Khái niệm 'trường đại học', 'đại học' không mới, nhưng dễ gây rối rắm

Chuyển đổi từ trường đại học lên đại học mang lại nhiều lợi ích về mặt tự chủ, nhưng các chuyên gia giáo dục đặt câu hỏi về tên gọi và các vấn đề liên quan chính sách.

Ngày 2/12, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký quyết định 1512/QĐ-TTg về việc chuyển trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lực tự chủ trực thuộc Bộ GD&ĐT, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

TS Đàm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục phổ thông, Tổ chức Giáo dục Equest, ủng hộ việc Đại học Bách khoa Hà Nội mở rộng hệ thống trường vì khi chuyển đổi, việc quản lý và tự chủ sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, khi xét về mặt ngôn ngữ, ông nhận thấy cách gọi “trường đại học” và “đại học” theo quy định chưa được rõ ràng. Những người không làm trong lĩnh vực giáo dục sẽ khó hiểu hai khái niệm này khác nhau ở đâu.

 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST.

Hiểu đúng về “trường đại học”, “đại học”

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018, trường đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Trong khi đó, đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mệnh, nhiệm vụ chung.

TS Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia, nêu rằng mô hình đại học hiện nay giống mô hình đại học tổng hợp trước đây, được chia thành nhiều lĩnh vực đào tạo. Còn trường đại học chỉ đào tạo một lĩnh vực, chia thành nhiều ngành. Nếu xét về việc vận hành, quy mô, tầm vóc và quyền tự chủ của đại học sẽ cao hơn trường đại học.

Nói về mô hình đại học, TS Trần Kiên, giảng viên Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết các thử nghiệm đầu tiên về mô hình đại học có thể tìm thấy từ năm 1993, kể từ khi Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập.

Trước khi trường Bách khoa Hà Nội chuyển lên đại học, Việt Nam chỉ có 5 đại học bao gồm 2 đại học quốc gia là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và 3 đại học vùng là Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng. Các đại học này đều có nhiều trường đại học thành viên trong cơ cấu tổ chức của mình.

Đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP được ban hành, mô hình đại học được mở rộng cho tất cả trường đại học có nhu cầu với những điều kiện và cách thức nhất định.

Hiện, hai cách để chuyển đổi từ trường đại học lên đại học cụ thể như sau:

Cách một, trường đại học nâng cấp lên đại học bằng cách thành lập 3 trường thành viên trực thuộc trường đại học đó. Sau đó, trường sẽ nộp hồ sơ xin chuyển đổi theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Cách hai, các trường đại học đơn ngành liên kết với nhau để thành lập một đại học mới theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 99/2019/NĐ-CP

Về điều kiện chuyển đổi, Điều 4 của Nghị định 99/2019/NĐ-CP nêu rõ 3 nội dung:

Thứ nhất, trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.

Thứ hai, trường đại học có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.

Thứ ba, trường đại học có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Vấn đề không chỉ nằm ở tên gọi

Bàn về việc chuyển đổi mô hình đại học, TS Phạm Hiệp ủng hộ các trường đại học nâng tầm để đạt vị thế mới, từ đó việc tự chủ, phát huy tiềm lực cũng sẽ cao hơn.

Ông lấy ví dụ trường hợp của Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi chuyển đổi từ trường đại học lên đại học, trường có quyền tự chủ đến từng đơn vị, từng giảng viên. Trường cũng sẽ có những ưu tiên về mặt đầu tư, mang lại lợi ích lớn trong công tác nghiên cứu, giảng dạy.

Ông Phạm Hiệp cho rằng cách gọi "đại học", "trường đại học" sẽ gây khó khăn cho các trường khi vươn ra quốc tế. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, theo ông, biện pháp sử dụng thiết chế đại học thay vì trường đại học làm mọi chuyện phức tạp hơn. Chưa kể, việc để tên “trường đại học”, “đại học” sẽ gây khó khăn cho các trường khi vươn ra quốc tế.

Trong tiếng Việt, chúng ta vẫn có thể phân biệt hai mô hình bằng chữ “trường”. Nhưng trong tiếng Anh, về cơ bản hai mô hình này đều gắn liền với “university”. Nếu chỉ nhìn qua tên gọi, người nước ngoài khó có thể hiểu được hai mô hình khác nhau ở những điểm nào.

Lấy ví dụ cho trường hợp dịch tên trường sang tiếng Anh, ông Phạm Hiệp kể rằng ông từng tham gia một cuộc họp với các học giả nước ngoài, khi đại diện Việt Nam đọc báo cáo về hệ thống giáo dục đại học, nhiều người không hiểu gì, các phiên dịch viên cũng gặp khó khăn khi dịch các thông tin liên quan.

“Ví dụ khi chúng ta nói ‘Một số trường đại học Việt Nam đang có kế hoạch chuyển đổi lên đại học’, chúng ta không thể dùng mỗi chữ university mà phải thay bằng university system. Nhưng dù vậy, đối tác vẫn khó hiểu vì rối rắm”, ông Hiệp nói.

Những tranh luận liên quan việc chuyển đổi mô hình đại học không chỉ liên quan tên gọi, mà còn nằm ở những vấn đề liên quan chính sách. TS Trần Kiên nhận định Đại học Bách khoa Hà Nội là một trường tốt, khi chuyển đổi từ trường đại học lên đại học, rõ ràng, nhà trường đã có mục tiêu, chiến lược riêng.

Tuy nhiên, câu hỏi ông Trần Kiên đặt ra là sau khi chuyển đổi mô hình, nhà trường sẽ tăng cường tự chủ như thế nào, đặc biệt trong vấn đề tự chủ tài chính. Ngoài ra, ông cũng đặt câu hỏi chính sách lập pháp thật sự của quy định cho phép mở rộng mô hình trường đại học thành đại học và khả năng thành công thật sự của chính sách này.

Theo ông, các trường đại học Việt Nam, nhất là các cơ sở giáo dục công lập, đang trong quá trình cải cách để tự chủ về tài chính, tự chủ về chương trình đào tạo, quản lý nhân sự, quan hệ quốc tế, nghiên cứu khoa học…

Các trường muốn chuyển đổi từ trường đại học lên đại học để tăng tính tự chủ, nhưng việc chuyển đổi lại có thể làm phân tán nguồn lực của trường và có thể làm phát sinh thêm “cấp” quản lý nội bộ, tức là tăng tình trạng quan liêu, giảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, nhất là khi không có quy định rõ ràng về cơ cấu, tổ chức, quản lý, vận hành của các đại học mới thành lập từ chuyển đổi và liên kết này.

Tuy nhiên, ông Kiên vẫn ủng hộ ý tưởng “trăm hoa đua nở” về mặt mô hình. Nghĩa là, các trường có thể đa dạng về mặt mô hình quản lý, mô hình nào trường cảm thấy làm tốt thì có thể theo đuổi, không nhất thiết phải chạy theo một mô hình nhất định hay đồng bộ tất cả phải giống nhau. Không ít các quốc gia khác cũng đang thử nghiệm các mô hình Đại học khác nhau, ví dụ gần đây nhất chính là Pháp với Đại học Paris Saclay.

Thái An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khai-niem-truong-dai-hoc-dai-hoc-khong-moi-nhung-de-gay-roi-ram-post1382481.html