Khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng, người dân Đắk Nông đồng loạt kêu cứu

Tình trạng sạt lở dọc bờ sông Krông Nô nói chung và đoạn chảy qua địa phận xã Nâm N'Đir, Đắk Nang, Đức Xuyên được xác định là do hoạt động khai thác cát và xả nước của thủy điện Buôn Tua Srah, khiến hàng chục ha đất nông nghiệp của người dân bị trôi sông.

Hàng chục ha đất trôi sông

Theo đánh giá của các ngành chức năng, hoạt động khai thác cát cùng với việc xả nước của thủy điện Buôn Tua Srah (do Công ty thủy điện Buôn Kuốp làm chủ đầu tư), được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc hai bờ sông Krông Nô, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Đắk Nông. Thống kê diện tích sạt lở lên đến hàng chục ha đất của người dân.

Mặc dù sự việc đã diễn ra từ nhiều năm nay và chính quyền địa phương cũng nhiều lần có văn bản chấn chỉnh, xử lý hoạt động khai thác cát nhưng đến nay tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp diễn, khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình trạng sạt lở trên, rất nhiều hộ dân thuộc xã Nâm N’Đir (huyện Krông Nô) đã có đơn phản ánh gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí.

Nhiều ghe, tàu hút cát hoạt động trên sông Krông Nô.

Nhiều ghe, tàu hút cát hoạt động trên sông Krông Nô.

Theo đơn phản ánh và trình bày trực tiếp của các hộ dân với phóng viên, từ khi làm thủy điện Buôn Tua Srah đã gây sạt lở nghiêm trọng đất nông nghiệp của bà con trên địa bàn xã Nâm N’Đir. Đặc biệt, từ khoảng năm 2017, khi Công ty TNHH Xuân Bình về khu vực sông Krông Nô, thuộc địa phận xã Nâm N’Đir khai thác cát cùng một số đơn vị khác đã gây sạt lở, ước tính đến hàng chục ha đất nông nghiệp của các hộ dân tại đây.

“Từ khi Công ty TNHH Xuân Bình về khai thác cát tại khu vực sông Krông Nô thuộc địa phận xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô đã gây ra việc sạt lở nghiêm trọng đất nông nghiệp khiến chúng tôi không còn đất để canh tác, sản xuất nông nghiệp nhiều năm qua. Điều này đã khiến cuộc sống của người dân chúng tôi bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, kinh tế trở nên kiệt quệ”, đơn phản ánh nêu rõ.

Cũng theo các hộ dân cho biết, người dân nơi đây đã nhiều lần làm đơn phản ánh với chính quyền địa phương về việc Công ty TNHH Xuân Bình và một số công ty khai thác cát tại khu vực sông Krông Nô đã gây ra việc sạt lở nghiêm trọng, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được các cấp chính quyền giải quyết triệt để.

Đơn kêu cứu của hàng loạt người dân.

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, hiện tình trạng sạt lở tại sông Krông Nô vẫn diễn ra vô cùng phức tạp, nhiều đoạn sạt lở đã tiến sát nhà của người dân khiến họ phải đóng cửa đi ở nhờ nơi khác.

Theo anh Đỗ Sơn Lâm cho biết, trước đây anh có hơn 5ha đất trồng cà phê và hoa màu nhưng nay đã bị sạt lở hơn 3ha. Theo anh Lâm, trước đây dòng sông Krông Nô đoạn này chỉ rộng khoảng 20m, bây giờ sạt lở lấn sâu vào đất của gia đình anh ước chừng đã rộng khoảng 100m. Thêm vào đó, đáy sông sâu gấp mấy lần trước kia do việc hút cát kéo dài va hoạt động rầm rộ.

“Ở xã Nâm N’Đir, ngoài 3ha đất nông nghiệp ra, tôi còn mất tài sản trên đất là 1 căn nhà ở, 1 chuồng bò và một nhà kho. Căn chòi tạm này, tôi di chuyển mấy lần, vô dần trong này mới giữ được”, anh Lâm bức xúc nói.

Anh Trần Quang Xuân trình bày, năm 2014, gia đình anh mua một thửa đất dọc theo bờ sông Krông Nô với diện tích hơn 16.800 m2, nhưng do hoạt động khai thác cát, thủy điện gây sạt lở nên đến nay diện tích đất của gia đình anh Xuân chỉ còn khoảng 1ha.

Theo một số hộ dân tại xã Nâm N’Đir cho biết, thường các ghe hút cát hoạt động 2 lần/ngày, lần đầu hút cát khoảng từ 4 – 5 giờ sáng, lần 2 khoảng 11 giờ trưa. Khi người dân báo chính quyền xuống đến nơi thì họ lại cho thuyền đi về phía bờ của huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) hoặc khi đến thì họ đã “được báo” nên rút đi.

