Sơn Đồng chuyên điêu khắc tượng gỗ và làng nghề Điêu Ky. Hai làng nghề này từng rất hung thịnh trong lịch sử. Những năm gần đây, cũng sự phục hưng trở lại của tôn giáo tín ngưỡng nên các làng nghề này cũng phát triển trở lại. Nhưng cũng gặp không ít thách thức bởi di tích, đền chùa, miếu mạo được trùng tu lại bằng lớp sơn công nghiệp, mất đi giá trị truyền thống, mất đi vốn cổ truyền quý giá”, ông Bình cho biết.

Chính vì vậy. trưng bày này góp phần tôn vinh nghề thủ công truyền thống, tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn về sưu tập hiện vật, từ đó, nâng cao ý thức cho công chúng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Để làm được việc đó, hơn bao giờ hết, rất cần sự chia sẻ, ý thức chung tay của cả cộng đồng, đó mới là sự phát triển bền vững, mà trước hết là đưa làng nghề truyền thống vào mục tiêu phát triển du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những thiết chế văn hóa quan trọng, tích cực tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ này với những hoạt động thiết thực mà trưng bày Nét vàng son là một hoạt động cụ thể.

Trưng bày kéo dài đến hết tháng 11 năm 2017.

Thùy Dương

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/khai-mac-trung-bay-net-vang-son-suu-tap-do-go-son-son-thep-vang-av45036.html