Khai thác đất rừng ở Hòa Bình: Trách nhiệm người đứng đầu và câu hỏi đất hay khoáng sản?

Phải gắn 'trách nhiệm người đứng đầu' để giảm thiểu tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn huyện Lạc Thủy, Hòa Bình.

“Phải gắn trách nhiệm người đứng đầu”

Ngày 25/6, Báo điện tử Gia đình Việt Nam có bài phản ánh việc lợi dụng việc san gạt đất, hộ gia đình ông Bùi Văn Viện, (thôn Đồng Mới, xã Đồng Tâm) công khai múc đất, dùng ô tô vận chuyển ra ngoài trái phép, cung cấp cho các dự án san lấp ngoài tỉnh. Đáng nói, hoạt động này diễn ra sau khi có biên bản kiểm tra, ngăn chặn của chính quyền xã và Hạt Kiểm lâm Lạc Thủy vào ngày 9/5.

Quả đổi ở thôn Đồi Chùa bị múc nham nhở, dựng đứng cao hàng chục mét

Trên cơ sở phản ánh, ngày 3/6 UBND huyện Lạc Thủy đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu xử lý hành vi vi phạm của hộ gia đình ông Bùi Văn Viện mà báo Gia đình Việt Nam đã nêu. Đồng thời yêu cầu UBND xã Đồng Tâm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản; yêu cầu phòng TN&MT, NN&PTNT, KT – HT, Hạt Kiểm tăng cường công tác quản lý nhà nước bàn huyện.

Để xảy ra tình trạng này bà Lâm Thị Kính, Trưởng phòng TN&MT huyện Lạc Thủy cho rằng, một phần do trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa bàn, còn chưa chặt chẽ và chưa thường xuyên.

Về trường hợp của ông Viện, bà Kính cho biết Phòng TN&MT đang phối hợp với UBND xã Đồng Tâm; Phòng NN&PTNT; Hạt Kiểm lâm Lạc Thủy xem xét xử lý hành vi múc, vận chuyển trái phép của ông Viện và sẽ có báo cáo sau.

Được biết, thời gian qua trên địa bàn huyện nhiều trường hợp khai thác đất trái phép tương tự cũng bị UBND huyện Lạc Thủy tiến hành kiểm tra, xử phạt.

Nguyên nhân của tình trạng này theo Đại tá Quách Đình Thi, Trưởng Công an huyện Lạc Thủy là do đất ở một số khu vực có giá trị, nên một số cá nhân vì lợi nhuận đã múc, vận chuyển trái phép bán cho các nhà máy gạch, xi măng. Việc múc, vận chuyển nhỏ lẻ, lén lút ít nhiều gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

Thời gian tới, để chấn chỉnh tình trạng này, Đại tá Thi cho rằng phải giao trách nhiệm cụ thể, gắn trách nhiệm với người đứng đầu xã, đứng đầu khu dân cư. “Phải gắn trách nhiệm người đứng đầu. Chỗ nào có khai thác trái phép thì người đứng đầu xã, trưởng thôn, công an viên khu dân cư đó phải chịu trách nhiệm, chứ không để xảy ra rồi báo cáo”, Đại tá Thi nói.

“Xóm trưởng, Công an, Bí thư chi bộ ở địa bàn của anh quản lý đừng nói là anh không biết, ví dụ dân mở khoảng 4 -5 m2 để bán hàng các anh biết ngay, vậy mà máy móc, ô tô rầm rầm như vậy mà anh không biết? Không thể nói là không biết được!”, Đại tá Thi nêu ví dụ.

Đất hay khoáng sản?

Như trước đó Báo Gia đình Việt Nam cũng đã phản ánh, trong quá trình san, gạt hạ độ cao đất lâm nghiệp một số hộ dân ở xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy đã “tuồn” đất ra địa bàn ngoài tỉnh để bán cho các nhà máy gạch, xi măng. Điều này khiến dư luận hoài nghi, số đất san gạt dôi dư được phép khai thác kia là đất hay là khoáng sản có giá trị kinh tế? Hoạt động san gạt, vận chuyển là thực chất cần thiết để phục vụ đời sống hay trá hình để tư lợi cho cá nhân, nhóm người?

Giấy phép khai thác đất san, lấp của hộ ông Bùi Văn Thụ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 22/8 - 30/10/2018, UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp 2 giấy phép khai thác đất san, lấp công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp số154; 125 cho bà Bùi Thị Thảo và ông Bùi Văn Thụ tại thôn Mạnh Tiến 2, xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy. Diện tích, khối lượng khai thác lần lượt là: 2.700 m2, 40.824m3;3.435m2, 90.814 m3.

Tại buổi làm việc với PV Báo Gia Đình Việt Nam bà Lâm Thị Kính - Trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Lạc Thủy khẳng định, khu đất được tỉnh cấp phép san gạt của hộ gia đình ông Thụ và bà Thảo tại xã Yên Bồng chỉ là đất đá san lấp đơn thuần chứ không phải là khoáng sản.

“Trường hợp của ông Bùi Văn Thụ và Bùi Thị Thảo tại thôn Mạnh Tiến 2, xã Yên Bồng đã được tỉnh cấp phép cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp theo quyết định 36 của UBND tỉnh. Ngoài giấy phép cải tạo được cấp thì các hộ không còn giấy phép nào khác. Còn khối lượng đất dôi dư khi cải tạo thì được vận chuyển đi, khi cấp phép sẽ thu tiền cấp quyền khoáng sản, phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên. Còn thành phần đất tại hai điểm san gạt chỉ là đất sỏi, đất cặn chứ không phải đất để làm xi măng đâu”, bà Kính nói.

“Với các góc độ phòng TN&MT thì cũng chỉ biết là như vậy thôi, còn muốn biết đất gì thì phải có nghiệp vụ chứ! Chứ làm sao biết biết là đất này nó giầu (thành phần trong đất – PV) cái gì!”, bà Kính nói thêm.

Trả lời một số câu hỏi của phóng viên các vấn đề liên quan tới việc kiểm tra, giám sát hoạt động này bà Kính cho biết, Phòng TN&MT chỉ quản lý hành chính nhà nước đơn thuần, còn các vấn đề khác không được giao giám sát, kiểm tra nên không có thẩm quyền.(?).

Được biết ngày 22/11/2018 UBND huyện Lạc Thủy ra Quyết định số 1302/QĐ –UBND về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, giám sát khai thác san, lấp trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Tổ công tác thành phần gồm Phòng TN&MT; Phòng KT- HT; Công an huyện; UBND xã liên quan. Tổ công tác này có nhiệm vụ kiểm tra giám sát các hoạt động khai thác, san lấp và các vấn đề phát sinh như: giao thông; giấy phép; mốc giới; trọng tải trong khi thi công của các dự án trên địa bàn huyện. Vậy, như lời bà Kính nói, căn cứ vào đâu để tổ công tác này thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát? Đất khai thác nêu trên là đất san lấp hay khoáng sản? Hoạt động khai thác, vận chuyển có đúng, tuân thủ quy định?

Báo Gia đình Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc!

Bạn đọc có thông tin, đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo xin vui lòng gọi qua số ĐT: 0916 950 168. Email: thubandocgdvn@gmail.com

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/khai-thac-dat-rung-o-hoa-binh-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-va-cau-hoi-dat-hay-khoang-san-d144903.html