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông Krông Nô.

Sẽ xem xét thu hồi cấp phép

Với tình hình sạt lở trên, trước đó, Đảng ủy xã Nâm N’Đir cũng đã có Báo cáo số 96-BC/ĐU ngày 18/5/2017, về tình hình khai thác cát trên sông Krông Nô. Báo cáo này nêu rõ: “Mấy năm gần đây do tình trạng khai thác cát trên tuyến sông Krông Nô đoạn chảy qua địa bàn xã tại cánh đồng Đắk Rền và cộng với việc xả nước thất thường của thủy điện Buôn Tua Srah gây sạt lở nhiều ở bờ sông, hàng năm làm giảm diện tích canh tác sản xuất của người dân.

Đảng ủy xã Nâm N’Đir có báo cáo về tình trạng sạt lở tại địa phương.

Đặc biệt, trong năm 2017, có một đoàn tàu xà lan lớn từ phía xã Quỳnh Ngọc, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk lên hút cát tại cuối bãi cánh đồng Đắk Rền – xã Nâm N’Đir làm tụt lòng sông sâu xuống và lượng cát bị hút quá lớn đã gây hỏng ngầm dưới đất…

Cụ thể từ khu bãi ông Lâm đi về phía thượng nguồn đến trạm bơm số 4 bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, làm mất nhiều diện tích đất sản xuất của nông dân. Cứ tình trạng sạt lở như hiện nay, chắc chắn thời gian không xa sẽ có nhiều hộ dân mất đất sản xuất”, văn bản Đảng ủy xã Nâm N’Đir từng cảnh báo.

Để khắc phục tình trạng sạt lở trên, Đảng ủy xã Nâm N’Đir đã kiến nghị và đề xuất thu hồi giấy phép khai thác cát trên đoạn sông này.

Còn theo Báo cáo số 264/BC-XTNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Đắk Nông ngày 23/8/2018, về kết quả kiểm tra tình hình sạt lở đất dọc sông Krông Nô thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông (ban hành kèm theo Phụ lục I) cho biết, toàn tỉnh Đắk Nông có đến 8 đơn vị được cấp giấy phép thăm dò và khai thác cát trên sông Krông Nô.

Hiện nay chỉ còn 6 đơn vị trực tiếp khai thác, gồm: Công ty TNHH Xuân Bình; Công ty TNHH Phú Bình; Công ty TNHH Hải Khánh Ngân; Công ty CP VLXD Tây Nguyên; DNTN Quỳnh Mai; DNTN Văn Hồng. Tổng sản lượng khai thác cát hàng năm của các đơn vị này được cấp phép là 184.000m³/năm. Riêng Công ty TNHH Xuân Bình và Công ty TNHH Phú Bình đã chiếm 1/2 sản lượng.

Báo cáo của Sở TNMT và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông.

Báo cáo của Sở TNMT cũng thể hiện rõ, hiện trạng sạt lở đất dọc bờ sông Krông Nô tại các khu vực cấp phép thăm dò và khai thác cát có diễn biến phức tạp. Tại khu vực cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Xuân Bình có đến 6 điểm sạt lở, thuộc xã Đắk Nang và Đức Xuyên; Khu vực cấp phép cho Công ty Phú Bình có 8 điểm sạt lở, chủ yếu thuộc địa bàn xã Nâm N’Đir, đây là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, với hàng chục, thậm chí lên đến hàng trăm ha đất đã bị hà bá “nuốt chửng”. Ngoài ra còn có một số địa phương cũng bị sạt lở, nhưng số lượng điểm sạt lở ít hơn.

Một số đoạn xây kè bảo vệ nhưng cũng không thoát khỏi tình trạng sạt lở.

Trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Đắk Nông cũng nhiều lần có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk; Yêu cầu các đơn vị khai thác cát thực hiện đúng nội dung đề án khai thác, chấm dứt việc khai thác khoáng sản tập trung tại một khu vực gây nên sự thay đổi đột ngột địa hình lòng sông và có biện pháp khai thác hạn chế dòng chủ lưu chảy sát vào bờ để giảm thiểu tác động gây ra xói lở bờ sông.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở TNMT Đắk Nông cho biết, đơn vị này đang tiến hành dự thảo tờ trình UBND tỉnh về việc thu hồi những đoạn sạt lở nằm trong giấy phép khai thác, lấy ý kiến Sở Tư pháp để làm cơ sở thu hồi. Đối với những trường hợp vi phạm sẽ tham mưu cho tỉnh xem xét xử lý theo quy định.

Bạt Phong - Bảo Hà

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/khai-thac-cat-gay-sat-lo-nghiem-trong-nguoi-dan-dak-nong-dong-loat-keu-cuu-d105303.html